Phường Hưng Dũng: Dấu ấn 20 năm từ "làng" lên "phố"

22/08/2014 09:57

(Baonghean) - Làng Đỏ là tên gọi ghi lại dấu ấn một thời đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của người dân vùng Yên Dũng Thượng xưa, nay là Hưng Dũng. Đó cũng là động lực để người dân mảnh đất này vươn lên trong công cuộc xây dựng quê hương, nhất là trong khoảng thời gian 20 năm qua, kể từ ngày Hưng Dũng chính thức chuyển từ “xã” lên “phường”. 

(Baonghean) - Làng Đỏ là tên gọi ghi lại dấu ấn một thời đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của người dân vùng Yên Dũng Thượng xưa, nay là Hưng Dũng. Đó cũng là động lực để người dân mảnh đất này vươn lên trong công cuộc xây dựng quê hương, nhất là trong khoảng thời gian 20 năm qua, kể từ ngày Hưng Dũng chính thức chuyển từ “xã” lên “phường”.

Mảnh đất anh hùng

Có lẽ hiếm có nơi nào như vùng đất Yên Dũng Thượng, vùng đất mà ngay cả trong tên gọi đã ẩn chứa tinh thần anh dũng, hào hùng. Lịch sử còn ghi lại, ở đây còn nhiều dấu tích của nền văn minh Đông Sơn và được ví là “phên dậu” trong giai đoạn Hoàng đế Quang Trung ra Nghệ An chọn huyện Chân Lộc để xây dựng kinh đô.

Một góc phường Hưng Dũng (TP. Vinh)
Một góc phường Hưng Dũng (TP. Vinh)

Mảnh đất này từng trải qua nhiều lần đổi tên gọi từ Dũng Quyết, Yên Dũng Thượng, Yên Dũng rồi mang tên Văn Phong, một xã của huyện Hưng Nguyên trước đây. Tên gọi Hưng Dũng chỉ chính thức bắt đầu từ năm 1953 và trở thành một phần của Thị xã Vinh kể từ năm 1957, khi đô thị Vinh bắt đầu được mở rộng… Riêng tên gọi Làng Đỏ lại gắn với sự kiện lịch sử Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 – 1931. Nơi đây, ngày 3/4/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Vinh, Chi bộ Đảng xã Yên Dũng Thượng được thành lập tại Lăng Đức Thánh - dăm Mụ Nuôi. Tháng 8/1930, Xứ ủy Trung kỳ và các cơ quan xứ ủy về đóng tại xã Yên Dũng Thượng, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Vinh, tháng 9/1930, xã Yên Dũng Thượng đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Đình Trung đòi lý trưởng, hào mục nạp con dấu, sổ sách, tài liệu, đồng thời, tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Xô viết do chi bộ đảng lãnh đạo, trụ sở đặt tại Đình Trung. Trong cuộc đấu tranh này, người dân Yên Dũng Thượng bị mất mát rất nhiều, có những giai đoạn địch đưa lính về xây dựng đồn bốt trong xã, tiến hành khủng bố rất tàn bạo. 15 người con ưu tú là đảng viên và cán bộ cốt cán của xã bị địch xử bắn, tù đày. Vậy nhưng, điều đó không làm người dân trong vùng run sợ, ngược lại, càng làm dấy lên lòng căm phẫn, dấy lên tinh thần đấu tranh quật cường cho đến ngày cách mạng thành công.

Nữ dân quân Làng Đỏ luyện tập quân sự.
Nữ dân quân Làng Đỏ luyện tập quân sự.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Hưng Dũng được ví là “làng quanh mâm pháo”, bởi lẽ, đây là một trọng điểm có nhiều mục tiêu quân sự, chính trị nên bị địch bắn phá thường xuyên. Trải qua 592 trận đánh, mảnh đất Hưng Dũng gần như bị địch san phẳng với 5674 quả bom, 104 quả rốc két, 350 quả pháo hạm… Nhưng cũng ở đây, nhiều lần quân và dân Hưng Dũng đã phối hợp với bộ đội cao xạ bắn rơi máy bay địch và bắt sống nhiều phi công của Mỹ. Vì thế, câu thơ: Mượn ánh trăng khuya/ Khai đường mở lối/ Cho xe về Tân Vệ/ Cho pháo xuống Phong Xuân…" vẫn đọng mãi trong ký ức của người dân Hưng Dũng về một thời hoa lửa đó.

Cuộc “cách mạng” từ “xã” lên “phường”, từ “làng” lên “phố”

Đến đầu những năm 90, Hưng Dũng vẫn là một xã nông nghiệp nghèo. Cả xã chỉ có khoảng 5 – 7% là hộ khá, 20% có nhà ngói cấp 4, còn lại chủ yếu là nhà tranh lá, không có nhà cao tầng. Hưng Dũng chỉ thực sự bứt phá từ sau ngày 23/8/1994, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập phường Hưng Dũng. Đứng trước một cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không đồng bộ, đứng trước thực trạng đời sống người dân còn khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu... cấp ủy, chính quyền phường Hưng Dũng hết sức băn khoăn. Thực tế này cũng là lý do trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ 23, 24, 25 (từ năm 1990 – 2005), Nghị quyết Đại hội luôn tập trung vào các nội dung chính là đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu và xây dựng đời sống văn hóa. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ, bởi tập quán xưa cũ của vùng vẫn là sản xuất nhỏ, tư tưởng tư hữu còn bám chặt trong mỗi người dân. Cho nên khi triển khai công việc lại phải bắt đầu từ công tác tuyên truyền, vận động. Mục đích để nhân dân nhận thức và hiểu rằng cái được từ sự nghiệp chung sẽ mang lại lợi ích riêng đối với từng gia đình và phúc lợi cho toàn xã hội. Bằng quyết tâm và sự đúng đắn trong lựa chọn bước đi, nhân dân Hưng Dũng đã đồng lòng ủng hộ và cùng nhau làm nên một cuộc cách mạng về đô thị. Trong cuộc cách mạng ấy, hàng trăm gia đình đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất ở, tháo dỡ hàng chục công trình kiến trúc và đóng góp hàng ngàn ngày công… phục vụ cho sự nghiệp phát triển đô thị. Những kết quả đó không những có giá trị về mặt vật chất, mà từ đây bắt đầu mở ra những cách làm mới, những nhận thức mới, xóa bỏ tư tưởng sản xuất nhỏ, sản xuất tiểu nông.

Đây cũng là cơ sở để phường từng bước chuyển dịch về cơ cấu kinh tế mà đầu tiên là khai thác các vị trí thuận lợi để người dân mở mang, phát triển kinh doanh, buôn bán; góp phần tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, các hợp tác xã chuyển đổi hoạt động theo hướng đa ngành, riêng các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đã đổi mới hình thức huy động vốn, phát triển xã viên dưới hình thức đại diện hộ và pháp nhân để tăng nguồn nhân lực, phương tiện kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh khi vươn ra thị trường. Đồng thời, tiếp tục chú trọng kinh tế nông nghiệp bằng việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ hợp lý để tăng năng suất. Riêng về văn hóa, phường định hướng phát triển để làm sao vừa phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của quê hương vừa giữ được truyền thống, giá trị văn hóa của dòng họ, từ đó xây dựng đời sống văn hóa riêng có và bền vững mang đặc trưng của vùng.

Những cố gắng trên nay đã được hiện hữu qua từng con số khi toàn phường Hưng Dũng giờ đây đã có 100% khối có nhà văn hóa với giá trị đầu tư xấp xỉ 1 tỷ đồng, quy mô diện tích đa số trên 600 m2, góp phần tạo nên các thiết chế văn hoá đồng bộ; 100% trường học đã được cao tầng hoá và có các công trình phụ trợ đạt chuẩn; 99% các tuyến giao thông nội phường được bê tông hoá và nhiều công trình kinh tế, phúc lợi công cộng khác, với tổng mức đầu tư lên đến gần 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 7 tỷ đồng (chưa tính giá trị đất và ngày công). Nhận định về 20 năm qua, ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Đảng ủy phường Hưng Dũng cho rằng: Đó là quãng thời gian để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ nhất và có thể ví như một cuộc cách mạng. Kết quả này được bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo trong điều hành chỉ đạo; là sự kiên trì thực hiện các mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây còn thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong vùng, là thể hiện sức mạnh, ý chí truyền thống của quê hương Làng Đỏ xưa, là kết tinh của bao thế hệ đã ngã xuống, đã phấn đấu hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng quê hương, đất nước.

Nhìn lại 20 năm đã qua cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và người dân Hưng Dũng rút ra những ưu điểm và hạn chế để thời gian tới phường Hưng Dũng có những bước đi nhanh hơn, bứt phá hơn, tiến tới phát triển thành một đô thị trung tâm của thành phố.

Bài, ảnh: Mỹ Hà