Nga sắp soán ngôi Mỹ trên thị trường vũ khí?

22/08/2014 22:25

Với những mặt hàng tương đương Mỹ nhưng chất lượng và giá cả ngày càng được cải thiện, Nga đang nắm trong tay những lợi thế hơn hẳn đối thủ số một trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.

Số liệu mà Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) mới đây công bố cho thấy, trong năm 2013, Nga đã lần đầu tiên vượt Mỹ với giá trị xuất khẩu vũ khí nhiều hơn 2 tỷ USD...

Soán ngôi

Trang Business Insider trích dẫn số liệu của SIPRI trong đó chỉ ra rằng, năm 2013 Mỹ đã xuất khẩu 26,9 tỷ USD vũ khí cho các quốc gia trên thế giới, trong khi giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga là 29,7 tỷ USD. Trước đó, Mỹ luôn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, với doanh thu trung bình hơn 7 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong năm 2013, các mặt hàng vũ khí của Mỹ được bán ra nước ngoài đã giảm hơn 6%, trong khi các công ty sản xuất vũ khí của Nga lại có doanh thu tăng mạnh mẽ và lọt vào 100 công ty làm ăn phát đạt nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí.

 Máy bay Su-35 của Nga rất được quan tâm tại một cuộc triển lãm ở Pa-ri. Ảnh: AFP
Máy bay Su-35 của Nga rất được quan tâm tại một cuộc triển lãm ở Pa-ri. Ảnh: AFP

Tờ International Business Times ngay lập tức đặt câu hỏi rằng: Liệu Mỹ đã đánh mất các thị trường vũ khí quốc tế và Nga sắp soán ngôi vị số một của Xứ cờ hoa? Chưa có dự báo nào về vị thế của Mỹ ở các thị trường vũ khí quốc tế trong thời gian tới bởi Mỹ vẫn đang áp đảo về số lượng doanh nghiệp vũ khí đứng trong tốp 100 công ty lớn nhất thế giới, tuy nhiên, nhiều số liệu và phân tích cho thấy, giá cả thấp và chất lượng ngày được cải thiện đã khiến vũ khí Nga ngày càng cạnh tranh gay gắt với hàng Mỹ.

Chiến lược của Tổng thống V. Putin

Điều đáng nói nữa là Nga dưới thời Tổng thống V.Putin đang tập trung vào hai con bài chiến lược là năng lượng và vũ khí quân sự. Theo công bố của Nga, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga đã đạt 5,6 tỷ USD, một con số được Tổng thống V.Putin coi là rất khả quan. Tổng danh mục các đơn hàng xuất khẩu vũ khí của nước này đã đạt kim ngạch tăng vọt từ mức 35 tỷ USD hồi đầu năm lên gần 50 tỷ USD hồi đầu tháng 7. Rất nhiều mặt hàng vũ khí của Nga có doanh thu tăng vượt bậc như súng, tên lửa, các loại máy bay chiến đấu như: Máy bay Su-30, MiG-29, MiG-35... Trong kế hoạch, Nga dự kiến sẽ tăng doanh số vũ khí lên 50 tỷ USD vào năm 2020, bảo đảm duy trì vị trí đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới.

Trong khoảng 5 năm vừa qua, Nga cũng trở thành nước dẫn dầu trong xuất khẩu tàu chiến và tàu ngầm, chiếm 27% thị phần thế giới trong lĩnh vực này. Tại một cuộc họp với Ủy ban hợp tác kỹ thuật-quân sự mới đây, Tổng thống V.Putin nêu rõ, Nga nên hướng đến vị trí một nhà cung cấp tàu hải quân hàng đầu thế giới. Ông cho biết, trong danh mục các đơn hàng xuất khẩu hàng công nghiệp quốc phòng, các đơn hàng mua tàu hải quân chiếm 15%, tiềm năng thị trường của sản phẩm này là rất lớn, viện dẫn đánh giá của giới chuyên gia rằng "các nước trên thế giới có kế hoạch chi 100 tỷ USD để tái trang bị cho các hạm đội của họ trong vài năm tới".

Quân bài hiểm

Trong bối cảnh rất nhiều nước ở châu Phi, châu Á và Trung Đông đang chạy đua vũ trang, tăng cường chi tiêu lớn cho quốc phòng thì xuất khẩu vũ khí chính là quân bài hiểm mà Nga sẽ dùng để đối phó với Mỹ. Một điểm đang khiến cho vũ khí Nga hấp dẫn nhiều nước là chất lượng vũ khí của họ đang ngày càng được nâng cao nhưng giá thành lại khá thấp, chỉ bằng 30-40% so với hàng gần tương đương của Mỹ.

Theo Business Insider, trong khi Mỹ cung cấp vũ khí chủ yếu cho NATO và các đồng minh tại Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia, thì Nga lại cung cấp cho các quốc gia cùng trong nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Iran, phần lớn các nước ở Đông Nam Á và Bắc Phi. Tuy nhiên, ngay cả với EU vốn là đồng minh của Mỹ, giao thương vũ khí của Nga cũng khá sôi động. Động thái Pháp cố bán cho Nga hai chiếc tàu sân bay trực thăng ngay thời điểm EU đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga vừa qua đã cho thấy, nhiều nước vẫn muốn hợp tác với Kremlin về phương diện này. Ước tính mỗi năm EU xuất khẩu 300 triệu euro vũ khí sang Nga và ở chiều ngược lại, nhập khoảng 3,2 tỷ euro vũ khí từ Nga.

Thời gian gần đây cũng trở nên khó khăn đối với Mỹ khi nguồn ngân sách dành cho quốc phòng tại các quốc gia ở châu Phi, châu Á và Trung Đông tăng vọt còn những quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu lại đều thu hẹp quy mô chi tiêu dành cho nhập khẩu vũ khí. Số liệu từ SIPRI chỉ ra rằng, đứng đầu bảng trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Mỹ là Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) với hơn 3,7 tỷ USD. Trong khi, Ấn Độ chi tới hơn 13,6 tỷ USD cho vũ khí Nga và là nước có giá trị nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Moscow năm 2013. Điều thú vị khác nữa là Mỹ thực ra cũng nằm trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí từ Nga với giá trị nhập khẩu khoảng 16 triệu USD giai đoạn 2012-2013. Con số này xuất phát từ hợp đồng trị giá 1 tỷ USD mà Washington bỏ ra mua trực thăng Mi-17V5 của Nga cung cấp cho quân đội Afghanistan.

Vì vậy các chuyên gia dự đoán, rất có thể thời gian tới, vị trí của Mỹ vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi sự sôi động trên các thị trường xuất khẩu vũ khí trọng điểm của nước Nga như châu Phi, châu Á và Trung Đông, trong khi các biện pháp trừng phạt Moscow đang ngày một thể hiện “mặt trái” đối với các nền tài chính phương Tây.

Theo QĐND