Bài 2: "Nặng" hạ tầng, "nhẹ" sản xuất
(Baonghean) - Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung, tiến độ thực hiện xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh chưa đạt được như mong muốn. Những vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành; sự lúng túng trong lựa chọn cách làm của nhiều địa phương và cả những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được nhìn nhận thẳng thắn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
![]() |
Chợ xã Tam Thái (Tương Dương) xây dựng hơn 5 tỷ đồng nhưng rất ít người vào họp. |
Nhận diện hạn chế
Những kết quả trong 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM là đáng được ghi nhận nhưng so với mục tiêu đề ra thì còn thấp. Nguyên nhân trước tiên phải khẳng định rằng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa tích cực và còn hình thức. Trong thời kỳ đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, do hệ thống ban chỉ đạo chưa được kiện toàn nên vai trò của hệ thống cấp ủy đảng chưa thể hiện rõ nét. Các đồng chí bí thư, phó bí thư không nằm trong ban chỉ đạo nên việc huy động cả hệ thống chính trị còn mờ nhạt. Từ đó, dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, chưa đúng định hướng nên tiến độ thực hiện chậm. Sau hơn 1 năm, rút kinh nghiệm qua quá trình triển khai, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, ban chỉ đạo đã được kiện toàn.
Tuy nhiên, cho đến nay thì sự vào cuộc ở một số địa phương vẫn còn mờ nhạt. Đến nay, mới chỉ có 9 huyện thành lập được văn phòng nông thôn mới. Các huyện còn lại mới chỉ thành lập tổ chuyên trách theo dõi hoặc phân công cán bộ kiêm nhiệm. Do không bố trí đủ cán bộ nên ở những địa phương này, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả chưa cao; những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở chậm được giải quyết. Hầu hết, các xã đang “tự bơi” và cố gắng đạt được nhiều tiêu chí càng tốt. Ông Vương Đình Luyện, Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Tương Dương cho biết: Tại huyện Tương Dương, 2 năm đầu Phòng Nông nghiệp được giao nhiệm vụ theo dõi vấn đề nông thôn mới, nhưng năm 2013 trở lại đây, nhiệm vụ này được giao cho Ban Phát triển nông thôn miền núi. Đồng chi trưởng ban kiêm tổ trưởng tổ chuyên trách, và 1 cán bộ phụ trách tổng hợp, báo cáo.
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình rộng lớn trên tất cả các lĩnh vực và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi nguồn vốn của Nhà nước còn hạn chế, đời sống nhân dân còn khó khăn thì việc huy động nguồn vốn của các chương trình, dự án, nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt là rất quan trọng. Nhưng trong 3 năm qua, toàn tỉnh chỉ huy động được 761 tỷ đồng, chiếm 5% từ các doanh nghiệp, vốn ngân sách Nhà nước chỉ 1.576 tỷ đồng, chiếm 12,6%; vốn của nhân dân là hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 29%. Việc huy động nguồn vốn đạt kết quả không cao có nguyên nhân từ việc tỉnh chậm ban hành cơ chế huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới; cơ chế điều tiết từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định 800 thì xã sẽ được trích 70% tiền đấu giá quyền sử dụng đất nhưng đến nay, các xã chỉ mới được trích 30%. Ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành (Yên Thành) cho biết: Nguồn kinh phí được trích lại từ đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay đang rất thấp và chưa thực hiện được như quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với việc trích 30% trong giá trị quyền sử dụng đất chỉ đủ chi trả cho việc làm hồ sơ, thủ tục nên rất khó để huy động được nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, có không ít địa phương coi chương trình xây dựng nông thôn mới là cơ hội thu hút nguồn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, mà coi nhẹ vai trò chủ thể là người dân. Cũng có không ít người dân chưa nhận thức được họ là “chủ thể” của chương trình này. Họ cho rằng, đây là chương trình đầu tư của Nhà nước cho địa phương mình, là việc của cấp trên, chứ không phải việc của mình. Họ cũng chưa hiểu rõ rằng cùng với việc tham gia đóng góp sức lao động, tiền của, ý kiến vào các hoạt động xây dựng chương trình là việc tự đầu tư để góp phần nâng cao thu nhập trong các hoạt động kinh tế, giữ gìn nếp sống văn hóa, chỉnh trang ngõ xóm, giữ vững an ninh trật tự,… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
Điều này đã dẫn tới nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của chương trình này chưa thực sự đầy đủ. Hầu hết mới chỉ dừng lại ở làm giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng, còn tiêu chí về nâng thu nhập cho người dân, tạo hướng mở cho phát triển kinh tế thì chưa được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Lan, xóm 8, xã Nam Trung (Nam Đàn) cho biết, thấy cán bộ xóm đến vận động tháo dỡ bờ rào, hiến đất để làm đường giao thông thì chúng tôi nghe theo. Vì làm đường cho mình đi nên mình thiệt một tí cũng không sao. Còn về phát triển kinh tế thì cũng làm như mọi ngày, đều trông chờ vào mấy sào lạc, lúa mà thôi. Cũng suy nghĩ như vậy, ông Nguyễn Duy Quang, Xóm trưởng xóm 10, xã Nam Trung hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới là làm cho đường thông, ngõ thoáng. Hỏi ông về việc xã có chính sách hỗ trợ gì cho bà con phát triển kinh tế không, được ông cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ giá giống lúa, nilon, thủy lợi phí thì chưa có chi mới.
Chưa đúng hướng
Có thể nói, nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua là còn rất ít, gây khó khăn cho các địa phương. Thế nhưng, khi được phân bổ nguồn vốn thì huyện nào, xã nào cũng chủ yếu tập trung cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở, còn phát triển kinh tế thì người dân “tự bơi” là chính. Như tại xã Nam Trung (Nam Đàn), 1 trong 14 xã đăng ký về đích trong năm 2014 nhưng hiện tại, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ đạt 19,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn nằm ở mức khá cao so với xã đồng bằng (6,37%). Qua 3 năm qua, xã chỉ triển khai xây dựng được 1 mô hình trồng lạc phủ nilon với diện tích 23,6 ha.
Ngoài nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động và dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ thì đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn xã đang phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, với 580 ha đất lúa và 70 ha đất bãi. Mặc dù đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy nhưng xã chưa quy hoạch được các vùng chuyên canh để tạo ra sản phẩm hàng hóa cho thu nhập cao. Ông Lê Trọng Lương, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của người dân sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu cho nhân dân trong xã. Trước đây, xã đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhưng không thành công. Để về đích trong năm 2014, xã đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhưng về vốn thì chủ yếu là huy động từ nhân dân và con em xã quê thành đạt. Trong kế hoạch sắp tới, xã không đưa ra được giải pháp để tiếp tục nâng cao thu nhập, qua đó nâng cao đời sống cho người dân.
Đối với 14 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2014 hiện đã có 1 xã được công nhận NTM là Sơn Thành (Yên Thành); 7/14 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí và đang chờ thẩm định để được công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được kết quả trên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của nhân dân thì ở một số xã như Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Nam Trung (Nam Đàn) Phúc Thành (Yên Thành) đã áp dụng cách làm là đi vay vốn hoặc kêu gọi doanh nghiệp làm và hứa trả sau hoặc đổi đất lấy công trình. Nhưng thị trường bất động sản đóng băng, đất không bán được; nguồn lực trông chờ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh trong điều kiện kinh tế suy thoái cũng chưa thể cân đối để hỗ trợ. Do đó, các địa phương cần cân nhắc tránh hiện tượng “nợ công”, đẩy địa phương trở thành "con nợ" khi xây dựng nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân, cụ thể là nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng trong quá trình thực hiện thì nhiều địa phương chưa chú trọng vấn đề này. Hiện nay, tại nhiều địa phương đang chạy theo phong trào huy động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình hạ tầng mà thiếu quan tâm đến vấn đề làm cách nào để nâng cao đời sống cho người dân. Việc làm đường giao thông là quan trọng, bởi khi có đường thì nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân được tốt hơn nhưng không nên quá chú trọng vận động nhân dân đóng góp tiền để làm đường, xây dựng nhà văn hóa mà bỏ ngỏ những tiêu chí quan trọng khác, nhất là nâng cao đời sống của dân.
Phương châm huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới đang được hiểu chưa đúng ý nghĩa của nó, vì nếu muốn huy động được thì phải tăng sức cho dân rồi người dân sẽ đầu tư lại chứ không có nghĩa là làm yếu sức của dân. Thực tế, đã có những địa phương như xóm Nam Sơn, xã Hùng Tiến (Nam Đàn), người dân đóng góp đến 10 triệu đồng/hộ trong vòng 3 năm để làm đường giao thông nông thôn, và để có tiền thì có hộ phải đi vay ngân hàng. Mặc dù, các xã, xóm đều cho rằng, đây là sự tự nguyện thông qua bàn bạc, thống nhất ở các xóm, cụm dân cư nhưng điều đó đang làm kiệt sức dân chứ không phải là huy động sức dân. Và trong nhiều ngày đi thực tế ở nhiều địa phương chúng tôi nhận thấy không chỉ ở xóm Nam Sơn mà trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều xóm huy động nhân dân đóng góp số tiền lớn để làm đường.
Chính tư tưởng này cũng có trong việc phân bổ nguồn vốn ở các cấp. Trong tổng nguồn vốn gần 14 ngàn tỷ đồng huy động để xây dựng nông thôn mới trong 3 năm qua thì kinh phí dành cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất còn rất ít. Theo ông Nguyễn Quý Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mỗi năm nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng mô hình chỉ trên dưới 30 tỷ đồng. Trung bình, mỗi mô hình được hỗ trợ chỉ vài chục đến 1 trăm triệu đồng. Xong mô hình, xã không tập trung đảy mạnh việc nhân rộng, vận động nhân dân tham gia nên hầu hết mô hình đều “chết” khi hết vốn. Trong hơn 4.000 tỷ đồng nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới có đóng góp bằng ngày công, giải phóng mặt bằng, rồi hiến đất, hiến vườn, cây cối… Đó là những hình thức phổ biến và cư dân rất thoải mái. Ngoài hình thức đó, ở một số nơi cũng vận động cư dân đóng góp bằng tiền. Sự thực mà nói, tất cả công đoạn nêu trên đều có sự thảo luận, bàn bạc trong dân, song có nhiều việc người dân phải chấp nhận.
Không chỉ chưa quan tâm đến phát triển kinh tế, nhiều xã còn lúng túng để lựa chọn cho mình một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mình. Tam Thái là một xã miền núi cao, đời sống nhân dân còn thấp, nhận thức, hiểu biết của đồng bào còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu khó bỏ. Ở đây, việc buôn bán, trao đổi hàng hoá diễn ra một cách tự phát. Đấy là lý do khiến chợ Tam Thái bỗng trở nên lạc lõng và không phát huy được tác dụng như mong muốn. Chợ nằm sát QL7, dù đã được đưa vào hoạt động nhưng không thu hút được người dân vào buôn bán.
Chợ được xây dựng với số vốn 5 tỷ đồng bằng việc lồng ghép nguồn vốn của Chương trình 135, nhưng do thiết kế không phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, cộng với thói quen mua bán lâu nay của người dân nhỏ lẻ nên chợ xây xong mà không ai muốn vào; 18 ốt và 8 quầy nhưng từ khi cưới chợ đến nay mới chỉ có 3 hộ vào chợ. Để tránh lãng phí ngân sách Nhà nước, thời gian qua, UBND huyện Tương Dương đã phối hợp với xã Tam Thái đưa ra nhiều chủ trương để cứu vãn tình thế nhưng xem chừng chưa có hiệu quả. Đáng nhẽ, trong điều kiện thực tế ở địa phương thì nên đầu tư cho sản xuất, phát triển mô hình kinh tế rồi sau đó mới quay lại đầu tư xây dựng chợ. Đó là một trong những ví dụ điển hình của việc đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm, dẫn tới lãng phí ngân sách Nhà nước.
Trước tình hình trên, việc thay đổi tư duy, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho người dân cần được các cấp chính quyền địa phương nhìn thẳng và có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời. Bởi nhiệm vụ trong thời gian tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có một hướng đi, cách làm đúng đắn, phù hợp với tình hình của từng địa phương.
(Còn nữa)
Phạm Bằng