Bài cuối: Lời thề Đất nước

18/05/2014 15:55

(Baonghean) - Vào ngày 7/5/1988, tại lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) ở đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề rằng: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc; xin hứa với đồng bào cả nước; xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Trong chuyến hải trình ra Trường Sa lần này, chúng tôi may mắn được thăm cụm đảo Sinh Tồn với những cái tên đã trở thành bất diệt trong lịch sử dân tộc như: Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Sau khi có được những trải nghiệm hết sức ý nghĩa với cuộc sống của quân và dân trên xã đảo Sinh Tồn, con tàu HQ 561 dường như chạy chậm lại trên vùng biển khu vực đảo chìm Cô Lin.

Bộ TT - TT trao tặng bức tranh ghi lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh cho cán bộ chiến sỹ đảo Sơn Ca.Ảnh: N.K
Bộ TT - TT trao tặng bức tranh ghi lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh cho cán bộ chiến sỹ đảo Sơn Ca. Ảnh: N.K

TIN LIÊN QUAN

Giữa trưa, trời nắng chang chang, cao xanh vời vợi nhưng mặt biển lại không có một gợn sóng. Chúng tôi có cảm giác cả vùng trời biển bao la này trở nên tĩnh lặng bất thường, mỗi người đều thấy mình nhẹ nhõm, trào dâng cảm xúc tự hào khi được đặt chân đến vùng biển mà cách đây 26 năm, những chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam can trường đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo, bảo vệ biển trước sự xâm lược của quân thù. Đại tá Phạm Văn Quang cho biết: Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, đó là xương máu, là ý chí và khát vọng từ ngàn đời của Tổ tiên ta. Bằng công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng bao người, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông; xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền tuyệt đối, chủ quyền vững chắc của quốc gia dân tộc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kế thừa truyền thống cha ông, cùng với những thành tích, chiến công vẻ vang trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa từ tay Ngụy quyền Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc; vượt qua mọi thử thách, quản lý và khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc trên quần đảo.

Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của nước ngoài đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của ta, với ý chí và quyết tâm sắt đá “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các chiến sỹ thuộc lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ, chạy đua cùng thời gian, củng cố, tăng cường thế đứng trên khu vực quần đảo, chủ động bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống, thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp, để giữ vững hòa bình, ổn định trên biển. Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988, kẻ thù đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của ta. “Thật dã man và tàn bạo khi đó là cuộc chiến không cân sức giữa những cán bộ, chiến sỹ công binh đi xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, dao xây và súng bộ binh với những tàu chiến của kẻ thù có trang bị vũ khí hiện đại.

Trong cuộc chiến đầy cam go đó, đã ngời sáng bao gương dũng cảm của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 Hải quân... trước sự đe dọa và súng đạn của tàu chiến nước ngoài. Dẫu biết có thể sẽ hy sinh, song các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng” - Đại tá Quang lạc giọng, đưa tay lau nước mắt khi nhắc lại lịch sử vùng biển Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã có 64 người con đất Việt ngã xuống, hòa mình vào biển đảo quê hương. Các anh đã trở thành bất tử, vùng biển đảo của quê hương sẽ mãi nhắc đến hình ảnh mẫu mực của Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Tàu trưởng Tàu HQ-604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù các anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, bảo vệ và giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng. Anh hùng Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ-505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài giữ vững chủ quyền trên đảo... Từ ngày xảy ra trận hải chiến đến nay, đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Nhưng vùng biển này lại trở thành một nghĩa trang đặc biệt. Các chiến sỹ và ngư dân vẫn gọi đây là nghĩa trang đỏ, nơi máu của các chiến sỹ Hải quân anh hùng đã đổ vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Dù không có một tấm bia, không một ngôi mộ nhưng đây là nơi mà tất cả các đoàn công tác từ đất liền, các tàu Hải quân, tàu Kiểm ngư, tàu cá của ngư dân mỗi khi đi qua vùng biển này đều hú 3 hồi còi, làm lễ thả hương, hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. “Mặc dù nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình, song lòng biển thì sâu, rộng, mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu....”, giọng của vị đại tá trầm lại, nhiều đại biểu của đoàn công tác đã không cầm được nước mắt.

Thắp nén tâm nhang, thả những bông hoa cúc vàng xuống biển tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, chúng tôi lại nhớ đến tấm bia đá được dựng trang trọng trên đảo ngay trước sân chùa trên xã đảo Sinh Tồn. Trong danh sách 64 liệt sỹ hy sinh trong trận Gạc Ma được khắc lên tấm bia ấy, có 8 người con của quê hương Nghệ An anh hùng…

Bác sỹ Thái Đàm Lương, quê ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện đang làm nhiệm vụ trên Tàu quân y HQ 561, được giao làm tiêu binh trong lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận Gạc Ma trong đoàn công tác của chúng tôi. Anh tâm sự rằng, dù đã rất nhiều lần đi qua vùng biển này và dừng lại làm lễ tưởng niệm, thả hương, thả hoa xuống biển để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, nhưng lần nào cũng xúc động. Đặc biệt, khi vòng hoa tưởng niệm và những bông hoa cúc được thả xuống biển xanh cũng là lúc con tàu hú lên 3 hồi còi dõng dạc. Xung quanh đó, những tàu cá của ngư dân, tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển ở gần đó cũng hú còi trong giờ phút linh thiêng và hình ảnh vòng hoa tưởng niệm trôi theo con nước về hướng đảo Gạc Ma sau mỗi lần được thả xuống biển thực sự như một lời nhắc nhở rằng, Biển Đông chưa một phút bình yên.

Không riêng gì Gạc Ma mà nhiều hòn đảo trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết gìn giữ lấy”. Vào ngày 7/5/1988, tại Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) ở đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề rằng: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Hiện nay, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bức ảnh Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề dưới cột mốc chủ quyền ở Trường Sa được treo trang trọng, là lời nhắc nhở các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo về nhiệm vụ của mình. Ngày nay, mỗi người dân Việt Nam đều cần phải ý thức được rằng, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, cao cả và bất khả xâm phạm, tất cả đều có nhiệm vụ thực hiện lời dặn của Bác Hồ kính yêu và lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh - lời thề mang hồn phách của nước Việt.

Nguyên Khoa