Bài cuối: Những cách làm sáng tạo

07/07/2014 09:00

(Baonghean) - Trong thực tiễn xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương đã xuất hiện những cách làm, mô hình hay, sáng tạo và đạt được hiệu quả cao. Nguyên nhân là các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, biết lựa chọn hướng đi đúng và đề ra những giải pháp cụ thể, huy động sức dân cùng chung tay xây dựng Nông thôn mới. Những điểm sáng này cần được nhân rộng...

Khi dân thông thì đường thoáng

Không khó để điểm ra những xã thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới như Sơn Thành, Phúc Thành (Yên Thành), Tam Quang (Tương Dương), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Nghi Thái (Nghi Lộc), Thịnh Sơn (Đô Lương), Diễn Hồng (Diễn Châu), Hưng Tân (Hưng Nguyên), Nghi Liên (TP. Vinh)... Những địa phương này trước khi xây dựng nông thôn mới đã có nền tảng khá tốt. Tuy nhiên, phải ghi nhận Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở đó đã lựa chọn đúng đắn, phù hợp những việc cần làm trước để rồi cùng đồng lòng, chung sức tạo nên thành công.

Hệ thống thủy lợi được bê tông hóa tại xã Phúc Thành (Yên Thành).
Hệ thống thủy lợi được bê tông hóa tại xã Phúc Thành (Yên Thành).

TIN LIÊN QUAN

Không phải là xã điểm của huyện nhưng xã Tam Quang được đánh giá rất cao về việc thực hiện tiêu chí đường GTNT. Toàn xã có hơn 16 km đường trục xã, 19 km đường trục thôn và gần 12 km đường trục xóm với đặc thù đất rộng, người thưa, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Đến nay, toàn xã Tam Quang đã phát động và triển khai xây dựng được hơn 13 km đường giao thông. Để có được kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ về xi măng của Nhà nước thì một động lực rất lớn là sự đóng góp của người dân. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động, người dân trong toàn xã đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng và hiến hàng ngàn m2 đất, bờ rào. Chia sẻ về những kinh nghiệm của xã, ông Hồ Viết Sơn, chủ tịch UBND xã nói rằng, xã xác định hướng đi trong xây dựng Nông thôn mới là lấy đường giao thông làm khâu đột phá để thực hiện các tiêu chí khác. Bài học kinh nghiệm rút ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chọn điểm làm trước để các các bản khác học tập và đúc rút kinh nghiệm. Để tạo tâm lý tin tưởng, xã sẽ không đứng ra nhận tiền của người dân mà sẽ hình thành các tổ, nhóm để quản lý, lên kế hoạch và người dân được bàn bạc, giám sát trong suốt quá trình thực hiện. Vì thế mà người dân hào hứng, phấn khởi tham gia.

Cách đây 10 năm, Hưng Tân là xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên đã huy động sức dân xây dựng hoàn thành 100% đường giao thông nông thôn bằng bê tông hóa. Đến nay, hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “sức dân” ở Hưng Tân lại một lần nữa được dấy lên mạnh mẽ. Ngay sau lễ phát động, với sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hưng Tân xem việc xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Muốn xây dựng thành công xã nông thôn mới điều quan trọng nhất phải đi từ lòng dân, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân. Về Hưng Tân hôm nay, đến với khu vực trung tâm sẽ được đi trên trục đường liên xã rộng 12m, phong quang, sạch đẹp. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bằng cơ chế được Nhà nước hỗ trợ 100% xi măng, nhân dân đóng góp tiền mua các loại vật liệu còn lại và ngày công lao động. Là một xã thuần nông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng riêng trong năm 2012 mỗi nhân khẩu ở Hưng Tân đã tự nguyện đóng góp gần 2 triệu đồng để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh chưa kể hàng ngàn ngày công lao động.

Tăng sức cho dân

Không lựa chọn hướng đi như Tam Quang, xã Thạch Giám (Tương Dương) lại quyết định lấy tiêu chí thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm để từ đó đề ra các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Với địa hình thuận lợi là nằm bao quanh thị trấn Hòa Bình, xã tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên cơ sở dựa vào điều kiện đất đai, giao thông, trình độ sản xuất của người dân, xã đã không đầu tư tràn lan mà theo từng cụm, bản. Xác định kinh tế hộ là chủ đạo và từ đó tạo tiền đề phát triển kinh tế chung cho cả xã nên đầu tư cho từng hộ để người dân vươn lên thoát nghèo. Như bản Cây Me thì có phong trào nuôi lợn thịt, bản Thạch Dương thì nuôi dê, bản Nùng trồng rau, bản Chắn trồng chuối tiêu hồng, bản Nhẵn, Lau, Mát nuôi bò và trồng cỏ...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên gần 3 năm qua, tỷ lệ dân phát rừng làm nương rẫy đã giảm từ 80% xuống còn 30%. Người dân phát triển trồng lạc, đậu, chăn nuôi dê, bò, gà... Nhờ những chính sách hợp lý mà thu nhập của người dân trên địa bàn xã trong 3 năm qua đã tăng đáng kể. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4 triệu đồng/năm thì đến năm 2013, con số này là 13,7 triệu đồng. Ông Kha Tân Nguyệt, bản Thạch Dương (Thạch Giám) là 1 trong 7 hộ được tham gia mô hình nuôi dê nhốt. Ban đầu ông được nhận 3 con dê thì đến nay tổng đàn đã lên 8 con, có con đã có thể bán cho thương lái. Ông Nguyệt tâm sự: Trước đến nay, gia đình tôi đã nuôi dê nhưng do thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, dê thả rông trên nương nên phát triển chậm và bị chết. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước nên gia đình có thêm nghề nuôi dê và thu nhập mà dê mang lại hiện đang rất cao.

Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân để đạt tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 12 là cơ cấu lao động, trong 3 năm qua, xã Phúc Thành đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất để nhân dân tham gia học tập. Ngoài ra, xã đã đẩy mạnh phát triển hình thức sản xuất bằng việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho 2 làng nghề tăm hương và 1 HTX được hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập. Lấy đặc thù là xã thuần nông, chủ yếu dựa vào cây lúa nên xã đã xây dựng mô hình sản xuất lúa lai F1 và nhiều mô hình trình diễn khác. Ngoài ra, xã còn xây dựng mô hình sản xuất dược liệu trên diện tích 1 ha, và mô hình lúa thâm canh cải tiến (SRI) diện tích 50 ha. Nhưng để có những kết quả trên thì trước đó xã đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi ruộng đất với tiêu chí mỗi xóm một vùng, mỗi hộ một thửa. Trong quá trình thực hiện, xã gắn việc quy hoạch ruộng đồng với quy hoạch xây dựng NTM.

Đây vừa là căn cứ, tiền đề vừa là biện pháp để xã huy động sự đóng góp của người dân và nguồn lực tài chính bên ngoài. Muốn nhân dân đồng tình cao thì phải đảm bảo được lợi ích, thuận lợi trong sản xuất. Vì thế, khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi, xã sẽ quy hoạch xứ đồng nào thì sát với khu dân cư của xóm đó. Khuyến khích cha con, anh chị em ruột hoặc nhóm hộ gia đình quy tụ về một vùng tập trung. Trong quá trình giao đất thực địa, xã dựa vào hình thức xáo thăm đối với hộ có 1 thửa và xâu thăm đối với hộ có 2 thửa trên nguyên tắc đúng thăm, đúng diện tích. Đây là những tiền đề để xã quy hoạch được những vùng có diện tích lớn, trong đó những hộ có cùng tập quán canh tác, cùng nguồn giống để xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập cao. Ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Muốn huy động được sức dân thì trước hết phải nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì thế, xã đã tích cực sử dụng nguồn vốn để thực hiện 2 tiêu chí này. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên. Năm 2011 thu nhập đạt 17,4 triệu đồng, sang năm 2012 tăng lên 20,9 triệu đồng và đến năm 2013 đã đạt 24,65 triệu đồng/ người/ năm.

Để nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích thì một trong những giải pháp quan trọng là “bắt tay” với doanh nghiệp triển khai các mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Tại huyện Tân Kỳ, 110 ha đất nông nghiệp đã được Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt phối hợp với người dân triển khai mô hình trồng ớt cay xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Trong đó, có 30 ha tại xã Tân Long và Tân Phú, công ty đầu tư cho nông dân về giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật. Sau khi có sản phẩm, công ty sẽ bao tiêu 100% với giá 5.000 đồng/kg. Còn tại 2 xã Nghĩa Bình và Nghĩa Dũng, công ty đã tiến hành thuê 80 ha đất và thực hiện tất cả các công đoạn.

Công ty còn thuê người dân thực hiện các công đoạn như nhổ cỏ, thu hoạch với giá 120 ngàn đồng/ ngày. Sau 7 tháng triển khai, mô hình đang cho hiệu quả tốt khi mỗi sào ớt có thể cho thu hoạch được 4 - 5 tạ quả. Dự kiến, với diện tích 110 ha, công ty sẽ thu hoạch được khoảng 800 tấn để xuất sang thị trường Hàn Quốc. Ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết: Không chỉ làm tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân mà việc liên kết với doanh nghiệp đã làm thay đổi thói quen sản xuất manh mún, lạc hậu mà thay vào đó là người dân được làm quen với các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ngoài những điểm sáng kể trên thì trong thực tiễn còn rất nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo để đạt được hiệu quả cao trong chương trình xây dựng Nông thôn mới. Không thể phủ nhận những điều kiện thuận lợi của các địa phương này trước khi bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới nhưng nếu không có sự tâm huyết, tư duy năng động, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo cùng với sự đồng lòng, chung sức của người dân thì khó đạt được những kết quả trên. Trong xây dựng Nông thôn mới, điều kiện tự nhiên, dân cư, tập quán của mỗi địa phương khác nhau nên việc học tập, làm theo những cách làm hay cũng cần phải được sáng tạo để phù hợp với đặc thù địa phương mình. Nhưng dù lựa chọn hướng đi, cách làm nào thì đảng bộ, chính quyền các địa phương cần phải tâm niệm rõ những mục tiêu cốt lõi và bền vững của chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đây là một chương trình lâu dài, có tính tổng thể, kế thừa và phát huy nên không thể nóng vội, hình thức và chạy theo thành tích. Tất cả, thành bại phụ thuộc phần lớn vào sức dân và địa phương nào biết cách tăng sức cho dân, rồi mới huy động thì con đường xây dựng Nông thôn mới sẽ bền vững.

Ngày 24/3, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình Xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Mục tiêu chính của chương trình xây dựng NTM nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn (chiếm 70% dân số cả nước); phải quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân cả tinh thần lẫn vật chất, phát huy vai trò làm chủ của người dân, để dân tự làm, tự giám sát; các địa phương khi quy hoạch phải tính đến sản xuất hàng hóa lớn, có sự kết nối từ xã với huyện và với tỉnh. Cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả như liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng hàng hóa làm ra không tiêu thụ được.

Phạm Bằng