Môi trường an toàn cho trẻ
(Baonghean) - Mùa hè là thời điểm trẻ được nghỉ học, đây cũng chính là thời điểm thường dễ xảy ra tai nạn thương tích ở trẻ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực gia đình, của các cấp, các ngành và các địa phương, gần đây tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích có xu hướng giảm. Song để đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh, hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ (đặc biệt vào dịp hè) một cách bền vững, cần sự chung tay của cả cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đoàn Thanh niên xã Tân An (Tân Kỳ) mở các lớp dạy bơi cho trẻ. |
Nguy cơ tai nạn thương tích
Những tháng hè là thời điểm khoa Chấn thương – chỉnh hình, Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An luôn trong tình trạng quá tải. Khoa có 20 giường bệnh nhưng những lúc cao điểm có tới trên 50 bệnh nhân nhập viện điều trị; 2 - 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh. Thời gian nghỉ hè với em Nguyễn Đình Long (11 tuổi), quê Nghi Hoa, Nghi Lộc, là những ngày phải nằm điều trị vết thương do bỏng nặng. Chị Nguyễn Thị Dung, mẹ Long cho biết: “Bố mẹ đi làm đồng, có người gọi về nói con bị bỏng mới biết. Về sau mới nghe cháu kể lại là hôm đó các cháu cùng nhóm bạn rủ nhau nướng khoai ăn, trời nắng lại gió to nên Long bị lửa bắt vào người, cháy quần áo và bỏng nặng”. Còn em Võ Văn Đức (14 tuổi) quê Nghi Lộc thì vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai nạn, thỉnh thoảng em lại lên cơn đau đầu do chấn động não. Nằm kế ngay bên giường bệnh của em là em gái ruột 11 tuổi cũng bị chấn thương nặng, vỡ tuỵ và máu tụ não. Tai nạn xẩy ra khi các em tự ý lấy xe máy của gia đình chở nhau đi chơi. Anh Võ Văn Lâm (bố cháu Đức) thừa nhận: “Cũng do bố mẹ bất cẩn nên đã để con gặp tai nạn thế này. Đây đang là thời gian nghỉ hè nên rất khó kiểm soát hết hành vi của các cháu”.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Thái Văn Bình – Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Số tai nạn thương tích trẻ em thường gia tăng vào dịp nghỉ hè. Phần lớn là các ca bỏng, chấn thương não, gãy chân, tay… nhiều trường hợp để lại những dị tật suốt đời, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Các trường hợp vào viện do tai nạn thương tích hầu hết đến từ các vùng nông thôn, miền núi. Và có thể nhận thấy rằng, phần lớn những ca tai nạn thương tích đau lòng của trẻ thường bắt nguồn từ sự bất cẩn và kém hiểu biết của người lớn”.
Trong số nguyên nhân gây tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay có 11 vụ trẻ tử vong do đuối nước, trong tổng số 266 trường hợp bị tai nạn thương tích. Bên cạnh vấn đề ý thức của người dân về việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ còn nhiều hạn chế. Còn có những nguyên nhân khách quan như: điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh ta còn khó khăn, địa bàn rộng, dân số đông, điều kiện và môi trường sống chưa đảm bảo an toàn nên càng dễ xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em. Mặt khác, các địa điểm sinh hoạt, vui chơi cho trẻ còn thiếu, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 400 sân thể thao/480 xã, phường tuy nhiên trong đó chỉ có 170 sân đảm bảo theo quy định; có gần 5.900 sân thể thao ở các làng, bản, khối xóm. Thế nhưng, những sân chơi này gắn liền với các thiết chế văn hóa cơ sở; là địa điểm vui chơi, tổ chức các hoạt động văn hóa chung của cả địa phương. Chưa địa phương nào có sân chơi được quy hoạch dành riêng cho thanh, thiếu nhi.
Vì môi trường an toàn cho trẻ
Mặc dù hiện nay ở tỉnh ta số vụ tai nạn thương tích ở trẻ vẫn còn cao nhưng có thể thấy rằng con số này đã giảm xuống đáng kể so với những năm trước. Từ năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 1.365 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ, thế nhưng, 6 tháng đầu năm nay, con số này đã giảm xuống còn 266 trường hợp. Nghệ An không còn là điểm nóng của cả nước về số trẻ tử vong do tai nạn đuối nước như những năm trước (năm 2013 có 77 trường hợp, 6 tháng đầu năm nay mới xảy ra 11 vụ).
Để có được những kết quả tích cực đó, huyện đã chú trọng xây dựng mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em. Xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) là một trong những xã được lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn của toàn huyện năm 2012. Là xã đồng bằng, với nhiều ao hồ, lớn nhỏ và có trên 15.000 trẻ độ tuổi dưới 16. Thế nhưng trong những năm qua, Quỳnh Thạch không xảy ra vụ tai nạn thương tích nào ở trẻ em. Ông Cao Trọng Chính - Cán bộ chính sách xã cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh xã; tổ chức treo các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ. Đặc biệt vào dịp hè, phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền trực tiếp và phát tờ rơi cung cấp cho người dân các kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ như cách sắp đặt các vật dễ cháy nổ trong gia đình như ga, xăng, điện; không để trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn, dễ nuốt … Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã xây dựng được hơn 200 mô hình “Ngôi nhà an toàn”, góp phần phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.
“Ngoài đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhằm tạo môi trường sống an toàn cho trẻ, phòng chống tai nạn thương tích, năm 2014, phòng LĐ-TB&XH huyện đã trích 240 triệu đồng để mua đồ dùng dạy và học cho học sinh mầm non. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao huyện mở hai lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè này (đặc biệt chú trọng vào các trẻ ở các xã có nhiều ao hồ)” - ông Dương Danh Hoà – Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Số vụ tai nạn thương tích ở trẻ có xu hướng giảm trên địa bàn toàn tỉnh là tín hiệu tích cực, đồng thời là kết quả của những nỗ lực triển khai các biện pháp đồng bộ của các địa phương trong thời gian qua. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lương – Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: “Những năm qua, ngành LĐ-TB&XH luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền: hàng nghìn tài liệu về phòng chống tai nạn thương tích đã được phát hành đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Ngành cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở 17 xã thuộc các huyện: Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên, Tương Dương, Quỳ Châu, Yên Thành, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, TX Thái Hòa, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, Con Cuông. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống TNTT trẻ em cho đội ngũ làm công tác BVCS trẻ em của các huyện, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” và đội ngũ cộng tác viên làm công tác BVCSTE của các xã điểm”.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể cũng đã tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Ngay từ đầu mùa hè, Tỉnh đoàn đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở đoàn về việc phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trong thanh thiếu nhi; nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cắm biển báo nguy hiểm ở nơi dễ xẩy ra tai nạn. Tỉnh đoàn chỉ đạo điểm ở các huyện Nam Đàn, Tân Kỳ mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ. Đơn cử như xã Tân An (Tân Kỳ), Đoàn thanh niên phối với Ban Văn hoá xã tổ chức lớp học bơi cho trẻ em trong dịp hè. Ngoài lớp học bơi ở xã Tân An, hè năm này, Huyện đoàn Tân Kỳ còn mở thêm lớp dạy bơi cho các em nhỏ ở thị trấn; dự kiến sẽ có hơn 100 em nhỏ được dạy kỹ năng bơi và phòng tránh đuối nước. Ngoài ra, để tạo sân chơi bổ ích cho trẻ, huyện đoàn còn triển khai đến các xã các nội dung sinh hoạt hè phong phú như: sinh hoạt văn nghệ, giải bóng đá, tập nghi thức Đội…
Để đảm bảo cho các em có một môi trường sống an toàn và lành mạnh; đồng nghĩa với việc tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ được hạn chế một cách bền vững, rất cần sự chung tay góp sức của mỗi gia đình, nhất là những người làm cha, làm mẹ sau đó mới đến cộng đồng. Có như vậy mới huy động được các nguồn lực để triển khai thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em có hiệu quả thiết thực; hướng tới xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cho trẻ.
Đinh Nguyệt