Dễ ngộ độc nếu ăn côn trùng không đúng cách
Theo thống kê cả nước của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu như năm nào cũng xảy ra những ca ngộ độc thực phẩm do ăn các loại côn trùng, ấu trùng. Đầu năm nay, ba người tại Bình Phước sau khi ăn côn trùng phải đi cấp cứu, trong đó có một người tử vong. Năm 2012, 15 người ở Bình Thuận đã phải nhập viện do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm.
Ảnh: The Guardian |
Từ lâu ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, người dân đã quen với việc sử dụng côn trùng làm thức ăn. Cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây... là những món ăn ưa thích của nhiều người. Thậm chí, một số loài côn trùng còn được chế biến thành món ăn đặc sản và được bán với giá cao tại các nhà hàng như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên….
Côn trùng có hơn 1 triệu loài nên việc nhận biết những côn trùng có thể gây ngộ độc là không hề đơn giản. Việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là buồn nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Thường người già, người vừa uống rượu, phụ nữ có thai và trẻ em có biểu hiện nhiễm độc nặng hơn.
Nguyên nhân các vụ ngộ độc thường là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.
Để tránh ngộ độc khi ăn côn trùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
- Tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
- Chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
- Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn bằng cách ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột hay các tuyến ngoại tiết; loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh…
- Trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo VNexpress