Ấm áp nghĩa tình

11/07/2014 18:20

(Baonghean) - Nhờ kinh phí hỗ trợ kịp thời từ Quyết định 22 cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hai chị em nữ thương binh Phạm Thị Nhì (SN 1950) và Phạm Thị Hồng (SN 1960) ở xóm Mỹ Hạ, xã Hưng Lộc (TP Vinh) đã xây được ngôi nhà mới khang trang... Ngôi nhà không chỉ là sự ủng hộ về vật chất tạo điều kiện người có công “an cư, lạc nghiệp”, mà còn là nguồn động viên to lớn để họ vững tin vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống…

Trong căn nhà mới, rót bát nước chè xanh mời khách, bà Nhì không dấu nổi xúc động, bà kể: Cả hai chị em bà đều sống độc thân. Năm 2006, bà Nhì xin được một người con nuôi đặt tên là Phạm Thị Hồng Phúc. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm chật vật khi sức khỏe của hai bà ngày càng yếu đi. Ước mơ về một căn nhà kín trên bền dưới là niềm khắc khoải khôn nguôi. Đầu năm 2014, khi được duyệt là đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số: 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chị em bà vui mừng khôn xiết, nhưng cũng không ít lo lắng. Mừng là có khoản tiền hỗ trợ khá lớn, là nguồn lực quan trọng sửa sang lại ngôi nhà cũ. Lo là bởi vì gia cảnh chỉ có hai người đàn bà đã luống tuổi làm sao để vừa có đủ kinh phí, vừa quán xuyến những công việc từ nhỏ đến lớn trong quá trình làm nhà. Thật may, khi gia đình bắt tay vào xây lại nhà, bà con khối xóm, con cháu gần xa đã hết sức động viên, chung tay giúp sức. Vì vậy, đến nay mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ mới chỉ được giải ngân 20 triệu đồng, nhưng với sự giúp đỡ của cộng đồng, chị em bà đã có một căn nhà khang trang.

Ông Lê Hải Châu - Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng chất độc da cam xóm Mỹ Hạ cho biết: Khi biết tin bà Nhì được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây nhà mới, một người thợ xây trong xóm Mỹ Hạ, là bà con với bà Phạm Thị Nhì, đã đứng ra chịu trách nhiệm vừa thiết kế vừa thi công ngôi nhà. Đồng thời huy động, anh em nội thân làm thợ mộc, thợ xây, thợ nề góp sức với tinh thần thiện nguyện. Ngoài việc tính ngày công giá rẻ thì mỗi người thợ đều ủng hộ cho gia đình bà Nhì ít nhất từ 1 đến 2 ngày công. Ban cán sự xóm, con cháu, láng giềng đã có hàng chục lượt người tham gia dọn dẹp, đào móng…

Nói về quá trình làm nhà, bà Phạm Thị Nhì luôn cảm thấy ấm lòng bởi mọi người đã tự nguyện đến giúp đỡ bằng sự quan tâm, tri ân chân thành. Đây còn là tình cảm của rất nhiều bà con khối xóm đối với một gia đình có nhiều người đóng góp cho cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – phụ trách công tác Lao động thương binh & xã hội xã Hưng Lộc, TP. Vinh, cho biết: Nhờ sự vào cuộc kịp thời, có trách nhiệm của cấp ủy, ban cán sự xóm Mỹ Hạ, chị em bà Phạm Thị Nhì đã nhận được căn nhà "hơn cả mong đợi". Trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn xã Hưng Lộc có hai gia đình được nhận tiền hỗ trợ. Sự hỗ trợ về kinh phí của Đảng và Nhà nước là rất quan trọng, nhưng cũng không thể thiếu được sự quan tâm, vào cuộc, tiếp sức của địa phương và gia đình. Trong điều kiện nhiều đối tượng người có công đang cần được trợ giúp, trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách lại hạn hẹp, thì hình thức kết hợp nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước với sự hỗ trợ, đóng góp, giúp đỡ của địa phương, gia đình là cách làm hay, cần được nhân rộng, phát huy.

Ngô Kiên