Về già cậy ai?

23/08/2014 16:54

(Baognhean) - Cụ trải qua 3 đời chồng và cũng từng có 2 con, nhưng những năm tháng cuối đời, cụ Nguyễn Thị Tơ phải chịu cảnh cô quạnh. Người xưa bảo: “Con gái 12 bến nước”, ví như 12 bến đời, nhưng cụ Tơ trải qua còn hơn thế nữa...

Tôi tìm về căn nhà 3 gian cấp 4 lụp xụp, nằm lọt thỏm giữa xóm 11, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) của cụ bà Nguyễn Thị Tơ vào lúc trời nhá nhem vào một ngày đầu tháng 8...

Cụ Tơ bên căn nhà cũ nát.
Cụ Tơ bên căn nhà cũ nát.

3 đời chồng, 3 lần đứt gánh!

Lúc tôi đến nơi, cụ Tơ đang lúi húi lấy gàu múc nước giếng lên để giặt đồ. Không gian nơi cụ đang sống gợi một vẻ buồn thiu, ảm đạm, bởi hai căn nhà cấp 4 thấp tè, xập xệ được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, giờ rui, mè đã mục nát, có thể đổ ập bất cứ lúc nào. Nơi ấy, chẳng có cái gì đáng giá ngoài chiếc giường gỗ ọp ẹp để cụ làm chỗ nghỉ ngơi, cùng một chiếc bàn vuông cụ dùng làm nơi để đồ ăn trầu. Thấy người lạ ghé thăm, cụ Tơ hơi ngạc nhiên và hỏi bằng chất giọng đặc sệt xứ Nghệ: “Bây ở mô đến rứa?”. – “Thưa cụ, con ở làng bên”, tôi trả lời thật to vì nghe bảo cụ bị điếc. Khi tôi ngỏ ý viết về cuộc đời của cụ, cụ Tơ phơi vội mấy chiếc quần, áo vừa vắt ráo nước rồi buột miệng với giọng đượm buồn: “Đời tau có gì mà kể bây hề. Qua 3 đời chồng, được 2 đứa con, mà giờ có còn ai nựa mô. Mấy chục năm rồi, cứ sống lủi thủi một mình ri thôi!”.

Bước thất thểu đến ngồi bên bệ cửa căn nhà bếp tường bong nham nhở, cụ chậm rãi kể về cuộc đời lắm truân chuyên và bất hạnh của mình với đôi mắt đục mờ, tóc bạc phơ cùng khuôn mặt gầy gò, nhăn nheo của cụ già đã quá cửu tuần. Vốn là con gái út trong gia đình có 5 anh em ở xã Quỳnh Hồng, lúc 16 tuổi, cụ được gia đình gả cho một chàng trai ở cùng làng. Nhưng vợ chồng cụ Tơ lúc ấy hiếm muộn, sống với nhau đến khi cụ hơn 30 thì chồng cụ chẳng may lâm bệnh qua đời, chẳng hề được một mụn con để lại. Chịu tang chồng xong xuôi, cụ Tơ lại về sống ở nhà bố mẹ đẻ. Mong mỏi được tấm chồng và những đứa con, năm 37 tuổi cụ kết duyên với người đàn ông tên Phan Thanh Nhã, ở xóm 11, xã Quỳnh Thạch, cách nhà cụ chưa đầy 5 cây số. Người chồng thứ 2 của cụ Tơ lúc ấy đang là bộ đội chống Pháp, từng tham chiến nhiều mặt trận. Dù thời gian ở bên nhau không nhiều, họ cũng có với nhau được 2 đứa con (một trai, một gái). Sống trong cảnh chiến tranh, đói khổ, lam lũ, cụ Tơ vẫn gắng gượng làm lụng để nuôi các con khôn lớn. Những tưởng cuộc sống như vậy an ủi cụ được phần nào, thì chỉ trong vòng 4 năm, cụ Tơ đã phải mang trên mình 3 chiếc khăn tang của người chồng và hai đứa con. Họ cũng lần lượt mắc trọng bệnh rồi qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, cụ Tơ lúc ấy như ngã quỵ, suốt ngày chỉ biết khóc thương chồng, nhớ con. Rồi cụ đổ bệnh, nằm suốt mấy tháng trời. Người ta mất chồng còn có con cái để hy vọng, còn con cái để lo toan. Với cụ Tơ lúc ấy, cuộc sống chỉ còn là một màu tăm tối.

Từ ngày người chồng cùng 2 con bỏ cụ mà đi, cụ Tơ chỉ biết sống những tháng ngày quạnh quẽ. Ngày ngày, cụ chỉ biết cần mẫn làm việc để vơi đi nỗi nhớ chồng, nhớ con, nhưng đêm về, ngồi bên ngọn đèn dầu leo lắt, trong không gian tĩnh mịch, đối diện với bóng mình, cụ lại khóc.

Đến năm 1952, hơn 6 năm kể từ ngày người chồng thứ 2 và 2 đứa con qua đời, cụ Tơ quyết định tái giá. Người mà cụ gắn bó lúc ấy tên là Nguyễn Xuân Phức, ở xóm 11, xã Quỳnh Hoa. Ông cũng là bộ đội chống Pháp, vợ mất sớm, có người con trai duy nhất là Nguyễn Văn Diên. Từ ngày lấy người chồng thứ 3, cụ Tơ xem con trai chồng như con đẻ, hết lòng chăm bẵm, yêu thương. Nhưng thêm một lần nữa, cuộc hôn nhân của cụ Tơ lại dang dở. Lấy nhau về mới được 3 năm, người chồng thứ 3 của cụ xuất ngũ, chưa được bao lâu thì qua đời vì căn bệnh sốt rét. Thêm một lần chịu tang chồng, cụ Tơ không còn nước mắt để khóc. Có lẽ với cụ, duyên tình trắc trở, ông trời không thương để cụ có được một bờ vai trọn vẹn như bao người đàn bà khác. Sau ngày chồng mất đi, cụ Tơ ở với người con riêng của chồng và luôn vun vén, lo lắng cho cuộc sống, hạnh phúc của con. Tuy vậy, năm 1969, người con riêng của chồng vì điều kiện khó khăn đã đi vùng kinh tế mới ở xã Quỳnh Thắng lập nghiệp, từ đó, cụ sống một mình đến giờ!

Gần nửa thế kỷ trong cô quạnh

Sống một mình, khi còn khỏe, cụ Tơ thường lên rừng đốn củi. Lúc người ta lại thấy cụ đi bắt ốc, mò cua, bán lấy tiền sống qua ngày, lúc người ta lại thấy cụ làm thuê, làm mướn. 5 năm trở lại đây, sức khỏe yếu và không thể làm được những việc nặng, cứ đến mùa gặt, cụ lại dùng cái chổi tre và chiếc bì đi khắp đường làng, ngõ xóm quét lúa vương vãi về đem ra kênh đãi sạch cát, đá rồi phơi khô khén cất ăn dần.

Đã sang tuổi 94, cụ Tơ vẫn cuốc vườn trồng ngô. Cụ thường dùng chiếc cuốc nhỏ để cuốc xới cỏ vườn, vun từng gốc ngô xanh tốt. Hàng tháng, cụ được 270 nghìn đồng tiền trợ cấp cho người già neo đơn và được nhà nước miễn tiền dùng điện. Nhưng sống một mình, nhiều lúc cụ cũng gặp không ít những tình huống oái ăm. Cách đây không lâu, cụ đang làm vườn thì khát nước, hoa mắt nên vớ nhầm chai dầu hỏa tu liền một hơi. Cũng may hàng xóm biết chuyện liền gọi người đưa đi viện rửa ruột kịp thời. Thương cụ Tơ lủi thủi một mình, người làng, anh em xa của cụ thi thoảng biếu cụ đồng quà, tấm bánh. Khi đang kéo đường điện 500 KV chạy qua xã Quỳnh Hoa, anh em công ty điện lực biết cảnh ngộ éo le của cụ Tơ cũng tìm đến nhà biếu cụ 500 nghìn đồng. Bao năm qua, cụ Tơ chỉ có con mèo mướp làm “bầu bạn” khi đêm về. Cụ ăn uống tằn tiện, kham khổ. Hàng ngày, cụ chỉ nấu một lần cơm rồi ăn cả ngày.

Cuộc sống, cụ Tơ vẫn cứ lặng lẽ trôi qua trong hiu quạnh. Dẫu đã bao lần, người con riêng của chồng về thăm và mời cụ lên ở cùng với con, cháu, cụ một mực từ chối, vì không muốn rời xa mảnh đất này.

Bài, ảnh: Duy Ngợi