Afghanistan thắt chặt an ninh trước thềm lễ nhậm chức tổng thống
Ngày 29/9, tân Tổng thống đầu tiên của Afghanistan trong vòng một thập kỷ qua, ông Ashraf Ghani sẽ nhậm chức tại thủ đô Kabul trong điều kiện an ninh thắt chặt.
Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Lễ nhậm chức diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng 29/9 (theo giờ địa phương, tức 12 giờ 30 theo giờ Việt Nam) tại dinh tổng thống.
Lịch trình buổi lễ và danh sách khách mời cụ thể không được tiết lộ, song Tân Hoa xã dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết Tổng thống nước này Mamnoon Hussain sẽ tới tham dự. Theo hãng tin Reuters, Cố vấn Nhà Trắng cấp cao John Podesta cũng sẽ dự buổi lễ.
Đây là cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên trong lịch sử Afghanistan, song đã không hề êm ả. Cả ông Ashraf Ghani lẫn ứng cử viên đối thủ Abdullah Abdullah đều tuyên bố giành chiến thắng, đẩy cuộc bầu cử vào thế bế tắc kéo dài 3 tháng.
Dưới áp lực của Liên hợp quốc và Mỹ, hai ứng cử viên đã dần đi tới nhất trí thành lập một chính phủ thống nhất. Ông Ghani được công bố trở thành Tổng thống Afghanistan sau khi nước này tiến hành thanh tra bầu cử đối với gần 8 triệu phiếu bầu.
Cũng trong ngày 29/9, ông Abdullah sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí nhà điều hành cấp cao, một chức vụ mới tương đương thủ tướng, trong nhiệm kỳ hai năm. Đây được coi là một thay đổi lớn về cách thức lãnh đạo mà Afghanistan áp dụng từ năm 2001.
Trước lễ nhậm chức tổng thống, an ninh vốn được siết chặt ở Kabul đã càng được tăng cường do lo ngại phiến quân Taliban tìm cách phá hoại buổi lễ hoặc tấn công các quan chức quốc tế.
Ngày 28/9, một chiếc xe giấu bom đã phát nổ ngay bên ngoài tổ hợp dinh tổng thống Afghanistan, làm lái xe bị thương.
Cuộc chiến chống lực lượng ngày càng táo tợn này là một trong những vấn đề lớn mà chính phủ mới phải tiếp nhận, trong khi Taliban đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công hung hăng những tháng gần đây.
Một trong những việc đầu tiên mà ông Ghani được kỳ vọng sẽ thực hiện ở cương vị tổng thống là ký hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ, cho phép 12.500 binh sỹ thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu ở lại Afghanistan nhằm huấn luyện lực lượng quân đội và cảnh sát mới của nước này.
Bên cạnh vấn đề chống khủng bố, chính quyền của Tổng thống Ghani còn phải gánh vác nhiệm vụ khôi phục đời sống cho một đất nước chịu ảnh hưởng của chiến tranh và đói nghèo hàng thập kỷ qua. Tân chính phủ Afghanistan sẽ lập tức đối diện với cuộc khủng hoảng tài khóa, buộc phải hoãn trả lương tháng 10 cho công chức do ngân sách hiện không có đủ 116 triệu USD cần thiết.
Vốn đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài, Kabul vừa phải vay thêm 537 triệu USD từ Mỹ và các nhà tài trợ khác để chi trả các khoản phí cho tới cuối năm 2014.
Mặt khác, giới chức Afghanistan hy vọng cựu Bộ trưởng Tài chính Ghani với kinh nghiệm làm việc lâu năm cho Ngân hàng Quốc tế (WB) sẽ đấu tranh chống nạn tham nhũng trầm kha.
Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn nguồn tin quân sự cho biết các chiến đấu cơ F-16 của Bỉ có mặt liên tục tại Afghanistan trong suốt 6 năm qua đã thực hiện những chuyến bay cuối cùng hôm 28/9.
Đội bay này cung cấp hỗ trợ từ trên không cho các nhóm bộ binh của Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ huy, đóng tại Kandahar từ ngày 2/9/2008 và đã thực hiện tổng cộng 16.000 giờ bay trên bầu trời Afghanistan.
Ngoài ra, các máy bay AWACS của NATO cũng đã chính thức kết thúc nhiệm vụ, trong đó máy bay AWACS cuối cùng đã trở về căn cứ tại Geilenkirchen (Đức) vào ngày 25/9 vừa qua. NATO quyết định sẽ không sử dụng loại máy bay này vào sứ mệnh mới nhằm đào tạo lực lượng an ninh của Afghanistan kể từ ngày 1/1/2015.
Thay vào đó, việc kiểm soát hoạt động của các máy bay chiến đấu trên không phận Afghanistan sẽ do Trung tâm kiểm soát và cảnh báo Al-Udeid của Qatar thực hiện.
Theo Vietnam+