Phát huy ý chí người nông dân mới

24/11/2014 06:46

(Baonghean) - Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” ở tỉnh ta đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ ở khắp miền ngược và miền xuôi tỉnh nhà với sự tham gia của đông đảo hội viên Hội Nông dân. Chính sự năng động vươn lên trong làm ăn của các hội viên nông dân điển hình đã góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho một địa phương nông nghiệp như tỉnh ta…

Những điển hình vươn lên

Ông Nguyễn Hữu Bình (phải) ở xã Đồng Thành (Yên Thành) giới thiệu vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Hữu Bình (phải) ở xã Đồng Thành (Yên Thành) giới thiệu vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giáo dân Nguyễn Hữu Bình được người dân huyện Yên Thành biết đến là “cha đẻ’ của một “nhãn hiệu” cam mới nổi – “cam ông Bình”. Dù mới xuất hiện trên thị trường vài năm nay, nhưng sản phẩm cam luôn cháy hàng và phần đa sản phẩm được xuất bán cho thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Cam sau khi hái tại trang trại được đóng gói với nhãn mác “trại cam Ông Bình” cùng địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Dù đang là thời kỳ thu hoạch rộ, những vựa cam khác phải loay hoay tìm đầu ra, bị tư thương ép giá thì cam ông Bình vẫn giữ giá 40 nghìn đồng/kg bán tại trại, thu hái bao nhiêu được thương lái đặt hàng hết bấy nhiêu và hoàn toàn không có chuyện ép giá.

Chính vì “khẩu khí” đó của ông Bình, chúng tôi mới tìm hiểu về cái chí, cái khát vọng làm giàu nơi ông. Ông Bình quê gốc ở Đô Lương, từng bôn ba với cây cam ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Khi nhận thấy vùng đất lèn xã Đồng Thành có thể trồng cam được, ông mạnh dạn mua đất, lập trại trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Mấy năm đầu, cam cho chất lượng tốt nhưng bán rất khó khăn, ông Bình mạnh dạn ra Hà Nội, nhờ người quen tổ chức hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm cam của mình. Kể từ sau hội nghị đó, thương lái ở các chợ đầu mối Hà Nội bắt đầu biết và tin tưởng vào thương hiệu cam mới. Năm 2013, lão nông này thu về 12 tỷ đồng tiền cam. Dự kiến, năm 2014, con số ấy là 14 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Bình còn giúp đỡ người dân Đồng Thành trồng cam, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống. Đến nay, xã Đồng Thành đã có 50 ha cam và đang dần hình thành một vùng chuyên canh cam theo tiêu chuẩn mới…

Anh Trần Đình Ánh (Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai) kiểm tra chất lượng con tàu 1.000 CV sắp xuất xưởng.
Anh Trần Đình Ánh (Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai) kiểm tra chất lượng con tàu 1.000 CV sắp xuất xưởng.

Ở phường Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), anh Trần Đình Ánh là một ngư dân dạn dày. Từ 16 tuổi đã theo cha ra biển, từng làm thuyền trưởng vượt qua những trận bão gió ở Vịnh Bắc bộ và từng ước mơ cháy bỏng một lần đến Hoàng Sa, Trường Sa - nơi được xem là vựa cá của Biển Đông, nhưng vì tàu mình quá nhỏ nên đành chịu. Từ giấc mơ chưa thành đó, năm 2009, anh Ánh quyết định bỏ nghề đi biển, vay tiền thuê thợ mở xưởng đóng tàu với tham vọng đây sẽ là nơi xuất xưởng của những con tàu trên dưới 1000 CV, đủ sức vươn ra các ngư trường rộng lớn. Những năm đầu mới thành lập, vì thiếu thợ giỏi, thiếu vốn và thiếu cả kinh nghiệm, nên xưởng đóng tàu của anh gặp nhiều khó khăn.

Không chịu chùn bước, anh Ánh lặn lội vào tận làng đóng tàu thuyền Trung Kiên để học hỏi kinh nghiệm, thuê thợ giỏi về làm việc. Đến năm 2010, những con tàu lớn đầu tiên xuất xưởng, uy tín của xưởng tàu cũng dần được nâng lên, nhiều ngư dân vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Thanh Hóa mang tàu cũ vào xưởng anh để cải hoán, thuê đóng tàu mới. Tháng 8 vừa qua, xưởng của anh hạ thủy tàu công suất 1.020 CV, được xem là con tàu vỏ gỗ lớn nhất tỉnh. Dự kiến, cuối tháng 11 này, xưởng sẽ tiếp tục hạ thủy con tàu gần 1.000 CV và hoàn thành việc sửa chữa, cải hoán cho nhiều tàu khác. Từ trước đến nay, mỗi năm, xưởng đóng tàu của anh Ánh hạ thủy khoảng 6 con tàu đóng mới và sửa chữa nhiều con tàu khác, tổng doanh thu ước đạt 30 – 40 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động. Đặc biệt, đầu tháng 11 vừa qua, anh là đại biểu duy nhất của tỉnh được tuyên dương tại lễ vinh danh hội viên nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu toàn quốc.

Đáng mừng là hiện nay Nghệ An đang có hơn 98 nghìn nông dân, ngư dân đang thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu, thi đua sản xuất hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Tại huyện Tương Dương, phong trào này đang trở thành điểm tựa tinh thần và là động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số phấn đấu. Hiện nay, toàn huyện có 249 hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, lập trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Tất cả 249 hộ đều đã thoát nghèo bền vững, trong đó có rất nhiều hộ khá và giàu.

Có thể kể đến hộ chị Lô Thị Lý ở bản Tam Bông (xã Tam Quang) với mô hình trang trại và trồng rừng, trong đó nuôi 200 con lợn thịt, 14 con bò, 10 con dê, tổng lợi nhuận hàng năm đạt 320 triệu đồng; trang trại ông Vi Đức Tuấn với mô hình chăn nuôi lợn, dê, bồ câu kết hợp khoanh nuôi, bảo vệ rừng,… Ngược lên huyện biên giới Kỳ Sơn, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú vùng biên cũng đang thi đua sản xuất, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhiều hộ đang sở hữu khối tài sản lên đến hàng tỷ đồng như ông Già Giống Chùa (xã Nậm Cắn) với trang trại chăn nuôi 91 con bò, Xồng Chồng Tủa (xã Mường Ải) với gia trại chăn nuôi 100 con bò, Hoa Phò Ngoan (xã Mường Típ) chăn nuôi 40 con trâu, bò, 200 con gia cầm,…

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh có 232 hộ nông dân được xếp vào hàng triệu phú với mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, có 2.815 hộ nông dân đạt mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Sức lan toả mạnh mẽ

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hội viên. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, phong trào đã thực sự trở thành động lực để những nông dân lao động phấn đấu, vươn lên làm chủ nền sản xuất mới. Phong trào cũng tạo nên hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi hội viên. Nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút được hàng trăm lao động. Từ phong trào này còn góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng như ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Hiện cả tỉnh đã xây dựng được 28 mô hình mẫu lớn gồm 16 cánh đồng trồng lúa, 6 cánh đồng trồng ngô, 4 cánh đồng trồng lạc,…

Phong trào cũng đã trở thành động lực để nhiều nông dân không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng sẵn có về đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 420 trang trại gồm 29 trang trại trồng trọt, 155 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện, cả tỉnh có 2.851 tổ hợp tác với hơn 30.000 thành viên tham gia, có 396 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp… Trong Hội nghị nông dân thi đua sản xuất giỏi toàn tỉnh vừa qua, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 121 nông dân tiêu biểu nhất đến từ các huyện, thành, thị trong tỉnh, chính là sự ghi nhận, là niềm tin vào người nông dân thời đại mới, những người dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và đang biến đồng đất, thửa ruộng của gia đình mình thành những cánh đồng mẫu lớn hay những đại điền, trang trại trù phú.

Điều cần ghi nhận nữa là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát huy hiệu quả cho nhiều hội viên vươn lên làm giàu chính đáng một cách đáng khâm phục. Đồng thời, cũng được các hội viên nông dân ý thức tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa