Đối thoại chiến lược thường niên Mỹ - Ấn
(Baonghean) - Ngày 31/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kery thăm chính thức Ấn Độ để tham dự đối thoại thường niên Mỹ - Ấn lần thứ 5. Thời điểm hiện nay, mối quan hệ Mỹ - Ấn có một ý nghĩa đặc biệt đối với cả hai quốc gia cũng như đối với khu vực và thế giới. Vì trong bối cảnh Mỹ - Ấn đều có chung định hướng: Mỹ đang thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn Ấn Độ cũng khẳng định chính sách hướng Đông của mình, khiến hai nước cùng có nhu cầu tìm kiếm sự đồng thuận trong lợi ích cho cả hai bên tại khu vực và thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Sự chuyển biến rõ rệt cũng đến từ sự thay đổi chính sách của Washington đối với New Delhi. Kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947, Ấn Độ chưa bao giờ có được mối quan hệ ấm áp với Mỹ xuất phát từ việc New Delhi giữ thái độ trung lập trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc chiến Vùng Vịnh đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã khiến giá dầu thế giới lâm vào khủng hoảng khiến nền kinh tế Ấn Độ bị tác động mạnh mẽ. Ấn Độ bắt đầu mở rộng quan hệ kinh tế thương mại rộng rãi với nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ. Quan hệ Mỹ - Ấn Độ được cải thiện dần từ thời Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và được thúc đẩy mạnh kể từ khi Tổng thống Bush con lên nắm quyền và thực hiện chiến lược mở rộng hợp tác với Ấn Độ. Chính quyền của Tổng thống G.W.Bush khi đó đã ký hiệp định chấm dứt nhiều thập niên cô lập Ấn Độ do chương trình phát triển hạt nhân của quốc gia Nam Á này. Khi lên nắm quyền vào năm 2009, trong chiến lược mới được chính quyền Tổng thống Obama công bố, Ấn Độ là quốc gia được nhắc tới như một đối tác cần thiết. Tổng thống Obama đã từng tuyên bố, quan hệ Mỹ- Ấn Độ có thể trở thành “một trong những quan hệ đối tác vững chắc của thế kỷ 21”.
Đối thoại chiến lược thường niên được xem là giải pháp tăng thêm hiểu biết lẫn nhau thường diễn ra bằng hình thức 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng giữa hai nước đối tác. Đối thoại chiến lược thường niên là một xu hướng đang được các nước trên thế giới áp dụng để tăng cường sự hợp tác cũng như tạo dựng lòng tin giữa hai bên. Trải qua 4 kỳ đối thoại bắt đầu từ năm 2010, giờ đây quan hệ Mỹ - Ấn đã phát triển và đi vào ổn định, hai bên đã có lòng tin nhất định đối với nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Với cuộc đối thoại lần thứ 5 này, mối quan hệ song phương giữa Washington và New Delhi được kỳ vọng sẽ đem lại một động lực mới phát triển trong tương lai. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Washington và New Delhi kể từ khi Chính phủ mới của Thủ tướng Modi lên nắm quyền tại Ấn Độ.
Đối với Ấn Độ, không thể phủ nhận rằng, mối quan hệ với Mỹ đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan đang có sự cạnh tranh gay gắt tại Nam Á. Ấn Độ cần Mỹ để tiếp cận nguồn vốn, công nghệ đặc biệt là công nghệ hạt nhân cũng như vũ trụ và một thị trường đầu ra cho công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may hay linh kiện ô tô. Về phía Mỹ, việc đẩy mạnh quan hệ Mỹ - Ấn càng củng cố thêm lợi ích của Mỹ ở Nam Á. Ấn Độ có vị thế địa chiến lược trong quan hệ với 4 nước mà Mỹ đang quan tâm hiện nay là Afghanistan, Pakistan, Myanmar và Trung Quốc. Bằng việc hợp tác với Ấn Độ, Mỹ có thể bảo vệ các tuyến đường biển chuyên chở dầu từ Trung Đông tới các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp cận với thị trường tiêu dùng khổng lồ của Ấn Độ với 1,2 tỷ dân.
Giới chức Mỹ từng không ít lần cho rằng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ sẽ giúp Mỹ đẩy nhanh chiến lược can dự vào khu vực, giải quyết được một phần khó khăn về kinh tế ở trong nước, đồng thời giúp Mỹ kiềm chế, ngăn chặn sự cạnh tranh chiến lược của một số nước trong khu vực đối với Mỹ, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc thường đi kèm với những hành động đơn phương của nước này. Trong bối cảnh ấy, bên cạnh Nhật Bản, Ấn Độ chính là quốc gia có tiềm lực có thể làm đối trọng với Trung Quốc ở khu vực châu Á, một mắt xích quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ.
Khác với mối quan hệ với Trung Quốc, tuy có tổ chức đối thoại thường niên Mỹ - Trung nhưng hai bên vẫn còn tồn tại rất nhiều những bất đồng khó dung hòa và chưa thể có lòng tin cần thiết dành cho nhau. Dù Ấn Độ chưa chính thức trở thành “đồng minh thân cận” của Mỹ nhưng cũng có thể trở thành đối tác tin cậy bởi khả năng Ấn Độ tạo ra mối đe dọa với lợi ích cốt lõi nào của Mỹ cũng như đe dọa đến các đồng minh của Mỹ là rất nhỏ.
Quan hệ Mỹ - Ấn nồng ấm lên cũng khó tránh khỏi những hệ lụy trong cuộc đấu tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực và trên thế giới như vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, sự khác biệt về phương diện xác lập một trật tự thế giới mới sau chiến tranh lạnh, mâu thuẫn về lợi ích chiến lược trên Ấn Độ Dương, mâu thuẫn về vấn đề kinh tế và nhân quyền và ảnh hưởng của quan hệ Mỹ-Pakistan… Tuy có lúc thăng trầm song hai nước Mỹ-Ấn thời gian gần đây vẫn luôn biết cách xoa dịu những mâu thuẫn để tiến tới những cái bắt tay hữu nghị. Để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ- Ấn Độ, hai bên đã liên tục tiến hành các bước đi nhằm xây dựng niềm tin chiến lược lẫn nhau, từ đó sẽ thận trọng hơn trong các hành động để tránh ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Do đó, đối thoại chiến lược thường niên chính là “sợi dây” hiệu quả để Mỹ và Ấn Độ tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vừa có cơ hội, vừa có thách thức trong thế kỷ 21 này.
Nguyễn Cao Biền