Chữa bệnh khoèo chân bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti

21/08/2014 17:34

(Baonghean.vn)- Ở Nghệ An, mỗi năm, có hàng chục cháu bé sinh ra bị bệnh khoèo chân bẩm sinh. Rất nhiều phụ huynh vẫn chưa biết cách điều trị đúng đắn khiến con mình rơi vào cảnh tàn tật suốt đời.

Gần 1 tháng nay, vợ chồng chị Lê Thị Tình (22 tuổi) vô cùng lo lắng đưa cô con gái hơn 1 tháng tuổi đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám và điều trị. Từ khi mới sinh ra, đôi chân của bé gái đã không bình thường như những đứa trẻ khác, chân bị cong, vẹo, hai bàn chân bị khoèo. Kiểm tra ban đầu, các bác sĩ xác định, bé gái bị mắc chứng bệnh khoèo chân bẩm sinh, một căn bệnh hiếm gặp.

Các bác sĩ đang bó bột cho cháu bé bị bệnh khoèo chân.
Các bác sĩ đang bó bột cho cháu bé bị bệnh khoèo chân.

Bé gái được đưa vào điều trị tại Khoa Ngoại, Bệnh viện sản Nhi và được Thạc sỹ Thái Văn Bình điều trị bằng phương pháp Ponseti. Bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành nắn chỉnh, bó bột ở hai chân khoèo. Mỗi tuần 1 lần thay bột và tiến hành nắn chỉnh trong khoảng 6 - 8 tuần. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành một kỹ thuật tiểu phẫu ở gân gót rồi cho bệnh nhi đi giày nẹp đến lúc 3 tuổi. Nếu tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, các cháu bé sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tình trạng khoèo chân sẽ biến mất.

Thạc sĩ Thái Văn Bình cho biết, đây một căn bệnh bẩm sinh gây biến dạng ở xương cổ và bàn chân. Tỷ lệ mắc là 1/1000 trẻ sinh ra. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của dị tật này. Có thể dị tật bàn chân khoèo có liên quan đến yếu tố gene di truyền, dinh dưỡng trước sinh kém hoặc mạch nuôi chi kém, bệnh nhân mắc chứng cứng khớp bẩm sinh hoặc bị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như nứt đốt sống, thoát vị não....

Hai chân của một cháu bé trước và sau khi chữa trị.
Hai chân của một cháu bé trước và sau khi chữa trị.

Phương pháp Ponseti hiện đang được sử dụng rộng rãi để điều trị với tỉ lệ thành công cao. Hạn chế được phẫu thuật lớn để điều trị dị tật này. Có nhiều phương pháp chữa trị bệnh chân khoèo cho trẻ sơ sinh, một trong những phương pháp đó gọi là phương pháp Ponseti. Điều trị bằng nắn, bó bột chỉnh hình trong giai đoạn này trẻ sẽ tránh phải phẫu thuật và có cơ hội phục hồi bàn chân trở lại bình thường đến 95% nhờ xương ở bàn chân trẻ còn non mềm.Bệnh có thể được phát hiện ngay từ khi mới sinh bởi các bác sĩ, nữ hộ sinh và nhân viên y tế xã, thôn, bản. Trước đây, đa số các bệnh nhân có bàn chân khoèo không được điều trị hoặc điều trị kém, không đúng phác đồ. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng bệnh bàn chân khoèo sẽ để lại hậu quả tàn phế cho trẻ bị bệnh và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ở Nghệ An, từ nhiều năm nay, tình trạng trẻ mắc bệnh bàn chân khoèo bẩm sinh xuất hiện khá nhiều. Theo thống kê của Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ đầu năm đến nay đã có 12 cháu bé nhập viện, điều trị bệnh. Trước đó, năm 2013, bệnh viện tiếp nhận 31 cháu, năm 2012 có 33 cháu, năm 2011 có 27 cháu. Từ trước năm 2009, ở Nghệ An, bệnh bàn chân khoèo không được điều trị hoặc điều trị không theo phác đồ chuẩn. Tháng 1/2010, được sự giúp đỡ của tổ chức POF (Protheties Ontreach Foundation - Tổ chức từ thiện phi Chính phủ phi lợi nhuận của Mỹ), Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã thực hiện thành công phương pháp Ponseti trong điều trị bệnh bệnh chân khoèo bẩm sinh.

Thực tế cho thầy rằng, lâu nay, trẻ mắc bệnh khoèo chân thường xảy ra ở các khu vực nông thôn, miền núi khó khăn. Mỗi lần bó bột để điều trị theo phương pháp Ponseti mất khoảng 600 ngàn đồng. Theo phác đồ điều trị, các bé phải thực hiện từ 6 – 8 lần bó bột cùng với thủ thuật cắt gân, đeo dày nên chi phí không hề nhỏ. Tuy nhiên, đến nay, việc điều trị căn bệnh này vẫn chưa được bảo hiểm thanh toán, gây ra nhiều khó khăn cho các gia đình có người mắc bệnh.

Thạc sĩ Thái Văn Bình cho biết, dù tỷ lệ chữa khỏi bệnh hoàn toàn lên đến 90% nhờ phương pháp Ponseti nhưng rất nhiều ông bố, bà mẹ và thậm chí cả đội ngũ y tế cơ sở chưa biết đến phương pháp điều trị này. Lâu nay, các trạm y tế hoặc bệnh viện các tuyến nếu gặp trường hợp trẻ sơ sinh bị khoèo chân bẩm sinh thường có cách giải thích chung chung với người nhà kiểu như: “sau này lớn lên bệnh sẽ tự khỏi”; “về bố mẹ tự nắn chân cho thẳng”,… Trong khi đó, nhiều người dân ở các vùng quê nghèo lại cho rằng đây là căn bệnh bẩm sinh, khó chữa nên đã phó mặc bệnh tật và để lại những hậu quả đáng tiếc cho gia đình, xã hội.

“Hiệu quả chữa trị bệnh khoèo chân sẽ cao hơn đối với trẻ dưới 2 tuổi, càng lớn càng khó chữa và tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn không cao vì vậy nếu sinh con ra có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể, đặc biệt là ở chân thì các ông bố, bà mẹ cần phải đưa ngay đến Bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Ở Nghệ An, nếu các gia đình quá khó khăn, khi đến khám và điều trị bệnh khoèo chân thep phương pháp Ponseti sẽ được tổ chức POF hỗ trợ một phần kinh phí đi lại, trang bị giày sau bó bột,… ”, thạc sỹ Thái Văn Bình khuyến cáo.

Nguyên Khoa