Bài cuối: Cần minh bạch trong đầu tư, quản lý chợ

11/09/2014 11:13

(Baonghean) - Những năm qua, công tác chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới. Từ xã, phường quản lý sang các HTX quản lý chợ đã khai thác được năng lực, vốn của người dân đầu tư vào kinh doanh, các chợ kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng khiếu kiện đông người ở các chợ trở nên nhức nhối gây quan ngại trong quản lý hệ thống chợ trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN

Quầy ốt thương mại ở Thị trấn Đô Lương.
Quầy ốt thương mại ở Thị trấn Đô Lương.

Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình chợ

TP. Vinh là đô thị loại 1, có lợi thế về kinh doanh thương mại và đang phấn đấu trở thành trung tâm thương mại vùng. TP. Vinh hiện có 25 chợ, trong đó có 3 HTX chợ, 4 chợ do doanh nghiệp đầu tư, khai thác và quản lý, 4 HTX được giao đầu tư quản lý và kinh doanh khai thác chợ. Tổng số quầy ốt, điểm kinh doanh tại các chợ ở TP Vinh là 9.600 quầy, giải quyết việc làm cho hơn 8.000 hộ và 299 người ở các ban quản lý chợ. Nếu như tổng thu phí năm 2012 từ tất cả các chợ thu được là 19,9 tỷ đồng thì năm 2013 đạt 22,6 tỷ đồng, tăng 13,9%. Tổng thu thuế năm 2012 đạt 9,8 tỷ đồng thì năm 2013 thu thuế đạt 10,5 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa và nâng cấp các chợ trong 2 năm (2012 - 2013) là 15.618 triệu đồng.

Nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh chợ, TP Vinh đã chuyển đổi, thành lập các HTX kinh doanh khai thác chợ Bến Thủy, Cửa Bắc và Kênh Bắc. Trước khi chuyển đổi mô hình quản lý từ phường, xã sang quản lý HTX, tổng mức thu phí năm 2008 là 972 triệu đồng, sau khi chuyển đổi, thực hiện năm 2013 là 3,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 35%/năm, nộp ngân sách nhà nước năm 2008 là 304 triệu đồng thì năm 2013 nộp được 510 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng 17%/năm, giải quyết việc làm cho người lao động trước khi thực hiện chuyển đổi là 792 người, sau khi chuyển đổi là 1.085 người.

Bản chất của các HTX chợ khi thành lập là huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng tăng và tốt hơn của các hộ tiểu thương, đảm bảo văn minh thương mại theo Nghị quyết Đại hội xã viên của các HTX. Hai HTX chợ Bến Thủy và chợ Kênh Bắc năm 2012 đã làm xong thủ tục thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời gian thuê đất là 39 năm. Hai HTX cũng đã tiến hành xây dựng các phương án đầu tư xây dựng mới theo Nghị quyết Đại hội xã viên.

Từ năm 2006 - 2011, TP. Vinh đã chuyển giao chủ đầu tư xây dựng, quản lý khai thác chợ cho một số HTX có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn và đang chuyển sang sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề. Các HTX sau khi được chuyển giao, đã thực hiện bổ sung đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ chợ như HTX Phong Toàn đầu tư xây dựng chợ Mới, HTX Hưng Lộc đầu tư xây dựng chợ Cọi, HTX Thắng Lợi đầu tư xây dựng chợ Quyết, HTX dịch vụ điện năng Nghi Liên đầu tư xây dựng chợ Chùa. Các HTX sau khi được chuyển giao đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho xã viên và người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, một số chợ sau khi chuyển đổi số hộ vào kinh doanh chưa nhiều, chưa đạt như chợ Cọi, chợ Phong Toàn…

Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh: “Sau chuyển đổi mô hình quản lý từ phường, xã sang các HTX chợ, có nhiều ưu điểm. Đó là các HTX đã tổ chức Đại hội thành lập theo đúng quy định và trình tự của pháp luật. Sau đại hội, các HTX đã tổ chức phê duyệt Điều lệ HTX, làm giấy phép kinh doanh, mã số thuế… để đi vào hoạt động. Đồng thời triển khai từng bước làm thủ tục thuê đất theo quy định. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sau 5 năm có mức tăng trưởng khá, thực hiện nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước theo quy định và ủng hộ các hoạt động xã hội tại địa phương, tổ chức sắp xếp, bố trí bộ máy hoạt động của các HTX theo đúng phương án sản xuất, kinh doanh đã đề ra. Các HTX sau khi chuyển đổi đã có quan tâm hơn công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng, đầu tư trang thiết bị PCCC, cải tạo nhà làm việc, sửa chữa hệ thống điện, thoát nước, nền chợ…Hàng năm, các HTX đã tổ chức đại hội thường niên, trích lập các quỹ, công khai tài chính...”.

Những bất cập trong chuyển đổi mô hình

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, do chưa được quản lý chặt chẽ, chưa đồng bộ, thống nhất về mô hình, nên có những hạn chế, tồn tại, dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người ở các chợ trên địa bàn thành phố. Trong đó một số vụ điển hình là việc khiếu kiện đông người ở các chợ: chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Bến Thủy, chợ Nhà Đỉn (TP. Vinh), chợ Sò (Diễn Châu)… khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra nhiều lần, cách chức nhiều cán bộ, nhân viên ở các chợ như chợ Vinh, chợ Ga Vinh, tiếp tục tới đây là chợ Bến Thủy. Nguyên nhân trước hết có thể khẳng định do công tác quản lý chợ còn bất cập, yếu kém, thiếu minh bạch, dẫn đến những sai phạm. BQL các chợ khuất tất trong thu chi, thu quá phí, cũng như làm sai một số quy định của Nhà nước về quản lý chợ.

Ví như chợ Bến Thủy, từ khi đi vào hoạt động, BQT HTX đã cố tình thu sai các loại phí. Ban Quản lý HTX chợ đã thu phí đất của các hộ kinh doanh chợ Bến Thủy áp dụng chợ loại 1 và đã thu gấp đôi, gấp ba, có nhiều vị trí thu cao gấp nhiều lần so với quy định. Sự việc này kéo dài đã nhiều năm, gây thiệt hại cho các hộ kinh doanh hàng tỷ đồng. Về phí chuyển nhượng ốt, Ban Quản trị HTX chợ yêu cầu phải nộp phí chuyển nhượng là 10%, nếu ai “quan hệ” tốt thì được giảm còn 5 - 8%. Có ki-ốt phải nộp phí chuyển nhượng 15 triệu đồng. Nhiều hộ tiểu thương đã đưa ra các chứng cứ là các phiếu thu của HTX về tiền chuyển nhượng ốt, hóa đơn tiền điện, hộ ít thì 5 triệu đồng, hộ nhiều 10 triệu đồng. Trong nhiều năm, chợ này đã thu phí sai của bà con tiểu thương trên 2 tỷ đồng.

Còn tại chợ Ga Vinh, thực trạng “thu tiền tỷ nhưng nộp ngân sách tiền triệu”, thu phí hàng rong không đưa vào sổ sách, cho công đoàn BQL chợ thu phí hàng kính, bút, xổ số để lập quỹ hoạt động của công đoàn với số tiền hơn 64 triệu đồng mà không phản ánh vào nguồn thu phí của đơn vị. BQL chợ lập bộ thu phí đối với 25 ki-ốt kinh doanh tại đình phụ số 1 và số 2 ở phía Nam chợ không đúng đơn giá quy định. Đơn vị này đã để bộ phận thu phí tự ý nâng mức giá phí hàng rong cao hơn so với quy định nhưng không nộp vào quỹ của cơ quan với số tiền hơn 41 triệu đồng…

Cách làm chưa nhuần nhuyễn, chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến những phức tạp tại các chợ thời gian vừa qua. Ví như đối với chủ trương khai thác thêm tầng 3 chợ Vinh, do cách làm nóng vội nên bà con tiểu thương không nhất trí. Về nguyên tắc tài sản phải khai thác công năng, thì trước hết phải làm công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về việc khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh những phức tạp nêu trên, tình trạng buôn bán khó khăn, trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên như nấm… càng làm cho các chợ buôn bán không thuận lợi như trước, trong khi phí, lệ phí, thuế tăng, giá quầy ốt đầu tư quá cao khiến cho tiểu thương kinh doanh ở chợ như vào “canh bạc”. Mâu thuẫn vì thế càng đẩy cao khi họ phát hiện ra những sai trái, khuất tất ở các chợ. Các cơ quan chức năng, các cấp khi quy hoạch chợ, trung tâm thương mại cũng không công khai cho dân biết. Khi có chủ trương đầu tư, chuyển đổi, tiểu thương là người có quyền lợi sát sườn nhưng ít khi được bàn bạc, phát biểu, lấy ý kiến.

Từ thực trạng đó, có thể khẳng định, hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh ta còn những hạn chế, đòi hỏi chính quyền các cấp, ngành chức năng và BQL các chợ cần có giải pháp đồng bộ, thống nhất nhằm khắc phục tồn tại yếu kém, nâng hiệu quả kinh doanh và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Cần giải pháp đồng bộ

Hiện nay, mạng lưới chợ tập trung nhiều tại thành phố, thị xã, nơi có nhu cầu tiêu dùng cao, còn ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các huyện nằm trong khu vực biên giới chợ ít được đầu tư. Nguyên nhân là do miền núi dân cư ít, đồi núi hiểm trở nên ít doanh nghiệp, ít nhà đầu tư đầu tư vào phát triển chợ. Bên cạnh đó, các chợ, trung tâm thương mại ở miền núi chưa phát huy hiệu quả là điều đáng bàn. Có nhiều chợ được đầu tư xây dựng, nhưng bà con lại không vào buôn bán, kinh doanh. Điều này đã bộc lộ hạn chế từ khâu quy hoạch đến công tác quản lý chợ. Nhiều chợ miền núi được đầu tư xây dựng kiến trúc không khác gì chợ miền xuôi, không gian, kiến trúc không phù hợp đặc điểm, văn hóa của địa phương, không tạo ra nét văn hóa vùng, nên bà con không mặn mà với chợ mới. Ví dụ chợ Cô Ba (cũ) của Quỳ Châu bị bỏ hoang, trung tâm thương mại Mường Xén không có gì đặc sắc... Do vậy, khi quy hoạch chợ, các nhà chuyên môn cần quan tâm yếu tố văn hóa vùng, miền. Chợ thành phố cần khác chợ nông thôn, chợ miền núi..., nhằm tạo được nét văn hóa bản địa khi xây dựng chợ, phù hợp tập quán, văn hóa của người dân.

Một lý do nữa là khi đầu tư xây dựng mới các chợ miền núi, nhà đầu tư và cấp chính quyền cho đấu thầu hoặc rao bán giá quầy ốt quá cao, không phù hợp với thu nhập và túi tiền của người buôn bán nhỏ ở miền núi. Trong khi tâm lý bà con miền núi mong đến chợ để giao lưu văn hóa, giao lưu tình cảm, trao đổi sản vật thì chính quyền địa phương lại nặng nề chuyện lời lãi trong đầu tư, trong thu phí, thu thuế, tiền quầy ốt, khiến cho người kinh doanh vừa không có lãi vừa không muốn vào chợ, không gian chợ lại bó hẹp. Du khách đến với miền núi, ngoài làm việc, tham quan thì còn muốn đến chợ để mua sản vật địa phương, vừa để tìm hiểu văn hóa nhưng các chợ chưa đáp ứng được tiêu chí này. Bên cạnh đó, hiện nay cơ sở vật chất các chợ miền núi đang xuống cấp, cần phải đầu tư. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đầu tư cho chợ miền núi một cách hợp lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho hệ thống chợ hiện có. Theo ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thì, trước khi đầu tư xây mới hoặc nâng cấp chợ hiện có, các cấp chính quyền cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân, để người dân tham gia góp ý kiến, đưa ra nhiều phương án để bà con lựa chọn cả về địa điểm lẫn mức đầu tư, nguồn vốn, quy mô chợ, chú trọng phát triển chợ biên giới gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc...

Ở thành phố, bên cạnh hệ thống chợ truyền thống, cần thu hút được những nhà đầu tư tầm cỡ, có uy tín để đầu tư được một vài siêu thị có quy mô, hàng hóa chất lượng, có những sản phẩm hàng hiệu, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân. Các địa phương cần triển khai có hiệu quả một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 121/2004/QĐ-UB ngày 9/11/2004, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo Quyết định số 56/2010/QĐ-UB ngày 4/8/2010. Trong quản lý, đầu tư chợ, trung tâm thương mại cần tôn trọng thực hiện quy chế dân chủ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Đối với các chợ có quy mô loại I cần được đặc biệt coi trọng trong việc mở rộng, đầu tư, nâng cấp vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa phù hợp với nguyện vọng của các tiểu thương, thậm chí nên lấy ý kiến của cả người tiêu dùng. Các chợ loại 1, Nhà nước cần tham gia đầu tư, không nên để toàn bộ chợ cho nhà đầu tư quyết định. Chợ, trung tâm thương mại là bức tranh phản chiếu nền kinh tế, xã hội, là nét văn hóa trong kinh tế, vừa phản ánh dòng chảy lịch sử văn hóa của địa phương. Bởi thế, công tác quy hoạch, quản lý chợ cần được đầu tư nghiên cứu kỹ, có sự tham vấn của ngành chuyên môn trên cơ sở yếu tố tự nhiên và ý kiến người dân, nhất là những hộ tham gia kinh doanh. Điều quan trọng là cần bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ trong công tác quy hoạch, quản lý, thu chi ở các chợ, nhằm tạo hiệu quả cao nhất trong kinh doanh buôn bán và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Bài, ảnh: Châu lan - Ngọc Anh