Kỳ thi Quốc gia 2015: Đổi mới của ngành giáo dục
(Baonghean) - Kỳ thi “2 trong 1” theo Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới công bố đang nhận được sự quan tâm của dư luận và của tất cả các trường học cả về “ưu điểm” và những “hạn chế”...
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) trao đổi về phương án kỳ thi quốc gia Bộ Giáo dục - Đào tạo mới công bố. |
Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức được công bố thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với các em học sinh của lớp 12 A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Vì thế, dù là giờ ra chơi nhưng không mấy ai ồn ào như trước đây mà thay vào đó các em chăm chú vào nội dung về kỳ thi mới mà các bạn mới tải từ mạng về. Cảm giác chung là sự lo lắng, bởi lẽ, các em chưa lường trước được cách thức thi, cách thức tuyển sinh của các trường như thế nào. Bên cạnh đó, theo phương thức mới này sẽ có nhiều cái “khác” so với các kỳ thi trước, đó là năm học này thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi diễn ra kỳ thi mà sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu của các trường, các ngành đào tạo (công bố trên website của các trường) và điểm thi của mình để đăng ký dự tuyển vào ĐH, CĐ phù hợp. Thứ hai, lâu nay học sinh lớp 12 A1 vẫn đa phần là học theo khối A thi 3 môn Toán, Lý, Hóa. Nhiều em cũng đã dự kiến các trường đại học mình sẽ thi trong năm nay. Tuy nhiên, với phương thức mới này, chắc chắn các trường đại học mỗi trường sẽ có phương án thi riêng. Vậy, việc thi tuyển của các trường sẽ như thế nào, vẫn xét điểm các môn theo các khối A, B, C như trước đây hay sẽ cộng thêm các môn thi khác...?
Đang dự định thi vào Trường Đại học Quốc gia và năm lớp 11 đã giành giải Nhất môn Hóa học ở kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh nhưng em Nguyễn Huy Hoàng vẫn nói rằng: Em thấy hơi bất ngờ với phương án mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, bởi ngay từ năm học lớp 10 chúng em đã xác định sẽ tập trung vào khối A để thi đại học. Giờ theo phương án mới, chúng em không có nhiều thời gian để ôn luyện kỹ càng, nhất là ở hai môn Văn và tiếng Anh. Em cũng thấy đây là phương án tối ưu, có nhiều cái lợi cho học sinh nhưng sau hai, ba năm nữa mới áp dụng thì sẽ ưu việt hơn, bởi khi đó học sinh đã có quá trình chuẩn bị từ khi bắt đầu vào lớp 10.
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành tại Quyết định 3538/QĐ - BGDĐT, có 8 điểm mới trong kỳ thi quốc gia năm 2015. Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, thay vì tổ chức hai kỳ thi (kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học) để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây mà sẽ kết hợp tổ chức trong một kỳ thi (được gọi là kỳ thi quốc gia) và kết quả sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong đề án tuyển sinh của trường. Ngoài ra, công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Để thực hiện theo phương án này, trước ngày 1/1 hàng năm, các trường ĐH, CĐ phải công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi diễn ra kỳ thi mà sẽ đăng ký sau khi có kết quả thi. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.
Theo dõi cả quá trình lấy ý kiến, thảo luận ở trường, ở Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt nhiều tháng qua, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nói rằng: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn phương án 1 trong 3 phương án đưa ra lấy ý kiến là điều mà tôi và các thầy, cô giáo trong trường đã lường được trước và cho rằng đây là phương án khả thi nhất trong thời điểm lúc này và điều đó sẽ tránh bị xáo trộn trong việc dạy và học và trong việc chấm thi (theo như hình thức thi “tích hợp” 11, 12 môn của phương án 2, 3). Ông cũng cho rằng, vì đây là phương án mới nên về phía dư luận và học sinh rất lo. Nhưng trên thực tế lại thuận lợi cho học sinh. Lý do, trước đây học sinh liên tục trong 2 tháng (6 và 7) phải tham gia hai kỳ thi, hết sức căng thẳng. Nay chỉ thi một kỳ, các em sẽ bớt gánh nặng rất nhiều. Vì hiện dù thi khối A, B, C... thì mỗi một em chỉ phải thi tối thiểu 5 môn, thay vì phải thi 7, 8 môn như trước đây. Điều duy nhất mà nhà trường cũng như học sinh băn khoăn nhất bây giờ đó là cách thức tuyển sinh của các trường đại học, bởi theo như Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải đến tháng 1 các trường đại học mới công bố phương án tuyển sinh. Nếu các môn đầu vào vẫn đơn thuần như trước đây thì không khó khăn gì, nhưng nếu khác mà thông báo muộn thì học sinh sẽ “bị động”. Hơn nữa, chúng tôi cũng lo lắng về công tác tổ chức thi, liệu có công bằng, khách quan hay không khi mà có địa phương làm nghiêm túc, địa phương không. Vì vậy, rất cần Bộ GD - ĐT phải giám sát chặt chẽ.
Năm học này, Trường THPT Anh Sơn 1 có gần 550 học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi quốc gia đầu tiên theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy giáo Nguyễn Cảnh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, phương án “2 trong 1” có nhiều ưu điểm và có nhiều cái lợi cho học sinh. Đó là đảm bảo được tính trọng tâm của kỳ thi, những môn bắt buộc thi đòi hỏi học sinh phải học nghiêm túc để lĩnh hội được mọi kiến thức và sau này sẽ có ích để các em vận dụng được trong cuộc sống. Việc vẫn tiếp tục môn tự chọn sẽ thuận lợi cho học sinh, chắc chắn học sinh sẽ chọn cho mình môn phù hợp năng lực của mình. Thứ 3, đây cũng là cơ hội để phối hợp ôn thi tốt nghiệp và ôn thi đại học.
Tuy nhiên, với đặc thù của trường miền núi, kỳ thi này cũng sẽ gây ra nhiều “xáo trộn”. Cụ thể, hiện đầu vào của các trường miền núi rất thấp, ngay như ở Trường THPT Anh Sơn 1 (một trong những trường thuộc khu vực khó khăn có đầu vào tốt nhất) thì điểm đầu vào nếu tính trung bình cũng chỉ 3 điểm/môn. Nay, kết hợp kỳ thi chung, chắc chắn đề thi sẽ khó hơn, sự phân hóa cao, cấu trúc, thời gian làm bài thi cũng tăng so với trước đây và học sinh sẽ “chặt chẽ” hơn trong quá trình làm bài, tính cạnh tranh sẽ tăng lên. Thế nên, dự đoán kết quả tốt nghiệp thấp ở các trường miền núi là điều sẽ được báo trước. Hơn nữa, với môn thi bắt buộc là tiếng Anh, hiện số giáo viên cấp III đạt chuẩn (có chứng chỉ C1) ở các trường THPT trên địa bàn Nghệ An chỉ khoảng 70% (như Trường PTTH Anh Sơn 1 có 11 giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ mới có 3 giáo viên có bằng B2 - ngang với chuẩn giáo viên bậc THCS) nên chất lượng tiếng Anh của học sinh ở các trường sẽ không cao. Do đó, học sinh sẽ gặp khó khăn ở môn thi này. Ngoài ra, năm học tới, việc tổ chức kỳ thi quốc gia sẽ thi theo cụm, theo vùng. Học sinh miền núi, đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, việc di chuyển xa, khó khăn trong đi lại, ăn ở sẽ làm nhiều học sinh “nản”. Vì vậy, tình trạng học sinh bỏ thi tốt nghiệp THPT có thể cao hơn các năm trước. Còn theo Nhà giáo Ưu tú Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thì: Điều quan trọng nhất của một kỳ thi quốc gia đó là tính nghiêm túc và trung thực. Nếu như từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các địa phương đồng lòng muốn làm “thật” thì đây thực sự là một kỳ thi có nhiều ưu việt. Việc thực hiện thi chung để lấy kết quả thi đại học sẽ khiến cho kỳ thi được tổ chức nghiêm túc hơn. Chính học sinh cũng sẽ xác định đây là một cuộc cạnh tranh cho đầu vào ở các trường đại học, chắc chắn sẽ không có tình trạng trao đổi, cho xem bài, thiếu nghiêm túc như ở một số hội đồng thi trước đây.
Trong đợt lấy ý kiến để tổng hợp góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghệ An có 99,28% số đơn vị thống nhất ý kiến về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo phương án 1 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Điều đó cũng đã khẳng định, đây là phương án tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay và cho thấy sự đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thi cử theo như quan điểm của Nghị quyết số 29 về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà trường. Lường trước thay đổi này, nên ngay từ đầu năm học mới nhiều trường cũng đã chủ trương xây dựng kế hoạch cho việc dạy, học, và thi theo hình thức mới. Do đó, theo Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng “việc tổ chức dạy học của trường không bị xáo trộn nhiều”. Thậm chí, nhà trường vẫn định hướng xếp lớp cho học sinh lớp 10 mới vào theo các khối A, B, C, bởi xác định việc tuyển chọn vào các trường đại học vẫn trên cơ sở này. Còn ở Trường THPT Anh Sơn 1 đã định hướng cho giáo viên dạy theo hình thức “nặng hơn về kiến thức và mới hơn về cấu trúc về đề thi” để đáp ứng được yêu cầu ở kỳ thi chung của năm học này. Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng: Sở dĩ chọn phương án 1 bởi phương án này có nhiều lợi thế cho cả học sinh lẫn giáo viên trong giảng dạy và học tập, một học sinh có thể dự thi nhiều môn học (cả môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) và có thể tham gia nhiều khối. Còn về hình thức thi và phương án thi, ông khẳng định: Riêng với Nghệ An đây không phải là vấn đề lo ngại, bởi cụm thi Vinh đã có kinh nghiệm 10 năm tổ chức thi theo phương án “3 chung” rất thành công. Nay số thí sinh dự thi tăng lên, nhiều học sinh vùng cao xuống nếu có sự vào cuộc tích cực từ các ban, ngành, sự hỗ trợ của chương trình “tiếp sức mùa thi” thì những khó khăn chắc chắn cũng sẽ được khắc phục.
Đại diện của Trường Đại học Y Khoa Vinh, ông Nguyễn Cảnh Phú - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng tin tưởng: Dù có nhiều thay đổi ở kỳ thi năm học 2014 - 2015 nhưng nếu được thực hiện nghiêm túc, nếu tất cả học sinh đều có gắng học thật, thi thật thì chúng ta vẫn có thể yên tâm về sự “công bằng”, “khách quan” của kỳ thi.
Mỹ Hà