TP. Vinh: Chậm giải quyết đề án nhà tập thể cũ

11/08/2014 09:58

(Baonghean) - Đã 7 năm, kể từ khi đề án giải quyết nhà ở tập thể cũ trên địa bàn thành phố Vinh (ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-UBND ngày 21/9/2007) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, tiến độ thực hiện đề án vẫn còn rất chậm. Đến thời điểm hiện tại, không còn nhiều thời gian để giải quyết những “điểm nóng” trên địa bàn, thế nhưng, hàng ngàn người dân vẫn đang phải sống thấp thỏm, lo âu trong những căn tập thể xuống cấp trầm trọng.

Người dân khu tập thể đường sắt Nghệ Tĩnh chỉ những vết rạn, nứt ở chân tường.
Người dân khu tập thể đường sắt Nghệ Tĩnh chỉ những vết rạn, nứt ở chân tường.

TIN LIÊN QUAN

Khu tập thể đường sắt Nghệ - Tĩnh, nay là tổ dân cư thuộc khối 5 (phường Trung Đô). 9 hộ dân là cán bộ, công, nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ - Tĩnh và con em của họ trong khu tập thể, cuộc sống lại hoàn toàn khác. Đó là không khí ô nhiễm do mùi hôi thối nồng nặc từ hệ thống mương liên khối chưa có nắp đậy, chảy lộ thiên ngay trước lối vào; đó là sự chật chội của 9 căn tập thể, mỗi căn có diện tích chưa đầy 20m2, thêm diện tích cơi nới sân sau, sân trước, được che chắn bằng các loại bạt đủ màu, tôn, tấm nhựa...

Sống tạm bợ, chật chội nhưng điều kiện kinh tế gia đình ăn bữa nay, lo bữa mai là lý do chính được 9 hộ dân đưa ra trong các cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhà tập thể cũ trên địa bàn phường Trung Đô. Trong 9 hộ dân ở đây, chỉ có 4 hộ đồng ý với chủ trương chia lô, tái định cư tại chỗ; 5 hộ còn lại không đồng ý. Gia đình anh Nguyễn Văn Quýnh (SN 1974) là một trong những gia đình như vậy. Nhiều năm về trước, anh Quýnh là công nhân sửa chữa đường ray, bị tai nạn lao động trong khi đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường sắt đi qua cầu Vinh Mỹ (Vinh Tân) khiến đôi chân anh không còn nguyên vẹn. Đoạt lại mạng sống từ tay tử thần, nhưng anh phải nghỉ mất sức với chứng nhận thương tật 41%, 700.000 đồng trợ cấp mỗi tháng chẳng thấm tháp gì so với mức chi tiêu của gia đình 4 người. Giờ đây, anh Quýnh nhúc nhắc ở nhà giúp vợ xay bột, tráng bánh mướt, và gánh hàng quà vặt mỗi sáng ở đường Phượng Hoàng. “Không phải kêu nghèo kể khổ mô, nói rứa để biết là nhà tui cũng biết chủ trương ở trên là đúng, nhưng hoàn cảnh ri thì chịu rồi. Tính nhẩm ra, giờ chia lô tái định cư tại chỗ, mỗi lô khoảng 60m2, thì mỗi hộ cũng phải lo hàng trăm triệu đồng để nộp tiền sử dụng đất, rồi dựng nhà nữa. Muốn gắng cũng không gắng được!”- anh Quýnh lo lắng.

Là địa bàn trọng điểm trong đề án giải quyết nhà ở tập thể cũ trên địa bàn thành phố, nhiều năm liên tục, UBND phường Trung Đô đã tổ chức nhiều cuộc họp dân phố, các cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ với sự có mặt của đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Vinh. Những văn bản đi và đến sau bao năm đã xếp thành từng chồng, lưu trữ trong tủ hồ sơ. Ông Nguyễn Xuân Huân - Chủ tịch UBND phường Trung Đô cho biết: “Thời gian tới, đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thì phường đã, đang và sẽ phối hợp tích cực với các phòng, ban của UBND TP. Vinh để đặt ra nhiều giải pháp cho nhân dân lựa chọn”. Một trong những giải pháp được nhiều người dân đề cập đến, đó là được giãn thời hạn đóng tiền sử dụng đất, hoặc trả bằng hình thức trả góp. Nếu chủ trương đi vào hiện thực, các hộ dân khu tập thể đường sắt Nghệ Tĩnh khẳng định sẽ hoàn toàn nhất trí với phương án mà chính quyền đặt ra.

Trên địa bàn TP. Vinh có 133 khu tập thể với 3.284 hộ, thuộc địa bàn 16 phường, xã. Các khu tập thể hầu hết được xây dựng từ trước những năm 90, chủ yếu là nhà cấp 4, cho đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và cảnh quan đô thị.

Rời khu tập thể đường sắt Nghệ - Tĩnh, chúng tôi tìm đến khu tập thể Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An trên địa bàn xã Hưng Lộc. Với tổng diện tích 4.290m2, hiện tại, khu tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An là nơi sinh sống của 70 hộ dân. Vẫn là hình ảnh những căn nhà tập thể trống trước, hụt sau, có gia đình 3, 4 thế hệ chen chúc nhau trong diện tích sàn 20m2, không có gác xép để giải quyết chỗ ăn ở, sinh hoạt, bởi kết cấu nhà đã quá cũ kỹ, không hộ nào “dám” đóng gác xép vì sợ sập! Đặc biệt, ngần ấy hộ dân với hàng trăm nhân khẩu vẫn xếp hàng mỗi sáng để sử dụng nhà vệ sinh chung. Không thể tả xiết những bất tiện, dở khóc, dở cười của dãy tập thể ngót nghét 30 năm tuổi thọ này!

Thế nhưng, người dân ở đây, dẫu hoàn cảnh khó khăn, vẫn cố gắng vay mượn, đồng thuận với chủ trương giải quyết nhà tập thể cũ của UBND thành phố. Căn cứ theo Quyết định 109/2007/QĐ- UBND ngày 21/9/2007 của UBND tỉnh Nghệ An, khu tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An được quy hoạch xây dựng nhà ở chung cư cao tầng. Mọi việc tưởng chừng đã hanh thông nếu như không có phức tạp nảy sinh, đó là khu tập thể này không nằm trên cùng một thửa đất mà bị chia cắt bởi đường Bùi Huy Bích, tách thành 2 khu riêng biệt: 1 phần nằm trên địa bàn xã Hưng Lộc với diện tích 3. 067m2, có 54 hộ dân; 1 phần nằm trên địa bàn phường Hà Huy Tập với diện tích 1.223m2 có 16 hộ sinh sống. Vì sự chia cắt này, quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng đối với khu tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An trở nên không phù hợp, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.

Thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu sự việc, thì tin vui cũng vừa đến với 54 hộ dân khu tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An trên địa bàn xã Hưng Lộc, khi UBND xã Hưng Lộc thông báo đã nhận được các văn bản xác nhận thay đổi quy hoạch khu tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An từ xây dựng chung cư cao tầng thành quy hoạch chia lô đất ở cho các hộ dân, bố trí tái định cư tại chỗ. Anh Nguyễn Đức Long - công chức địa chính UBND xã Hưng Lộc cho biết: “Với quy hoạch mới, dự kiến số lô dành cho tái định cư tại chỗ chỉ đủ giao cho 34 hộ. 20 hộ còn lại sẽ được nhận đất tái định cư tại vị trí khác trên địa bàn xã, có thể là khu quy hoạch tái định cư dệt kim Hoàng Thị Loan ở xóm Ngũ Phúc, hoặc khu quy hoạch chia lô đất ở Đồng Thông, xóm Mẫu Đơn. Chúng tôi đang khẩn trương tiến hành các thủ tục liên quan để triển khai sớm nhất, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và tiến độ giải quyết theo Đề án 109”.

Còn đối với dãy tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An trên địa bàn phường Hà Huy Tập, ngày 24/6/2014, UBND TP. Vinh đã có Công văn số 2965 gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng, kiến nghị cho chủ trương quy hoạch chia lô cho mỗi hộ với kích thước bề rộng bám đường có chiều rộng 3,2m, sâu 18,3m, diện tích 58,5 m2/lô để đảm bảo đủ số lô tái định cư tại chỗ cho 16 hộ khu tập thể. Những thay đổi trong quy hoạch này là điều đáng mừng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc 70 hộ dân ở khu tập thể Bệnh viện HNĐK Nghệ An phải tiếp tục đợi chờ một quy trình thủ tục mới. Sự chờ đợi ở đây cũng đằng đẵng như hàng ngàn người dân khác đang phải sống trong những khu tập thể xuống cấp trên địa bàn thành phố.

Được biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, tiến độ giải quyết các khu tập thể trên địa bàn thành phố vẫn còn chậm. Giai đoạn 2007 - 2013 chỉ giải quyết được 21/133 khu tập thể; năm 2014, UBND thành phố đã giao chỉ tiêu giải quyết 46 khu tập thể (35 khu tập thể trong đề án, 11 khu tập thể không có trong đề án) nhưng qua 6 tháng mới cơ bản giải quyết xong 15 khu tập thể, 5 khu tập thể dân chưa nhất trí phương án quy hoạch và GPMB, trên 10 khu tập thể đang thiếu quỹ đất tái định cư và 5 khu tập thể đang trình xin chủ trương của UBND tỉnh.

Nhận xét về tiến độ thực hiện Đề án 109, ông Phan Tất Sơn - Phó phòng TN & MT TP. Vinh cho biết: “Mỗi khu tập thể có vướng mắc riêng, nhưng nguyên nhân chung là do việc giải quyết khu tập thể liên quan đến nhiều cấp, ngành; nhiều khu tập thể không phù hợp với quy hoạch được duyệt nên phải có sự điều chỉnh lại; giấy tờ hóa giá qua thời gian không được người dân lưu trữ đầy đủ, mất thời gian xác minh; đời sống người dân khó khăn, không đủ điều kiện nhận đất và xây nhà; thị trường bất động sản đóng băng, các nhà đầu tư cũng không mặn mà... Thời gian tới, UBND TP. Vinh sẽ tích cực đẩy mạnh các biện pháp, với các khu tập thể không phù hợp quy hoạch, cần một quỹ đất tái định cư lớn thì sẽ trình xin ý kiến của UBND tỉnh để làm thế nào kịp tiến độ về đích trong năm 2015”.

Phương Chi