Cắt giảm 1.170 tỷ đồng sau thẩm tra thiết kế xây dựng
Sáng 14/8, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Xây dựng về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo của 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện thẩm tra 2.513 công trình.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% số hồ sơ được thẩm tra.
Tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 20.791 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 1.170 tỷ đồng (tương đương 5,63%). Trong khi đó, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra trong năm 2013 là hơn 2.840 tỷ đồng (tương đương khoảng 9,2%).
Trước đây, việc thẩm tra thiết kế xây dựng chủ yếu do chủ đầu tư thuê các cơ quan tư vấn thực hiện, sau đó chủ đầu tư tự thẩm định và phê duyệt, không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nên chất lượng thiết kế, dự toán còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, quá trình đấu thầu còn bất cập, có hiện tượng thông thầu hoặc thỏa thuận giữa Chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu để nâng giá gói thầu dẫn đến thất thoát, lãng phí, làm giảm chất lượng công trình và giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 13/2013/TT-BXD hướng dẫn công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình. Đây là văn bản pháp lý thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong khâu tiền kiểm nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng đối với công trình sử dụng mọi nguồn vốn; trong đó đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải đảm bảo tiết kiệm.
Đây là bước đột phá của quản lý Nhà nước trong việc chống thất thoát, chống lãng phí, tăng cường chất lượng công trình xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng công trình có vốn Nhà nước và công trình có quy mô lớn ở bước tiền kiểm.
Theo Bộ Xây dựng, quy định về tăng cường vai trò thẩm tra thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng đã bước đầu chấn chỉnh và nâng cao chất lượng các sản phẩm thiết kế, tiết kiệm chi phí cho ngân sách.
Kết quả thẩm tra đã tiết giảm được nhiều chi phí, cắt giảm những khối lượng bất hợp lý; đồng thời cũng bổ sung chỉnh sửa được khối lượng lập còn thiếu, định mức, đơn giá chưa phù hợp. Đặc biệt, trong quá trình thẩm tra cũng đã phát hiện được nhiều sai sót trong thiết kế, sai sót trong việc áp dụng tiêu chuẩn, lựa chọn giải pháp kết cấu, sai sót trong tính toán kết cấu, trong thiết kế biện pháp thi công… Việc phát hiện sớm các sai sót này cũng giúp tránh được nhiều rủi ro và hậu quả xấu.
Bởi vậy, việc thẩm tra thiết kế xây dựng không chỉ được dư luận xã hội đồng thuận mà ngay cả các tổ chức tư vấn xây dựng cũng có trách nhiệm hơn với sản phẩm thiết kế. Đồng thời, các tổ chức tư vấn yếu kém cũng phải có hướng sắp xếp kiện toàn năng lực để đi vào nền nếp.
Theo Vietnam+