Ngọt ngào cho ai?

30/06/2014 18:59

(Baonghean) - Ngồi đối diện với chúng tôi là Hồ Thị Thu, cô gái 32 tuổi với nước da tái nhợt, khuôn mặt sạm đen và ánh mắt buồn bã. Đã hơn 3 năm nay, cô là bệnh nhân của Trung tâm Thận nhân tạo, thuộc Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh. Sau tiếng thở dài não nuột, Thu kể về gia đình và số phận của mình...

Hồ Thị Thu và nghề bán nước mía.
Hồ Thị Thu và nghề bán nước mía.

Nắng hè gay gắt, những cơn gió Lào bỏng rát tràn qua Thành phố Vinh, quán giải khát trên đường Đào Tấn của chị em Thu chỉ lèo tèo mấy khách. Quán ở gần cổng Trung tâm Huấn luyện thể dục - thể thao của tỉnh, nên khách “ruột” thường là các vận động viên.

Gia đình Thu ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), vùng quê từ xa xưa đã nổi tiếng là “đất học”. Bố mẹ Thu sinh được 4 người con, Thu là con đầu, sau 2 em trai và 1 em gái. Em trai kề Thu đã lấy vợ, sinh con. Tiếp đến là em gái đã tốt nghiệp ngành Kế toán (Đại học Giao thông vận tải) nhưng chưa tìm được việc làm, hiện đang bán hàng giải khát cùng chị. Em trai út hiện đang là sinh viên Trường Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành Thể dục - Thể thao. Với 7 sào ruộng khoán, bố mẹ cô quanh năm dốc hết sức lực vẫn không kiếm đủ tiền để lo việc học hành cho 4 đứa con. Đã thế, mẹ cô lại mắc bệnh động kinh, mỗi khi trái gió trở trời thường lên cơn co giật và ngã bất cứ ở đâu. Gánh nặng mưu sinh dồn lên vai người bố đã già yếu.

Từ nhỏ, Thu sớm biết rằng với bệnh tình của mẹ và sức khỏe của bố không thể nào lo nổi việc học cho các con nên bản thân phải thực sự cố gắng. Khi còn học phổ thông, Thu thường tranh thủ những ngày nghỉ đi mò cua, bắt ốc, làm cỏ và gặt lúa thuê kiếm tiền đóng học phí. Xong cấp 3, không có tiền tiếp tục theo đuổi sự học, cô quyết định tạm gác lại ước mơ đèn sách, đi giúp việc một thời gian. Khi đã tích lũy được một số tiền nhất định, năm 2007, Hồ Thị Thu dự thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An, ước mơ theo đuổi sự học để thoát khỏi đói nghèo đang trở thành hiện thực. Nhưng rồi, sau giây phút mừng vui là nỗi lo âu nhanh chóng ập đến. Không lo sao được khi gia cảnh nghèo nàn, bố mẹ không đủ sức chạy vạy cho các con ăn học. Thu đã hình dung được phía trước là những năm tháng vất vả, cực nhọc lo chuyện mưu sinh và kiếm tiền trang trải việc học hành. Nhớ mãi ngày xếp đặt hành lý lên xe khách vào Thành phố Vinh nhập học, gần như suốt chặng đường 60 km, đầu óc Thu suy nghĩ mông lung, bởi bắt đầu một cuộc sống mới...

Khác với bạn bè, những năm tháng sinh viên của Hồ Thị Thu bộn bề với bao nỗi lo toan cuộc sống. Cô không có những giây phút thảnh thơi để rong chơi phố phường, không có thời gian cho những chuyến dã ngoại, không có nhiều tiền để mua sắm những bộ quần áo hợp thời trang... Ngoài giờ học, Thu phải lo bươn chải kiếm tiền. Lúc thì cô xin rửa bát thuê tại các quán ăn, lúc lại làm gia sư, bán hàng để có tiền trang trải học phí, tiền nhà trọ và tiền ăn hàng ngày. Với một ít tiền dành dụm được và vay mượn thêm bạn bè, người quen, Thu quyết định thuê một quán nhỏ trên trục đường Đào Tấn để bán hàng giải khát từ ngày đó đến nay.

Năm 2009, Thu tốt nghiệp ra trường. Cầm trên tay tấm bằng Cao đẳng kinh tế, cô đi khắp nơi tìm việc nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Thu vẫn quyết tâm bám trụ lại Vinh bằng việc tiếp tục bán giải khát để mong tìm được một cơ may nào đó, để kiếm tiền để nuôi các em ăn học. Vì lúc này, Hồ Thị Thanh (em gái thứ 3) đang theo học tại Trường Đại học Giao thông vận tải, và Hồ Phi Trình (em trai út) đang học THPT. Gom nhặt đừng đồng để lo cho cuộc sống bản thân, hàng tháng Hồ Thị Thu dành dụm một khoản tiền gửi ra Hà Nội cho Thanh và một khoản gửi về cho bố mẹ lo việc học cho Trình. Cứ thế, theo năm tháng, cô cần mẫn với vai trò là một người con hiếu thảo, một người chị giàu tình yêu thương và biết chăm lo cho các em.

Cuối năm 2010, sau một ngày dầm mình giữa trời mưa lạnh, Thu bỗng dưng đổ bệnh. Cô thấy trong người lúc nóng, lúc lạnh, đầu óc quay cuồng và khó thở. Lúc đầu, tưởng bị cảm nhưng uống thuốc vẫn không thuyên giảm, người càng thấy mệt mỏi, rã rời. Đi bệnh viện khám, Thu hết sức bàng hoàng khi nhận được kết luận bị suy thận giai đoạn cuối. Đất dưới chân cô như lún sụt, chới với rồi ngã khuỵu... Gia đình quyết định dốc hết tài sản để đưa Thu ra điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Điều trị được 2 tháng, bệnh viện trả về, vì căn bệnh này đang vô phương cứu chữa. Với hy vọng giành lại sự sống cho Thu, gia đình lại đưa cô về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, rồi lại ngược trở ra Hà Nội. Cuối cùng, Thu trở thành bệnh nhân lâu dài của Trung tâm Thận nhân tạo - Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh, từ đầu năm 2011.

Giờ đây, đều đặn mỗi tuần 3 lần, Hồ Thị Thu đến bệnh viện để chạy thận. Cô chia sẻ: “Cũng may là em có BHYT dành cho hộ nghèo nên các chi phí điều trị đỡ được nhiều phần!”. Nhưng một số loại thuốc phải mua ngoài, chi phí điều trị hàng tháng cũng mất khoảng 3,5 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà trọ và ăn uống hàng ngày. Để có được số tiền ấy, cô vẫn phải tiếp tục bán hàng giải khát. Quán giải khát của Thu giờ có thêm một thành viên mới là Hồ Thị Thanh, em gái thứ 3. Thanh đã tốt nghiệp đại học và về Vinh tìm kế mưu sinh để trả nghĩa người chị gái đang gặp phải số phận bất hạnh. Về Vinh, Thanh đã mang hàng chục bộ hồ sơ để đi xin việc, tất cả đều không có hồi âm. Quán của chị em họ đơn sơ. Tài sản lớn và quý giá nhất của họ chỉ là chiếc máy ép nước mía.

Thu chia sẻ nỗi lòng: “Cuộc sống của hai chị em hoàn toàn trông nhờ vào quán nước này. Ngày nào trời nắng gắt, bán được nhiều hàng, hai chị em mừng lắm. Ngày nào mát mẻ, ít khách, hàng không chạy tối nằm lại lo. Khi mùa hè qua, các mặt hàng giải khát không còn “chạy” nữa... thì gay go. Ngoài khoản thuốc thang và các chi phí hàng ngày, hàng tháng chị em Thu còn dành 1,5 triệu đồng gửi vào Đà Nẵng cho cậu em út là Hồ Phi Trình. “Thương các chị vất vả mưu sinh, phải lo tiền thuốc thang hàng tháng nên thằng Trình rất ngoan, biết chi tiêu tiết kiệm” - Thanh bộc bạch.

Càng về trưa, nắng càng gay gắt, gió Lào càng bỏng rát. Vẻ mặt của Thu cũng trở nên mệt mỏi hơn, có lẽ quãng thời gian gần 4 năm chống chọi với căn bệnh suy thận đã làm cho cô kiệt sức. Và đáng buồn hơn nữa là vì căn bệnh quái ác ấy, cô đành phải gác lại những ước mơ chưa thành…

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện và chào ra về. Chị em Thu lại tiếp tục với vòng quay của chiếc máy ép nước mía. Những vòng quay ấy rồi đây có còn đủ mang lại sự ngọt ngào, xua tan cơn khát cho những người đi đường và đem đến niềm hy vọng, tin yêu cho chị em Thu?!

Công Kiên