Một canh bạc
(Baonghean) - Mình vừa về Việt Nam được một thời gian, thú thực là có nhiều cái mình chưa quen ngay được. Ví dụ như giờ giấc, đồ ăn, giao thông, giải trí, rồi thì quan điểm về cách sống và ứng xử nữa chứ. Gắn bó với một cái gì lâu quá, lúc rời xa bao giờ cũng vương vấn, nhớ nhung. Nhiều bạn bè mình (cả ở Việt Nam và Pháp) đều ngạc nhiên khi biết mình quyết định về hẳn, được dịp "dạy dỗ": Tớ đã bảo rồi, đang ở bên đó tự nhiên đòi về, giờ thì nhớ Pháp chưa? Hối hận chưa? Mình có nhớ Pháp không à? Có, rất nhớ. Mình có hối hận không? Không bao giờ!
Thật ra con người ta rất mâu thuẫn. Muốn thụ hưởng điều kiện sống cao ở nước ngoài nhưng cũng muốn được đủ đầy về mặt tình cảm, truyền thống. Hoặc ngược lại, sống ở Việt Nam nhưng theo tiêu chuẩn phương Tây. Ở nước ngoài, họ tìm đến những quán ăn Việt, người Việt quây quần tìm đến nhau để cùng giữ gìn những nét sinh hoạt văn hoá, giải trí truyền thống, rồi còn nhờ cậy người gửi đồ từ Việt Nam sang... Lại cũng những người ấy khi về Việt Nam, lại lên tiếng phàn nàn rằng giao thông nguy hiểm quá, môi trường ô nhiễm quá, vệ sinh an toàn thực phẩm kém quá, ý thức người Việt thấp quá, giải trí ở Việt Nam nghèo nàn quá, v.v và v.v. Chính mình cũng công nhận một cách khách quan rằng Việt Nam thua kém nước ngoài về nhiều mặt, điều đó là hoàn toàn bình thường khi so sánh một đất nước thuộc thế giới thứ 3 với các cường quốc tốp đầu. Nhận xét, đánh giá là một chuyện, chấp nhận, hài lòng với lựa chọn của mình lại là một chuyện khác.
Bạn thân mình, một người mê những trò đỏ đen đã từng nói với mình một câu mà mình cho là hết sức chí lí: "Cuộc sống là một canh bạc, ăn về nhiều hơn thì thắng, cược vào nhiều hơn thì thua. Thế nào là ít, thế nào là nhiều, chỉ có người chơi mới biết". Cuộc sống là một trò chơi tráo đổi, những gì ta đạt được không tự nhiên sinh ra hay mất đi nên ta thường xuyên phải đứng trước sự lựa chọn đánh đổi cái gì để nhận được điều mà ta mong muốn. Quá trình này diễn ra một cách hết sức tự nhiên ngay khi ta còn bé, đơn giản như việc ta thoả hiệp với bố mẹ sẽ ăn hết cơm, để được xem nốt một tập phim hoạt hình, hay đổi một viên bi lấy một con cào cào của đứa bạn học cùng mẫu giáo... Canh bạc lớn dần theo thời gian khi ta ước muốn những điều ngày càng lớn lao, đồng nghĩa với việc cái giá để đánh đổi cũng theo đó mà tăng lên. Thật buồn khi phải tính toán chi li, đong đếm cân đo như thế, nhưng biết làm sao được, chúng ta không thể có được tất cả những gì mình muốn. Sẽ là ảo tưởng và ích kỷ, những người không chịu học và chấp nhận đánh đổi thường sẽ không nhận được gì và chẳng bao giờ thấy thoả mãn với cuộc sống của mình.
Hồi còn đi học, những bài học lịch sử về những Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Phan Đình Giót liều mình lấp lỗ châu mai,... từng khiến mình băn khoăn tự hỏi một cách ngây ngô: Họ đã nghĩ đến ai, đến điều gì trong giây phút sinh tử mà quên đi bản thân ấy? Nếu được lựa chọn lại, họ có hối hận và làm khác đi không? Bây giờ thì mình tin rằng họ có thể đã sợ hãi khi đánh cược sinh mạng của bản thân để đổi lấy lịch sử của một đất nước, nhưng hối hận thì không bao giờ. Nếu được làm lại, nếu Tô Vĩnh Diện không lấy thân mình chèn pháo thì hẳn anh cũng sẽ lấy vai làm giá súng, trong khi Bế Văn Đàn liều mình lấp lỗ châu mai còn Phan Đình Giót lấy thân chèn pháo. Cũng như mình, nếu được lựa chọn lại, nhiều năm về trước mình vẫn sẽ rời xa quê hương, mở mang tầm mắt ở một chân trời mới để rồi nhiều năm về sau, cảm thấy như thế là quá đủ và quay trở về. Mình không dám nói rằng sự "hy sinh" của mình sánh ngang được với những huyền thoại ở trên, nhưng mình chắc chắn điều đối với họ là quan trọng, đối với mình cũng quan trọng: Tổ quốc, quê hương, gia đình...
Hy sinh, đánh đổi, có lẽ các thế hệ đi trước hiểu rõ những khái niệm này hơn chúng ta bây giờ rất nhiều. Bởi chúng ta đủ đầy quá, đủ đến mức dư thừa, thừa đến mức thiếu thốn, bởi ta chỉ biết nhận về chứ không biết cho đi, luôn đòi hỏi thêm mà không bao giờ thoả mãn. Đó là lối sống vô trách nhiệm của những kẻ hèn nhát, thiếu bản lĩnh và không có lý tưởng. Để rồi cuối cùng, sẽ tự đánh mất mình trong hố đen của lòng tham và sự ích kỷ đến tận cùng.
Hải Triều