Những chuyến đi

22/06/2014 15:53

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An, công việc bám thực tế đời sống đang cuộn chảy ở bên ngoài tòa soạn bao giờ cũng cấp thiết, có vai trò quyết định tới chất lượng, sức thuyết phục của những tác phẩm báo chí. Biết chấp nhận thiếu thốn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy để sớm trưởng thành với nghề, cũng là tâm nguyện của họ. Mấy mẩu hồi ức chân thực sau đây giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm đôi điều phía sau những bài báo...

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An, công việc bám thực tế đời sống đang cuộn chảy ở bên ngoài tòa soạn bao giờ cũng cấp thiết, có vai trò quyết định tới chất lượng, sức thuyết phục của những tác phẩm báo chí. Biết chấp nhận thiếu thốn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy để sớm trưởng thành với nghề, cũng là tâm nguyện của họ. Mấy mẩu hồi ức chân thực sau đây giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm đôi điều phía sau những bài báo...

1. Đi…

Là phóng viên, nhớ nhất những chuyến đi. “Đi” của nghề báo rất khác với thú “xê dịch” của giới sáng tác văn chương nghệ thuật. Nghĩa là, phần nào đó người viết báo luôn phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Thế nên, sau những háo hức “đi” của thời gian đầu gia nhập nghề báo, là bắt đầu chịu áp lực của sự “đi” do đòi hỏi của nhiệm vụ “bám ngành”, “bám địa bàn”. Nhiều phóng viên đã thường chọn những chuyến đi dài về nơi mà mình ấp ủ những khám phá, tìm hiểu đất và người ở đó. Như vậy, cũng là một cách làm mới mình, hâm nóng lại nhiệt huyết, tình yêu nghề.

P.V Báo Nghệ An cùng chiến sỹ BĐBP Cửa khẩu Nậm Cắn chăm sóc vườn ớt tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: An Ngọc
P.V Báo Nghệ An cùng chiến sỹ BĐBP Cửa khẩu Nậm Cắn chăm sóc vườn ớt tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: An Ngọc

Tôi có chuyến đi dài đầu tiên với tư cách phóng viên là vào năm 2001. Chuyến đi ấy, Toà soạn coi như là một thử nghiệm khả năng viết lách của tôi, nếu không đạt sẽ tiếp tục rút về làm mo-rat. Cũng “xách ba lô lên và đi” đấy, nhưng hoang mang tợn. Địa bàn là rẻo cao Kỳ Sơn, đề tài thì cứ đi rồi tự phát hiện lấy mà viết. Dù áp lực bài vở không có, đi không viết được gì thì lại quay về mo-rat, nhưng cứ nghĩ đến sự giới thiệu gửi gắm của cơ quan qua thư tay với lãnh đạo huyện, lại lo đến không ngủ được… Chuyến đi đó tôi đã vào Mường Lống, Tây Sơn, lên Nậm Cắn đến với đồng bào Mông, Khơ mú. Thấy đồng bào hồ hởi với cây gì, con gì là mình lao vào viết cái đó. Nghe lãnh đạo địa phương giới thiệu ai làm ăn giỏi là tìm đến nhà, xin nghỉ lại, tâm tư chuyện trò rồi nghe gì thì ghi lại như thế.

Để có được bài viết đầu tiên về cây mận Tam hoa Mường Lống khoảng 1.200 chữ, tôi đã mất hơn 2 ngày, viết đi viết lại đến mấy lần (viết tay). Thoạt đầu, lần theo ghi chép, tôi viết tả cây mận ra hoa trong vườn đồng bào Mông đem lại màu no ấm và tô đẹp phong cảnh bình yên nơi biên cương. Thấy không ổn, viết lại tôi nói về cách làm giống, chuyển giao và tiếp thu kỹ thuật, cách chăm sóc để bây giờ cây mận ra hoa sai quả như thế. Vẫn không ổn. Tôi bèn nghĩ về lời tâm sự của một ông phó bản về chuyện cây mận Tam hoa bí đầu ra, quả đến mùa thu hoạch rụng đầy vườn, nghĩ đến một ông trưởng bản khác không biết chữ mặc chiếc áo đại cán đứt khuy buộc lại bằng dây rừng mà vẫn phải nói về “cái hay” của cây mận Tam hoa vì có mặt “nhà báo”; rồi tôi không chỉ nhớ về cây mận Mường Lống mà nhớ cả “tâm sự” của cây mận ở Tây Sơn, nhớ lời một đồng chí lãnh đạo huyện dự báo nếu không có nhà máy chế biến tại chỗ thì cây mận Tam hoa Kỳ Sơn nguy cơ thất bại… Nhớ thế nào viết lại như thế. Bài báo được lãnh đạo đánh giá “đạt”. Phần tư liệu tả cái đẹp đẽ, mộng mơ tách ra viết thêm được hai bài nữa, kiểu như đời sống mới của đồng bào Mông khi lấy sắc hoa mận thay cho sắc hoa anh túc ở Mường Lống; hay quyết tâm chống di dịch cư tự do xây dựng đời sống mới xanh tươi bản làng dưới màu mây trắng vấn vít trên đỉnh Pù Nhiền ở Tây Sơn… Thế là chuyến đi ấy tôi cho “ra” được 3 bài và được tiếp tục đi viết. Thở phào, đi đâu cũng khoe mình là… phóng viên nhà báo!

Ấy nhưng rồi mãi một thời gian sau đó tôi cũng chỉ là anh phóng viên viết phản ánh làng nhàng. Nên liên tục sau đó nhiều lần tôi được rút về phòng Thư ký làm mo-rat hoặc biên tập, vừa làm vừa đọc để học hỏi bài viết của các đồng nghiệp có kinh nghiệm. Trong những quãng đó, tôi cũng đã tranh thủ được nhiều chuyến đi dài, có nhiều bài viết mang hơi thở phóng sự, ký báo chí gọi là “đọc được” (là theo đồng nghiệp nói thế); như: “Tự sự phố và rừng” năm 2010, “Một chuyến đi vây” năm 2012… Mặc dù, cả loạt bài viết đó của tôi nếu theo yêu cầu nhiệm vụ của Toà soạn, thì có thể chưa đạt, chưa sát và nếu có tham gia giải báo chí thì cũng không được đánh giá cao; nhưng chính ở những chuyến đi dài đó, tôi cố gắng thâu lượm, tích lũy những chi tiết cuộc sống, đi sâu vào “tâm lý khách quan, trung thực” của cuộc sống mà mình quan niệm đó là đòi hỏi cốt yếu của trong phản ánh của mỗi bài báo.

Là phóng viên phải luôn coi những chuyến đi dài là một cách làm mới mình, hâm nóng lại nhiệt huyết, tình yêu nghề, tiếp tục góp phần nhỏ bé vào “màu cờ sắc áo” của tờ báo…

2. CHEO LEO ĐƯỜNG TÁC NGHIỆP

Phóng viên Đình Sâm phỏng vấn Nghệ nhân dân gian Vi Văn Thơ  ở bản Quệ, xã Châu Đình, Quỳ Hợp.
Phóng viên Đình Sâm phỏng vấn Nghệ nhân dân gian Vi Văn Thơ ở bản Quệ, xã Châu Đình, Quỳ Hợp.

Thực tình, cùng với sự thuận lợi, việc đi tác nghiệp địa bàn miền núi bằng xe máy cũng có lúc đối mặt với rủi ro, nguy hiểm. Nói giao thông đã thuận tiện hơn nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn chỉ là những lối mòn chênh vênh sườn núi, những tuyến đường thi công dang dở thường bị sạt lở, cuốn trôi khi mưa lũ tràn về. Chưa kể khi gặp phải thời tiết sương mù hay mưa dầm, tầm nhìn bị hạn chế, bánh xe quay tít dưới bùn. Sau đây là những tình huống “dở khóc, dở cười” trên đường tác nghiệp…

Một lần, tôi lên địa bàn xã Nhôn Mai, 1 trong 3 xã thuộc vùng lòng hồ Bản Vẽ của huyện Tương Dương để tìm hiểu công tác dạy học ở vùng đất còn lắm khó khăn này. Vì chưa có đường bộ nên phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Nhôn Mai là thuyền và đôi chân lội suối trèo đèo. Buổi chiều hôm ấy, tôi được một thầy giáo chở từ trung tâm xã (bản Nhôn Mai) vào bản Na Hỷ, nơi đứng chân của điểm trường chính Trường Tiểu học Nhôn Mai. Đoạn đường khoảng 7 km, đang thi công dang dở nên nhiều chỗ gập ghềnh, bề bộn. Đến đoạn phải qua vách núi đá, lối đi rất hẹp, có lẽ chưa đầy 50 cm, tôi cảm nhận được chiếc bánh sau trầy xuống mép ta-luy âm... Tim như ngừng đập, mắt nhắm nghiền không dám nhìn xuống vực sâu, rồi cảm nhận anh bạn giáo viên ra sức nhấn ga vượt lên. Cuối cùng rồi cũng qua được đoạn đường cheo leo hiểm trở. Xong việc trở ra thì trời đã tối, phải bật đèn pha mới nhìn thấy đường đi. Đến đoạn vách núi lúc chiều, anh bạn đề nghị cứ ngồi yên vị trên xe để phóng qua. Tôi nhất quyết xuống xe đi bộ và khuyên anh xuống dắt xe cho an toàn. Nhưng anh vẫn quyết định một mình phóng qua, vì đã thuộc đường. Bỗng dưng nghe một tiếng “soạng” khô khốc, nhìn lại thấy chiếc xe cùng lớp đất đá mới được san ủi đang trôi dần xuống vực sâu. Còn người bạn đồng hành đã nhanh chân nhảy ra khỏi xe và bám được chiếc cọc đóng bên mép đường. Rất may anh chỉ bị xây xát nhẹ ở tay và chân. Hai chúng tôi đành cuốc bộ về trung tâm xã, sáng mai nhờ dân bản vào khiêng xe lên. Mỗi khi nhớ lại tình huống này, tôi thấy ớn lạnh!

Mới đây, tôi có chuyến vào bản Huồi Hốc, xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) tìm hiểu tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động. Chủ tịch xã Moong Phò Khánh cử Moong Văn Quang, cán bộ văn hóa dẫn tôi vào bản. Đường vào Huồi Hốc chưa thể gọi con đường đúng nghĩa, thực chất là lối mòn chạy vắt vẻo từ sườn núi này qua sườn núi khác với vô số những con dốc cheo leo. Có những đoạn gần như phải nín thở... Đoạn đường khoảng 10 km, phải chạy xe gần 2 giờ đồng hồ. Trước khi vào Huồi Hốc, một người bạn đã dặn: “Kỳ Sơn mùa này thường hay mưa giông vào buổi chiều, mưa một cách bất ngờ, anh phải thu xếp ra sớm, kẻo mắc mưa dọc đường thì nguy hiểm...”. Nhớ lời bạn, tôi lập tức soạn sửa lên đường trở ra, dù trời vẫn nắng chang chang, không một gợn mây. Nhưng mới đi được khoảng 3 km, chợt mây khắp nơi kéo về ùn ùn, trời bỗng dưng tối sầm, gió bắt đầu quật ào ào. Tôi quyết định tiếp tục chạy, được đoạn nào hay đoạn ấy. Chạy thêm được khoảng 2 km thì không thể chạy tiếp được nữa, vì gió đã giật rất mạnh, nguy cơ cuốn cả người và xe xuống vực. Lúc này, tôi lo mấy thứ đồ nghề (máy ảnh, ghi âm, điện thoại, sổ sách) bị hỏng nên cho vào một túi bóng lớn, buộc kín rồi buộc chặt vào một thân cây ven đường. Xong việc cũng là lúc trời đổ mưa, mưa xối xả, mưa quất vào mặt tê rát, con đường thành suối chảy. Chừng 30 phút, mưa bắt đầu ngớt, mây tan và trời sáng dần. Tháo đồ nghề để kiểm tra, rất may tất cả đều khô ráo. Tiếp tục hành trình ngược ra trung tâm xã, con đường sau mưa khó đi hơn rất nhiều. Từ lưng chừng núi, thấp thoáng nhìn thấy bản Nam Tiến 11, tôi thở phào, vậy là sắp đến đích...

Đình Sâm - Công Kiên