Cảm tử quân của Biển

31/07/2014 16:31

(Baonghean) - Gần 80 tuổi, ông Lê Huy Định vẫn minh mẫn và phong độ, vầng trán cao, mái tóc bạc, vẻ hiền từ của ông đã để lại ấn tượng khó phai cho những người đã từng được diện kiến ông. Ít ai biết được, ông từng là lính của Tiểu đoàn 135 anh hùng. Nửa thế kỷ đã trôi qua, người lính Hải quân nhân dân Việt Nam ấy vẫn nhớ như in niềm vui chiến thắng trận đầu...

(Baonghean) - Gần 80 tuổi, ông Lê Huy Định vẫn minh mẫn và phong độ, vầng trán cao, mái tóc bạc, vẻ hiền từ của ông đã để lại ấn tượng khó phai cho những người đã từng được diện kiến ông. Ít ai biết được, ông từng là lính của Tiểu đoàn 135 anh hùng. Nửa thế kỷ đã trôi qua, người lính Hải quân nhân dân Việt Nam ấy vẫn nhớ như in niềm vui chiến thắng trận đầu...

Trong không khí náo nức của quân dân cả nước hướng về Ngày Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam (2/8/2014), chúng tôi về thôn Hòa Lạc, xã Diễn Cát (Diễn Châu), tìm gặp ông Lê Huy Định, để được nghe ông kể những câu chuyện năm xưa. Trong căn nhà nhỏ nằm giữa khu vườn, người lính năm xưa nói cười vui vẻ. Ông đang tìm về những năm tháng tuổi trẻ của mình. “Mấy hôm nay, lòng tôi chợt rạo rực, bồi hồi bởi đơn vị và đồng đội liên tục điện thoại hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống. Mới hay, cái gì có thể nhạt phai chứ tình đồng chí, đồng đội luôn tươi thắm”- ông Định mở đầu câu chuyện...

Ông Lê Huy Định xem lại bức ảnh xưa. (Ảnh: Công Kiên)
Ông Lê Huy Định xem lại bức ảnh xưa. (Ảnh: Công Kiên)

Ông sinh 1936, sống dưới chế độ cũ 9 năm, nhờ vậy mà có cơ hội chứng kiến cảnh đói quay đói quắt đầu 1945, trong làng nhiều người chết đói, nhiều người đi tha phương cầu thực. Đầu 1954, khi cả nước đang chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Huy Định nhận được lệnh lên đường nhập ngũ. Chàng trai trẻ 18 tuổi của đất Phủ Diễn được cử tham gia lớp học văn hóa do Bộ tư lệnh QĐND Việt Nam tổ chức. Để rồi, giữa 1957, người lính ấy được cử sang Trung Quốc học Trường Hải quân số 3 tại cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông). Tại đây, ông được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật của binh chủng hải quân và nghiệp vụ hàng hải. Đó là kiến thức về thiên văn, cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của các phương tiện và vũ khí dưới nước (ngư lôi, thủy lôi, bom chùm, tên lửa...). Chiến sỹ trẻ Lê Huy Định sớm ý thức được Nhà nước, Quân đội cử mình đi học là để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu trường kỳ, đang chờ đợi phía trước. Ông tích cực học tập, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để cập nhật và nâng cao kiến thức, học hỏi và rèn luyện thao tác kỹ thuật. Thời gian thực tập tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), ông đã học hỏi, nắm bắt được nhiều điều bổ ích cho việc chiến đấu với kẻ địch sau này. Qua 3 năm miệt mài, từ chỗ một người lính chân ướt, chân ráo, Lê Huy Định trở thành một chiến sỹ hải quân làm chủ được các trang thiết bị kỹ thuật và khí tài chiến đấu. Năm 1960, ông về nước và tham gia huấn luyện kỹ thuật cho tân binh, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu với quân Mỹ. Khoảng 1 năm sau, Tiểu đoàn 135 Phóng lôi được thành lập đóng quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) và ông Định sớm có mặt trong hàng ngũ tiểu đoàn đặc biệt này. Nhiệm vụ chính của ông là kiểm tra các thông số kỹ thuật cho các con tàu và bơm khí, lắp đặt ngư lôi vào các ống phóng trên tàu, với tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8/1964, đơn vị ông Lê Huy Định nhận được lệnh sẵn sàng cơ động và chiến đấu. Bởi lẽ, tàu khu trục Ma-đốc của Hải quân Mỹ đã vượt vỹ tuyến 17, xâm phạm lãnh hải của miền Bắc để thăm dò và khiêu khích. Cụ thể, tàu Ma-đốc đã xâm phạm vùng biển Quảng Bình, tiến sát khu vực Đèo Ngang, tiến ra Hòn Mắt (Nghệ An), Hòn Mê và Lạch Trường (Thanh Hóa), có khi chỉ cách bờ biển trên dưới 10 hải lý. Rạng sáng 1/8/1964, Tiểu đoàn 135 nhận được Chỉ thị của Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương tiến đánh tàu khu trục Ma-đốc. Chiến sỹ Lê Huy Định và các đồng đội được lệnh lắp ngư lôi vào ống phóng cho các tàu thuộc phân đội 3. Lập tức, các tàu mang số hiệu 333, 336 và 339 được lắp 2 quả ngư lôi đã bơm đủ khí và nhanh chóng lên đường. Ông Định chia sẻ: “Xác định được lần này sẽ là cuộc chiến đấu thực sự, chứ không phải là tập luyện nữa nên khi lắp ngư lôi, anh em chúng tôi nhắc nhở nhau cẩn thận đến từng chi tiết, đảm bảo từng số liệu nguyên tử để ngư lôi được phóng đi tiêu diệt mục tiêu. Khi các đồng đội thuộc phân đội 3 lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi ở nhà hồi hộp chờ đợi tin tức và tin tưởng rằng trận đầu sẽ thắng lợi!”.

Sau 2 ngày, nhận được tin phân đội 3 đang trên đường trở về đảo Vạn Hoa, Lê Huy Định và các đồng chí, đồng đội trong đơn vị ra cầu cảng đón chờ. Từ xa, những chiếc tàu của phân đội 3 hiện ra rõ dần, rõ dần. Qua thông tin, ông Định được biết các tàu của ta trúng hỏa lực của địch nên bị hỏng, đang được tàu kéo lai dắt vào bờ. Rồi những chiếc tàu thân quen ấy tiến vào căn cứ, niềm vui vỡ òa, các chiến sỹ bước lên, đồng đội cùng ùa đến ôm chặt lấy nhau. Giây phút ấy có cả nụ cười và nước mắt, có niềm vui và sự căm thù. Cười vui vì đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ Bộ tư lệnh Hải quân giao là đánh thắng ở ngay trận đầu, đuổi tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc, thể hiện ý chí chiến đấu quật cường, sẵn sàng đối đầu với quân Mỹ - Ngụy của quân và dân ta. Nước mắt tuôn rơi vì thương tiếc những đồng đội đã hy sinh trong trận hải chiến đầu tiên, và ai cũng biết được đó là điều khó tránh khỏi trong những trận chiến đấu ác liệt.

l Bức ảnh Phân đội 3 tàu phóng lôi tấn công tàu khu trục Ma-đốc. (ảnh do nhân vật cung cấp)
Bức ảnh Phân đội 3 tàu phóng lôi tấn công tàu khu trục Ma-đốc. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Qua thông tin từ các đồng đội ở phân đội 3 trực tiếp chiến đấu với tàu khu trục Ma-đốc, Lê Huy Định nhanh chóng nắm bắt được diễn biến của sự kiện quan trọng này. Rời đảo Vạn Hoa, phân đội 3 do đồng chí Lê Duy Khoái (Tiểu đoàn trưởng) trực tiếp chỉ huy và đồng chí Nguyễn Xuân Bột (Phân đội trưởng), Mai Bá Xây (Chính trị viên phân đội) bí mật tiến vào Hòn Nẹ, thuộc vùng biển Thanh Hóa, để phục kích tàu địch. Từ Hòn Nẹ, Phân đội 3 tiếp tục nhận được lệnh hành quân vào Hòn Mê. Thời điểm này, tàu khu trục Ma-đốc ở cách Hòn Mê khoảng 9 hải lý, đơn vị được lệnh tăng tốc lên phía trước, xuất kích tiến đánh tàu địch.

Phát hiện 3 chiếc tàu của ta đang tăng tốc tiến về phía mình, tàu Ma-đốc lập tức quay đầu bỏ chạy, đồng thời dùng pháo cỡ lớn bắn vào đội hình đang di chuyển của Phân đội 3. Đồng chí Nguyễn Xuân Bột lệnh cho tàu 333 vượt lên phía trước để cản tàu địch, 2 tàu còn lại vòng chiếm góc phải để chiến đấu. Tiếp cận được tàu địch, tàu 339 lập tức phóng ngư lôi tấn công. Bỗng nhiên, 5 chiếc máy may địch bổ nhào đến tập kích vào đội hình chiến đấu của ta, tàu 339 bị trúng đạn ở khoang chính, buộc phải thả trôi để dập lửa. Trong khi đó, tàu 336 đã tiếp cận được mục tiêu và phóng ngư lôi khiến địch bị hoảng loạn.

Máy bay địch chuyển sang tấn công tàu 336, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự bị trúng đạn và hy sinh, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Chuẩn dù đã bị thương vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu. Hay tin thuyền trưởng tàu 336 hy sinh, cả phân đội càng quyết tâm xông lên chiến đấu, anh dũng, kiên cường trước những loạt đạn của máy bay và tàu chiến địch, sự căm thù càng sục sôi, ý chí và sức mạnh được nhân lên bội phần. Tàu 333 nhanh chóng tiếp cận và phóng ngư lôi vào tàu Ma-đốc, giáng cho địch những đòn kinh hoàng. Các chiến sỹ phân đội 3 vừa bao vây tàu địch trên mặt nước, vừa chống trả những đợt tấn công của máy may địch trên không. Cuối cùng, tàu khu trục của Mỹ bỏ chạy về phía bên kia vỹ tuyến 17.

Chiến thắng trước tàu khu trục Ma-đốc được xem là chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, không chỉ làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 135 mà cả quân và dân cả nước. Đó cũng chính là cái cớ để Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo hải quân ta tấn công tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế để tấn công đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Và chỉ chưa đầy 3 ngày sau, ngày 5/8/1964, Mỹ mở màn cuộc tập kích đường không xuống miền Bắc, cùng với đó là pháo hạm thi nhau bắn phá các cơ sở kinh tế và quân sự của ta. Cũng từ đó, ông Định và các đồng đội bước vào cuộc chiến đấu ác liệt, một mất, một còn với giặc Mỹ xâm lược. Bao nhiêu lần đối mặt với đạn bom, những người lính Tiểu đoàn 135 luôn anh dũng chống trả, họ kiên quyết bảo vệ căn cứ, bảo vệ những còn tàu cho đến ngày toàn thắng. Năm 1984, sau gần 30 năm gắn bó với biển, đảo quê hương, với những con tàu và những quả ngư lôi và những trận chiến đấu ác liệt, ông Định được về nghỉ hưu.

Trở về quê hương, ông Định gắn bó với làng quê, sống hòa mình với những người nông dân hiền hậu, chất phác. Trong nhà, ông đặt một chiếc tủ kính nhỏ, trong đó có một quả địa cầu và một chiếc tàu đang lướt sóng vươn khơi. Người lính Hải quân năm xưa chia sẻ: “Tuổi già thường hay hoài niệm, thường nhớ về những chuyện xưa. Cuộc đời trai trẻ của tôi gắn bó với biển cả, với con tàu và những trận chiến. Mỗi khi nhớ về nó, tôi thường ngắm những vật trong chiếc tủ này để tìm lại niềm vui, để điểm lại những nơi mình đã qua, những tọa độ nào mình đã từng tham gia chiến đấu...”. Và hiện ông Định đang lưu giữ 2 bức ảnh được ông xem là “báu vật”. Đó là bức ảnh ông và các đồng đội chụp năm 1958, khi còn học tập tại Trường Hải quân số 3 (Sơn Đông - Trung Quốc). Thế nhưng, theo lời ông, hầu hết số người trong ảnh đều đã mất, chỉ còn lại ông và vài ba người khác. Bức ảnh thứ 2, chụp cảnh 3 chiếc tàu của Phân đội 3 đang dàn hàng ngang để tấn công tàu khu trục Ma-đốc do máy bay trinh sát Mỹ chụp vào chiều 2/8/1964. Bức ảnh này được ban liên lạc của đơn vị gửi tặng. Ông Định xem hai bức ảnh là “báu vật” vì nó gắn với cuộc đời binh nghiệp, những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Kết thúc câu chuyện, ông Lê Huy Định chia sẻ: “Cuộc đời tôi có 2 may mắn lớn, là được tham gia chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ biển, đảo quê hương và có hậu phương vững chắc. Hậu phương đó chính là người vợ hiền - cô giáo Tạ Thị Bích. Suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bà ấy không quản bom đạn, vẫn bám trường, bám lớp và thực hiện nghĩa vụ của người vợ, người mẹ, một mình gánh vác việc gia đình và nuôi dạy 3 đứa con. Nhờ đó, tôi mới yên tâm, làm tròn nghĩa vụ Tổ quốc giao phó. Giờ đây, tôi thật sự cảm thấy vui, thanh thản với từng bước đi của quê hương, đất nước”.

Công Kiên