Sinh hoạt hè ở khu dân cư: Thiếu "thủ lĩnh"
(Baonghean) - Dịp hè, hầu hết thiếu nhi từ nông thôn đến thành thị, từ miền biển đến vùng núi cao đều mong được tham gia sinh hoạt hè. Thế nhưng, do thiếu người khởi xướng, và chưa có kế hoạch bài bản trong chỉ đạo, hướng dẫn nên một số nơi trẻ em vẫn chưa được tham gia...
Các em thiếu nhi khối 1, phường Quang Trung (TP. Vinh tập thể dục buổi sáng. |
Chi đoàn khối 4, phường Quang Trung - Thành phố Vinh khởi động sớm nhất lịch sinh hoạt hè. Tối thứ 7 hàng tuần, các em thiếu nhi lại được tập hợp tại Nhà văn hóa khối để tham gia các trò chơi, văn nghệ, hoạt động Đội... Ở phường Quang Trung mỗi chi đoàn đều đăng ký lịch sinh hoạt hè xen kẽ vào các tối trong tuần, thế nên trên địa bàn phường hầu như tối nào cũng có tiếng hát, múa, tiếng trống đội của các em thiếu nhi. Ngoài ra, vào buổi sáng tất cả các khối xóm trên địa bàn phường Quang Trung đều tổ chức cho thiếu nhi tập thể dục, ngoài các bài thể dục theo chương trình thì các anh chị còn phổ biến cho các em các bài hát múa dân vũ, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia.
Tại xã Nam Thanh – Nam Đàn, khắp 12 khối xóm đều có chương trình hoạt động hè sôi động. Nổi trội là xóm 4, xóm 5 nơi có sinh viên và học sinh về nghỉ hè, những chương trình sinh hoạt hè vì thế cũng trở nên phong phú, đa dạng và gần gũi hơn. Ngoài chương trình cứng mà Ban Chấp hành Đoàn xã phổ biến, cán bộ đoàn xóm 4 và 5 đã tự tìm thêm những hoạt động bổ ích phù hợp với nhu cầu và sở thích của các em. Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Đoàn xã Nam Thanh mỗi năm đều thi nghi thức Đội, văn nghệ, tạo nên phong trào thi đua giữa các chi đoàn. Vì thế thiếu nhi Nam Thanh hầu như 100% tham gia hoạt động sinh hoạt hè”.
Ngay từ những ngày đầu tháng 6, BTV Huyện đoàn Nam Đàn đã ra văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi. Ngoài các chương trình sinh hoạt sao được tập huấn cho cán bộ đoàn các xã, thì BTV Huyện đoàn còn triển khai các phong trào do Hội đồng Đội Trung ương phát động như: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, “Làm nghìn việc tốt”. Để phòng chống đuối nước cho thanh, thiếu nhi, Huyện đoàn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Lữ đoàn 414 - Quân khu 4 tổ chức dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi từ độ tuổi từ 8 đến 15. Đến nay đã tổ chức được cho 2 lớp mỗi lớp 50 em, chủ yếu là thiếu nhi trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận. Ngoài ra Huyện đoàn còn tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại, về nguồn thăm các khu di tích lịch sử trên địa bàn, đồng thời triển khai các hoạt động chăm sóc tôn tạo và phát huy các giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa.
Bên cạnh các hoạt động sinh hoạt sao vào các buổi tối, tại Nam Đàn các xã như Nam Tân, Nam Thanh, Nam Lộc, Xuân Hòa… cán bộ Đoàn từ xã đến xóm đã tổ chức cho các em dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng và chăm sóc cây xanh tại các điểm công cộng như nhà văn hóa xóm, trụ sở UBND xã… Ngoài ra để giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, ý thức tiết kiệm, đức tính hiếu thảo kính trọng với người lớn, chia sẻ khó khăn với những người xung quanh, các cấp bộ Đoàn từ huyện đến xã đã đẩy mạnh các phong trào “Nghìn việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”, “Vì bạn nghèo”, “Những địa chỉ tình nghĩa”…
Ở phường Quang Trung, Trường Thi, Trung Đô, Ban Thường vụ Đoàn phường còn phát động cuộc thi viết thư cho các chiến sỹ đang công tác ở Trường Sa, Hoàng Sa; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo cho con em các chiến sỹ làm nhiệm vụ nơi biên giới hải đảo.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng tổ chức được các hoạt động hè cho thiếu nhi như các địa phương nêu trên. Nguyên nhân chính là do thiếu cán bộ Đoàn có năng khiếu tổ chức, thiếu người nhiệt huyết, sẵn sàng “Vì đàn em thân yêu”. Quỳ Châu là địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn do đặc thù về địa hình, dân cư thưa thớt , đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trẻ em còn chưa được gia đình quan tâm đúng mức. Thế nên việc thu hút thiếu nhi tham gia các hoạt động Đội và phong trào thanh thiếu nhi tại một số xã như Diên Lãm, Châu Nga… là điều khó thực hiện. Trong đó, nguyên nhân chính là do thiếu cán bộ Đoàn, đặc biệt là những cán bộ Đoàn có năng khiếu tập hợp thanh thiếu nhi.
BTV Huyện đoàn cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các hoạt động sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi, nhưng trên địa bàn Quỳ Châu chỉ có đơn vị Thị trấn Tân Lạc tổ chức được các hoạt động cho các em. Và tại Tân Lạc cũng chỉ có 8/12 chi đoàn tổ chức sinh hoạt thường kỳ vào các tối thứ 7 hàng tuần, 4 chi đoàn còn lại đến nay vẫn chưa thể tổ chức được vì vẫn chưa có cán bộ Đoàn có năng khiếu tập hợp và dạy các em hát múa, tập duyệt nghi thức Đội. Bí thư Đoàn xã Châu Nga, anh Hà Văn Tường cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tạo được phong trào để thu hút tập hợp thiếu nhi, bởi hiện tại Đoàn xã Châu Nga chưa có thôn bản nào có cán bộ Đoàn có khả năng, năng khiếu dạy hát múa, chứ chưa nói đến là có khả năng sáng tạo trong tổ chức sinh hoạt đoàn”. Theo anh Tường, nếu thôn bản nào tập hợp được từ 10 đến 15 em, BTV Đoàn xã sẽ trực tiếp đến từng nơi để dạy cho các em hát múa những bài hát đội truyền thống và tổ chức các trò chơi dân gian hợp với lứa tuổi. Vì thế nên cùng lắm một tháng cũng chỉ được một vài điểm tổ chức cho các em sinh hoạt.
Ở hầu hết vùng “5 Nam” của huyện Nam Đàn việc tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn thôn xóm cũng rất khó thực hiện. Khó bởi tại những nơi này thiếu nhi không mặn mà lắm với phong trào Đội, và cán bộ Đoàn cũng chưa nỗ lực tìm cách vượt khó để tìm ra phương thức thu hút tập hợp thiếu nhi mỗi dịp hè về. Mỗi dịp hè về, sinh viên tình nguyện (SVTN) trên khắp mọi miền đất nước lại tìm về vùng sâu, vùng xa mang theo thông điệp và tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vì thế hầu hết các vùng cao vùng sâu trẻ em đều được các anh chị SVTN tổ chức dạy chữ, tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp hè. Và chính lực lượng này là lời giải cho bài toán thiếu và yếu cán bộ Đoàn mỗi dịp hè về. Nhưng đối với những vùng miền xuôi, cụ thể như các xã thuộc vùng” 5 Nam, huyện Nam Đàn, lực lượng SVTN rất ít về tại những xã này để tăng cường cho công tác Đoàn, phong trào Đội, bởi lý do theo như Bí thư Huyện đoàn Nam Đàn Đặng Hồng Thăng đưa ra là: “Những xã này gần thành phố quá”.
Việc đổi mới các hoạt động trong mỗi buổi sinh hoạt cũng là giải pháp nhằm thu hút thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè.
Tuy nhiên, yêu cầu này rất khó thực hiện khi không ít nơi còn lấy việc “điểm danh”, “nhận xét” làm cơ sở cho việc bắt buộc các em tham gia. Ngoài các bài hát múa, các bài tập nghi thức, các trò chơi đã cũ ít gây hứng thú cho những em, do đó, cần có những hoạt động nhóm mang tính tương tác cao như việc thành lập các câu lạc bộ đội nhóm phù hợp với lứa tuổi. Mỗi nhóm, đội phụ trách một địa chỉ cần giúp đỡ, đăng ký chăm sóc các công trình văn hóa, các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn, chăm sóc thương bệnh binh người già. Các hoạt động này cần phân công xen kẽ, có kiểm tra đánh giá, thi đua, như thế vừa tăng tính giáo dục vừa tạo được hứng thú cho thiếu nhi.
Để thiếu nhi có một mùa hè bổ ích, và để hoạt động hè đối với thiếu nhi ngày càng phủ rộng và đi vào chiều sâu, cần sự trăn trở và tinh thần vượt khó của các cấp bộ Đoàn.Trong đó có việc bồi dưỡng, tìm kiếm “nguồn” cho cán bộ Đoàn ở các khối, xóm để “gối đầu” cho các mùa hè tiếp theo.
Bài, ảnh: Thanh Nga