Đường Xô viết Nghệ Tĩnh - Một nét tươi trẻ
(Baonghean) - Đi từ Sân bay Vinh vào trung tâm thành phố, vừa chớm đường Xô viết Nghệ Tĩnh, hẳn bạn sẽ nghĩ đây đích thực là một “cánh cửa” của một phía Đô thị Vinh loại 1; đường cũng tựa như như một “lăng kính” gợi cảm qua sức phát triển trong tương lai Vinh tầm trung tâm khu vực Bắc Trung bộ. Không gian quy hoạch đô thị chiến lược hai bên đường cũng hứa hẹn một diện mạo phố Xô viết Nghệ Tĩnh đạt “chuẩn” văn minh, hiện đại…
Đường Xô viết Nghệ Tĩnh. |
Đường Xô viết Nghệ Tĩnh dài 2 cây số, là quãng đại lộ nối thẳng đường V.I Lê-nin với đoạn ra Sân bay Vinh. Đường rộng 2 chiều, 4 làn xe chạy, là một tuyến đường được thiết kế, xây dựng đạt chất lượng mỹ thuật và kỹ thuật vào loại bậc nhất của thành phố. Sau giải phóng mặt bằng để xây dựng đường như bây giờ, với sự lan tỏa tốc độ, quy mô, kiến trúc xây dựng từ trung tâm thành phố, đường từ tuyến giao thông với không gian quy hoạch chờ xây dựng thoáng rộng hai bên, nay đã dần hình thành bộ mặt phố xá.
Sự tươi trẻ của thiết kế hiện đại và những bố trí cây xanh vỉa hè, hoa cây cảnh của giải phân cách… trên đường Xô viết Nghệ Tĩnh luôn tạo cảm giác hứng khởi khi ta lướt trên đường từ trung tâm thành phố ra Sân bay Vinh hay xuôi đô thị du lịch biển Cửa Lò. Nên bên cạnh vai trò “lễ tân” đón khách đòi hỏi lễ nghi từ đường bộ, đường không đến từ phía Bắc thành phố, thì đường Xô viết Nghệ Tĩnh còn là tuyến đường thư giãn thú vị cho du khách khi đến với trọng điểm du lịch Vinh. Và nếu với những ai quan tâm đến “biên niên” phát triển của Vinh trong một thập kỷ lại nay, khi lại qua trên tuyến đường này sẽ thấy được nhiều mặt đổi dạng của Đô thị Vinh hiện nay.
Vẫn còn đó âm hưởng của những cánh đồng, thôn mạc của các khu dân cư xã ven đô Vinh khi thành phố chưa quy hoạch mở rộng lên tiêu chí loại 1 vào năm 2008. Nhưng những công trình bệnh viện, xa-lông ô tô, biệt thự liền kề… mọc lên hai bên đường đã khiến cho những dịch vụ nhỏ mở ra tạm trên những lô đất mặt đường đã nằm trong những quy hoạch lớn hóa ý nghĩa khi tạo nên nhịp phố mới cho đường. Những “Bar Anpha Clup”, “Nhà lá ven đô”, “Cà phê 99”, “Ẩm thực vườn”… dù phong cách “a còng” hay quê kiểng thì cũng đều có sự hài hòa trong cảm nhận. Đường nằm trọn trên địa bàn xã Nghi Phú, cung cấp một lượng lớn thực phẩm thịt gia súc cho thành phố nên ẩm thực ở đây cũng luôn hút khách với các món dân dã như: lòng lợn, gân bò và rượu ngang Nghi Phú nổi tiếng, thích hợp cho mọi giới ưa lai rai. Không gian phố có phần xanh tươi sinh thái nhờ rất nhiều các khoảnh đất chờ xây dựng đã được trồng keo lá tràm tốt vượt hay các khu vườn ươm cây cảnh.
Chùa Ân Hậu - Di tích Lịch sử - Văn hóa gắn với phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. |
Phía trong các khu dân cư hai bên đường còn lưu luyến cảnh quê với những bìa rậm, tre pheo là thấp thoáng gác chuông các nhà thờ Thiên Chúa giáo, mặt Đông có ngôi chợ chuyên mua bán sản vật quê với một cái tên lạ khiến gợi ta tò mò: “Chợ Mơi Dâu”. Nhưng đáng nói, là cũng phía mặt Đông ấy, có con đường nhỏ rẽ ngang có cắm biển “Di tích lịch sử - văn hóa chùa Ân” của địa phận xã ven đô Nghi Đức kề đó. Ấy là chùa Ân Hậu đã phục dựng và dấu tích chùa Đức Hậu đang được nhân dân đề xuất lập hồ sơ công nhận bằng di tích… Hẳn chốn Thiền cửa Phật bao giờ cũng có sức hút tâm linh đậm nếp hồn Việt để người phố cũng như khách xa có thể giành chút thời gian rẽ vào, theo lối ngõ xóm phong quang, thong thả những bước chân lên chùa dường như được nhịp bởi tiếng chuông thỉnh lên thanh bình trong thinh không ngoại ô. Ân Hậu tự thanh tịnh là đây, mà trong khuôn viên chùa khói hương hậu thế luôn vấn vít ấm cúng trước hai ngôi mộ xây lớn của hai vị thành hoàng làng vốn được thờ trong đình cạnh chùa ấy, là hai vị đại thần Trương Quốc Điển và Trần Văn Định (từng phò vua Trần Trùng Quang trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược. Năm 1414 khi vua băng hà, hai vị phải tạm lánh vào chùa Ân, xuống tóc đi tu tại đây). Ân nghĩa và nhân hậu là cốt lõi trong đời sống ứng xử người Việt. Chùa Ân Hậu - Di tích Lịch sử - Văn hoá với tên gọi của mình xứng là nơi để nhân sinh tìm về, ngộ lẽ vô thường bồi đắp hướng thiện, nơi mà “địa tượng tươi sáng hữu tình” này, đang dần rõ lên điểm du lịch tâm linh hút khách trong tuyến du lịch Vinh – Cửa Lò. Nhưng, cái tên Ân Hậu, Đức Hậu lại còn gợi lên mối liên hệ không gian lịch sử với đường Xô viết Nghệ Tĩnh. Sử ghi: “Ngày 1/5/1930: Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Mao, hơn 1.200 nông dân các làng Đức Hậu, Ân Hậu (huyện Nghi Lộc), Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thinh (huyện Hưng Nguyên) kéo vào Thành phố Vinh – Bến Thuỷ phối hợp với công nhân các nhà máy đòi chủ Pháp thực hiện các yêu sách như: tăng lương, ngày làm 8 giờ, giảm sưu thuế, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định... Đoàn biểu tình không trang bị vũ khí, chỉ kéo cờ búa liềm và chăng biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hát vang bài Quốc tế ca”. Và cũng chính ở chùa Ân Hậu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng về để họp mặt cốt cán chỉ đạo cao trào cách mạng 1930 – 1931…
Điểm nhấn kiến thiết mặt Tây đường đường Xô viết Nghệ Tĩnh phải kể đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An xây dựng mới bề thế với quy mô 700 giường bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh và nước bạn Lào. Nay mai khi các dự án khu đô thị mới với các cao ốc hàng mấy chục tầng, các khu biệt thự liền kề hai bên đường được xây dựng, thì với Bệnh viện Hữu nghị đa khoa, Sân bay Vinh đang nâng cấp mở rộng, sẽ tạo nên một mảng sáng phát triển sôi động, trẻ trung phía Bắc Thành phố Vinh, mà đường Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài ra Cảng hàng không Vinh chính là trục xương sống cho sức phát triển ấy…
Đình Sâm