Nói phải để làm!

24/07/2014 19:00

(Baonghean) - Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội.

Nói đến việc chống tác hại của rượu bia thì nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, nếu đem vấn đề ra thảo luận một cách cụ thể thì nhiều người vẫn còn rất băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật này.

Chẳng hạn, dự thảo luật quy định một số điểm sau đây:

- Cấm bán bia rượu từ 22h đến 6h sáng hàng ngày.

- Người bán rượu bia chỉ được phép bán cho người sử dụng tại chỗ (tính theo đơn vị rượu/h) cụ thể là 1 lon bia, hoặc 1 ly 100 ml rượu vang 13,5%, 1 tách 30 ml rượu mạnh 40% - 43% với khách hàng là nam. Với nữ là một nửa số lượng trên.

- Không bán rượu bia cho phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi...

Rõ ràng, chỉ cần đọc qua những điểm cấm đoán nói trên, rất nhiều người cho rằng, các biện pháp hạn chế lạm dụng bia rượu ghi trong dự thảo của luật này rất ít khả thi?

Thật vậy, muốn cấm nhà hàng, quán xá bán rượu bia từ 22h đến 6 h sáng hàng ngày, cơ quan chức năng cũng phải thành lập một hệ thống nhân sự đủ mạnh để có thể tuần tra, theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn, xử phạt các hành vi phạm luật cũng từ 22h đến 6h sáng, nghĩa là đội tuần tra xử phạt này cũng phải hoạt động thâu đêm. Cả nước ta, có bao nhiêu đô thị, làng quê, phố xá, có biết mấy vạn, mấy triệu nhà hàng, quán xá bán rượu, bia ban đêm, làm sao kiểm soát cho hết được? Cứ cho là cơ quan chức năng có đủ nhân lực để kiểm soát các nhà hàng, thì thực tế theo luật định vẫn cứ là không thể quán xuyến! Vì sao? Luật quy định là cấm bán rượu bia từ 22h, vậy 2h59 phút người ta mua rượu bia rồi sau đó mới đem ra uống thì sao? Có phạt được họ không?

Luật quy định một giờ chỉ được bán 1 lon bia cho 1 khách. Vậy trong giờ đó, khách mua bia ở 10 quán được cả thảy 10 lon, rồi đem ra uống tại 1 quán nào đó thì sao? Có phạt được không? Nếu quy định khách chỉ được mua 1 lon bia trong 1 giờ thì người ta nhờ người thân, bạn bè mua hộ thêm 10 lon nữa thì sao? Phạt được không? Luật quy định không bán bia rượu cho phụ nữ có thai, làm sao người bán hàng biết được người phụ nữ đến mua hàng đó là đang có thai? Ai có quyền khám thai người phụ nữ đó? Thông thường, người phụ nữ có thai dưới 3 tháng nhìn bề ngoài không dễ phát hiện được! Đôi khi, lại có những người phụ nữ bụng rất to nhưng không phải là người có thai thì sao? Có bán rượu cho họ không? Nếu không bán thì có thể phát sinh những vụ cãi vã to tiếng, rất mất trật tự! Thực hiện được các điều khoản ghi trong luật này quả là rất rắc rối! Do bản dự thảo luật phòng chống lạm dụng rượu bia hiện còn một số điểm đang phi logich, thiếu tính khoa học, chưa sát đúng với thực tế, rất khó thực hiện, nên nhiều người cho rằng Bộ Y tế cần nghiên cứu thêm về tính khả thi của Luật trước khi trình xin ý kiến Quốc hội.

Ai cũng biết, rượu bia nếu bị lạm dụng sẽ gây tác hại không nhỏ cho cuộc sống, kể cả cá nhân, gia đình và xã hội. Trên thế giới, cũng rất nhiều nước có luật cấm hoặc luật phòng chống tác hại của các loại đồ uống có cồn. Ở nước ta, tác hại của rượu bia trong đời sống xã hội là rất rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông và trật tự công cộng. Việc đề xuất phải có một bộ luật về phòng chống tác hại rượu bia là rất cần thiết. Đã đến lúc, cuộc sống đòi hỏi phải có luật để xử phạt nghiêm khắc và chấn chỉnh lại thuần phong mỹ tục trên lĩnh vực này. Nhân dân rất hoan nghênh và ủng hộ sự ra đời của luật, đồng thời, nhân dân cũng mong muốn mọi bộ luật ra đời đều phải có tính khả thi - “nói là để làm”, không phải “nói để mà nói”?!

Thạch Quỳ