Bệnh dịch của xã hội

06/07/2014 17:50

(Baonghean) - Đối mặt với tình trạng bùng phát chưa từng có tiền lệ của dịch sốt xuất huyết Ebola, Bộ y tế của 11 quốc gia châu Phi đã thoả thuận tham gia vào chiến dịch cộng tác đẩy lùi bệnh dịch chết người này. Theo đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ thiết lập một trung tâm kiểm tra tầm khu vực, đặt tại Guinea - 1 trong số 3 quốc gia Tây Phi nằm ở trung tâm ổ dịch.

Nhân viên y tế tuyên truyền cách phòng tránh bệnh Ebola.
Nhân viên y tế tuyên truyền cách phòng tránh bệnh Ebola.

Chiến dịch được thông báo vào cuối ngày thứ 5 vừa qua, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Ghana, với thành phần tham dự là các bộ trưởng của nước Cộng hoà dân chủ Congo, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Bờ Biển Ngà, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone và Uganda; các chuyên gia y tế; những người từng mắc và khỏi bệnh Ebola; đại diện của WHO. Chiến dịch này kêu gọi một sự theo dõi sát sao, sự hợp tác của cộng đồng và các nhà lãnh đạo chính trị nhằm nâng cao ý thức phòng và hiểu biết về bệnh dịch cũng như sự trao đổi hợp tác xuyên biên giới. Trước đó, WHO đã cảnh báo cần phải "hành động quyết liệt" để ngăn chặn sự lây lan của loại virus có khả năng gây tử vong ở 90% người nhiễm dịch này. Giáo sư Luis Gomes Sambo - Giám đốc WHO khu vực châu Phi nhiệt liệt hưởng ứng động thái này: "Đã đến lúc phải có hành động cụ thể để chấm dứt những đau đớn và chết chóc do bệnh dịch Ebola gây ra và ngăn chặn sự lây lan của nó". Theo báo cáo của WHO, đến ngày 30 tháng 6 đã có 759 trường hợp mắc dịch, 467 trong số đó đã tử vong ở Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Biểu đồ lây lan virus Ebola qua các năm.
Biểu đồ lây lan virus Ebola qua các năm.

Virus Ebola là một "sát thủ tàn bạo", các triệu chứng ban đầu của bệnh này rất giống với cảm cúm: đau đầu, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên sau đó, khi thực sự phát bệnh, người bệnh sẽ bị tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng, kèm theo chứng máu không đông do virus gây ra. Kết quả, người bệnh bị xuất huyết trong và ngoài, trung bình các ca tử vong diễn ra trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 21 ngày, khiến bệnh dịch dễ dàng lây lan do nhiều người không hề biết mình mang mầm bệnh trong người. Một điều may mắn là virus Ebola không dễ lây như nhiều người nghĩ: một người mang mầm bệnh không thể truyền bệnh cho đến khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Bệnh truyền qua đường máu và các chất dịch của cơ thể người hoặc động vật nhiễm bệnh.

Ông Sambo cho biết, "bệnh dịch bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, gây ra những tổn thất khổng lồ về người và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội". Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ có liên quan đến một số phong tục tập quán của người dân địa phương. Những phong tục này đi ngược lại với các biện pháp phòng tránh và chữa trị mà các nhân viên y tế nỗ lực tuyên truyền trong cộng đồng, gây nảy sinh "hiểu lầm, hoài nghi và bất hợp tác", cản trở công tác cứu trợ của nhân viên y tế. Ví dụ, người dân thường giấu diếm và chữa trị tại gia cho những người mắc dịch Ebola, tại đám ma, người ta thường chạm vào xác chết, những tập quán này làm cho nguy cơ virus Ebola lây lan tăng cao, một bản báo cáo của WHO cho biết. Thêm vào đó là việc di chuyển đi lại trong và ngoài biên giới khiến bệnh dịch dễ dàng lan ra 3 nước. Kết lại, ông Sambo bày tỏ sự tiếc nuối đối với các nhân viên y tế - những người đi tiên phong trong trận chiến chống dịch bệnh, không ít người đã bị nhiễm dịch: hơn 60 trường hợp, trong đó có 32 người đã tử vong.

Uganda, 1 trong số những quốc gia tham gia hội nghị ở Ghana, đưa ra thông báo thứ 6 vừa qua về các biện pháp kiểm dịch mới, áp dụng đối với những người đến từ các quốc gia nhiễm dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Uganda ông Ruhakana Rugunda cho biết, "Các biện pháp kiểm dịch sẽ được tăng cường tại các trạm kiểm soát biên giới, đặc biệt là với những người từng du hành qua Guinea, Sierra Leone và Liberia trong 3 tháng trở lại đây". Lệnh cấm du hành không được ban ra nhưng người dân Uganda được khuyến cáo hạn chế những chuyến đi không cần thiết đến các quốc gia nhiễm dịch. Đồng thời, Uganda - quốc gia có kinh nghiệm xử lý dịch bệnh Ebola (lần gần đây nhất là vào năm 2012) còn được WHO yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong chiến dịch phong toả, xử lý dịch Ebola.

Đây là lần đầu tiên dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, với 3 quốc gia nhiễm dịch, và cũng là lần đầu tiên dịch bùng phát ở các thủ đô. Các cơ quan chức năng tin rằng lý do dịch bệnh lần này bùng phát trên diện rộng như vậy là do cánh rừng nơi virus này được phát hiện ở gần với các thành phố như Conakry, thủ đô của Guinea, nơi có 2 triệu dân và 1 sân bay quốc tế. Vấn đề là ở chỗ, các quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia có cơ sở thiết bị y tế kém phát triển. Mặc dù chưa có cách chữa bệnh nhưng theo giáo sư Peter Piot, người đã phát hiện ra virus Ebola vào những năm 70, không khó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan bởi đây là bệnh khó lây. Các biện pháp đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, không dùng xi-ranh đã qua sử dụng, không chạm vào thi thể người bệnh là đủ để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Theo giáo sư Piot, đây là "dịch bệnh của một hệ thống y tế rối loạn chức năng. Nỗi sợ hãi căn bệnh, sự thiếu lòng tin ở chính phủ và hệ thống y tế cũng nguy hiểm y như con virus tồi tệ này vậy".

Không chỉ châu Phi mà bệnh dịch mùa hè cũng là tình trạng chung mà các châu lục khác đang mắc phải. Ở Pháp, dịch bệnh Chikungunya xuất phát từ quần đảo Antille thuộc lãnh thổ Pháp khiến các nhà chức trách lo ngại bởi muỗi hổ, vật trung gian truyền bệnh đã được phát hiện ở 18 tỉnh thuộc phía Nam nước Pháp. Tại lãnh thổ hải ngoại của Pháp, đảo Martinique và Guadeloupe, 8% dân số đã mắc bệnh và tốc độ phát triển của dịch bệnh đang tăng nhanh cùng với mùa mưa đến. Không ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có sức khoẻ tốt, tuy nhiên bệnh dịch này có thể gây ra những cơn đau khớp và cách phòng tránh duy nhất hiệu quả là xử lý những nguồn nước đọng có thể làm nơi sinh sôi của muỗi hổ. Ở Việt Nam, hiện đang bùng phát dịch viêm não Nhật Bản. Điều kiện khí hậu thuận lợi là dịp các căn bệnh với mức độ nguy hiểm khác nhau phát triển và lây lan, cũng là lúc cần một sự vận hành khoa học và hiệu quả của toàn xã hội, làm sao để đừng như lời giáo sư Piot nói, một bệnh dịch của một "xã hội rối loạn chức năng".

Nấm Linh Chi