Asian Para Games 2014: Khởi đầu ấn tượng
(Baonghean) - Chỉ mới sau ngày khởi tranh, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu tại Asian Para Games II. Tính đến hết ngày thi đấu hôm qua (20/10), các vận động viên Việt Nam đã mang về 5 tấm HCV và nhiều Huy chương Bạc, Đồng khác. Trước lễ xuất quân lên đường đến Incheon (Hàn Quốc) chỉ tiêu đặt ra với con số khiêm tốn là 4 HCV. Nhưng với phong độ tốt như hiện nay, chắc chắn những người khuyết tật Việt Nam sẽ làm nên “kỳ tích”…
![]() |
Lực sỹ cử tạ Lê Văn Công (giữa) - kỷ lục gia thế giới hạng 49 kg. |
Tham dự giải đấu năm nay, đoàn vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam tranh tài ở 6 nội dung gồm: điền kinh, bơi lội, cử tạ, cầu lông, bóng bàn và bowling để tranh chấp huy chương cùng với 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trong châu lục. Xét theo phong độ và thành tích hiện tại, các vận động viên khuyết tật Việt Nam có khả năng giành được từ 5-6 huy chương này. Nhưng trước giờ lên đường, đoàn thể thao người khuyết tật đặt ra chỉ tiêu rất khiêm tốn (3-4 HCV). Sở dĩ chỉ dám đặt mục tiêu như vậy một phần sẽ không làm các vận động viên có khả năng tranh chấp huy chương chịu sức ép tâm lý, một phần là vì tại Asian Para Games lần trước diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc), thể thao người khuyết tật Việt Nam chỉ giành được 3 HCV ở 2 môn bơi lội và cầu lông, đứng thứ 11/47 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây là mốc rất đáng tự hào, nhưng cũng là sức ép lớn nếu chúng ta đặt mục tiêu quá cao.
Tuy nhiên, chỉ mới qua 2 ngày thi đấu, đoàn VĐV người khuyết tật Việt Nam đã vượt qua chính mình để đem về cho thể thao nước nhà 4 tấm HCV quý giá. HCV đầu tiên thuộc về lực sỹ Lê Văn Công, anh thi đấu ở hạng cân 49 kg cử tạ nam. Nói đến Lê Văn Công, người hâm mộ thể thao nước nhà thấy ở anh một nghị lực phi thường. Để vượt qua số phận, từ một cậu bé nghèo đôi chân bị liệt bẩm sinh, lớn lên, anh vào TP. Hồ Chí Minh học nghề vừa để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Cũng khoảng thời gian này anh bắt đầu bước vào sự nghiệp thể thao. Và chỉ sau 2 năm tập luyện, Lê Văn Công đã liên tiếp giành những tấm HCV ở các giải thể thao người khuyết tật trong nước cũng như khu vực.
Nhưng Lê Văn Công từng bị chấn thương nặng ở vai và phải nghỉ thi đấu 2 năm. Những tưởng anh không thể "đứng lên" sau chấn thương, nhưng với nghị lực phi thường của mình, anh đã trở lại vào năm 2013 và ngay lập tức giành được HCV châu Á hạng cân 49 kg. Sau đó, tại Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2014, Công đã thi đấu rất thuyết phục giành HCV với thành tích 176 kg, qua đó phá sâu kỷ lục châu Á. Đến với Asian Para Games lần này, anh tự tin mình sẽ là nhà vô địch khi đăng ký mức tạ lên đến 178 kg. Ngay trong lần cử đầu tiên, anh đã xuất sắc vượt qua và chắc chắn giành được HCV. Như thế, đích đến cuối cùng của anh là kỷ lục thế giới 181 kg của 1 vận động viên người Nigeria. Một quyết định đưa ra hết sức bất ngờ đối với ban tổ chức cũng như những cổ động viên có mặt trong nhà thi đấu, đó là Lê Văn Công và BHL quyết định nâng mức tạ lên 181,5 kg và anh làm vỡ òa cảm xúc của tất cả mọi người khi thiết lập kỷ lục thế giới mới ở hạng cân 49 kg.
Nối tiếp chiến công của Lê Văn Công, hôm qua (20/10) lực sỹ Nguyễn Bình An cũng đã đem về tấm HCV cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam ở hạng 54 kg môn cử tạ nam, đồng thời anh cũng phá luôn kỷ lục châu Á ở hạng cân này với thành tích 179 kg sau chỉ 2 lần cử. Trước đó là tấm HCV ở nội dung 100m ếch nam hạng thương tật SB4 của VĐV Nguyễn Thành Trung và VĐV Võ Thanh Tùng ở môn bơi lội cũng đã được đôn từ HCB lên thành HCV ở nội dung 200m tự do hạng thương tật SB4, do VĐV Trung Quốc giành HCV bị kết luận là sai hạng thương tật và cuối ngày thi đấu hôm qua, Thanh Tùng lại xuất sắc cán đích đầu tiên nội dung 50m ngửa nam mang về tấm HCV thứ 5 cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Đối với những vận động viên bình thường, việc giành thành tích trong thể thao đã khó, nhưng đối với những vận động viên khuyết tật Việt Nam, con đường đến với thể thao của họ còn khó khăn gấp bội. Họ phải vượt lên chính bản thân mình trong điều kiện hết sức khó khăn. Tuy nhiên, tại những đấu trường lớn mà thể thao Việt Nam tham dự, thành tích của các VĐV khuyết tật luôn rất đáng tự hào. Hình ảnh mà các vận động viên ngồi trên xe lăn hay bị khiếm khuyết về bộ phận nào đó của cơ thể trên bục nhận huy chương với lá cờ và Quốc ca Việt Nam luôn để lại những ấn tượng sâu sắc. Và Với thành tích đã đạt được trong 2 ngày đầu tiên tranh tài, chắc chắn các VĐV khuyết tật Việt Nam còn tạo ra nhiều bất ngờ bởi rất nhiều nội dung chúng ta có thể giành huy chương.
Cảnh Nam