Những ngày thu cách mạng
(Baonghean) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về các miền quê cách mạng để cảm nhận rõ hơn sự đổi thay trên những mảnh đất kiên trung, từng bị bom cày, đạn xới nay đã hồi sinh mạnh mẽ. Để lắng lại trong mình hào khí cách mạng. Đó là hào khí 69 năm trước, người dân từ kiếp nô lệ vùng lên làm chủ vận mệnh mình; là khí thế làm ăn của những người dân ra sức dựng xây cuộc sống hôm nay...
Thuyền viên xã Sơn Hải chuẩn bị cho chuyến ra khơi. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm 1931-1945, nhân dân Phúc Mỹ, Hưng Châu vùng lên đấu tranh hoà chung với khí thế mạnh mẽ của Phủ Hưng Nguyên, của tỉnh. Cụ Nguyễn Văn Ước (94 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện ở xóm 1 – xã Hưng Châu, còn nhớ rõ: “Những năm ấy, phong trào cách mạng ở miền quê này lên rất cao. Đấu tranh công khai có, bí mật có. Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ đã theo các anh đi tập diễn vở kịch nói Trưng Trắc, Trưng Nhị rồi đi diễn khắp vùng. Vở kịch là một trong những biện pháp tuyên truyền sinh động để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh, tinh thần cách mạng cho người dân…”.
Phúc Mỹ bây giờ thanh bình lắm, vẫn còn đó những giếng làng, cây đa, di tích Nhà ông Hoàng Viện được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Đường làng ngõ xóm giờ đã bê tông hóa 100%; nhà ngói, nhà bằng, nhà tầng san sát; sản xuất, kinh doanh phong phú ngành nghề như mộc, xây, gò hàn, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đặc biệt Phúc Mỹ là làng nghề nấu rượu ngon nức tiếng gần xa. Nhân dân nơi đây chí thú làm ăn, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống từng bước đi lên, phong trào văn hóa thể thao ở địa phương phát triển mạnh. Người dân Phúc Mỹ, Hưng Châu đã và đang ra sức xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Văn Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Từ khi quy hoạch đến nay, Hưng Châu đã xây dựng thêm được 4 tiêu chí là điện, chợ, dịch vụ thương mại, qua đó nâng tổng số tiêu chí đạt lên con số 11. So sánh với các địa phương khác, Hưng Châu đang khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn, trạm y tế đạt chuẩn, làm đường giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa do lịch sử để lại cũng như đặc thù đất đai. Là địa phương từng đứng đầu dậy trước nhưng hiện tại Hưng Châu chưa dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, mỗi cán bộ, người dân đều tự thấy rõ trách nhiệm của mình, để nêu cao quyết tâm đóng góp xây dựng quê hương. Xây dựng nông thôn mới, có nhiều hộ ở Phúc Mỹ, Hưng Châu đã hiến đất, hiến ngày công, đóng góp 7-8 triệu đồng... vì sự phát triển chung.
Về huyện Quỳnh Lưu - địa phương đầu tiên trong tỉnh giành chính quyền thắng lợi. Nơi đây, ngày 13/8/1945, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã họp khẩn cấp tại Quỳnh Đôi, thành lập uỷ ban khởi nghĩa từ huyện đến xã, trước mắt tập trung vào hai xã có cơ sở Việt Minh mạnh nhất là Quỳnh Đôi và Sơn Hải. Ngày 15/8/1945, hai xã Quỳnh Đôi và Sơn Hải tuyên bố thủ tiêu chính quyền cũ, thành lập UBND lâm thời… Tại xóm 8, xã Sơn Hải, gặp gỡ cụ Trần Văn Quỳ, năm nay 94 tuổi đời, 67 tuổi đảng – một trong những người tham gia cướp chính quyền ngày đó, kể: “3 ngày sau người dân Sơn Hải hòa vào hàng nghìn người dân Quỳnh Long, Quỳnh Thuận kéo lên, Quỳnh Thọ kéo sang, Quỳnh Nghĩa, An Hòa kéo xuống tiến về Giát. Chúng tôi mang theo cờ đỏ sao vàng, băng rôn “Việt Nam độc lập muôn năm”, gậy tầm vông, giáo mác, cuốc xẻng đến bao vây huyện đường. Trước sức mạnh quần chúng hàng vạn người, tri huyện Chữ Ngọc Liễn đã mang triện đồng, thẻ bài, sổ sách nộp cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, từ nay chính quyền Quỳnh Lưu thuộc về nhân dân, chấm dứt ách thống trị của đế quốc, phát xít và tay sai.”
Ông Quỳ vẫn nhớ như in năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân cả huyện hăng say bước vào công cuộc diệt giặc đói, giặc dốt, bảo vệ chính quyền. Theo ông Nguyễn Ngọc Niên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải, thì tinh thần hăng hái năm đó vẫn là tinh thần chủ đạo của công cuộc phát triển hôm nay. Sơn Hải bây giờ đã không còn giặc đói. Ông Niên cho biết: Bước vào thời kỳ mới, người dân Sơn Hải tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế với các ngành nghề khai thác đánh bắt thủy hải sản, phát triển dịch vụ tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại toàn xã có 252 tàu thuyền các loại, trong đó chủ yếu là tàu lớn trên 90 CV hoạt động ở vùng đánh cá chung; bên cạnh đó hoạt động xuất khẩu lao động cũng được đẩy mạnh. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất cả xã đạt 367 tỷ đồng, thu nhập đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm. Tốc động tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2014 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước…Rời khu vực trunng tâm phố trong làng của xã Sơn Hải, chúng tôi đã về Lạch Thơi, Lạch Quèn (Quỳnh Thuận) nơi nhiều tàu đánh bắt của Sơn Hải neo đâu. Chiều Lạch Quèn, người dân Sơn Hải đang chuẩn bị ra khơi, tiếp xăng dầu, lương thực, đá lạnh cho nhiều người. Ông Nguyễn Văn Minh, một chủ thuyền, người xã Sơn Hải tâm tình: “Mỗi chuyến đi biển, chúng tôi mang theo truyền thống, tinh thần cách mạng để làm giàu cho gia đình, quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”.
Chúng tôi tìm về xã Quỳnh Đôi – miền quê hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Mảnh đất này đã sinh ra cho đất nước, dân tộc những người con ưu tú, lỗi lạc. Về đến vùng đất khoa bảng này cũng là dịp Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi phối hợp Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội phụ huynh học sinh với Ban giám hiệu Trường THCS Hồ Tùng Mậu tổ chức ngày hội “mổ lợn đất” khuyến học, khuyến tài. Từ tiết kiệm nuôi lợn bằng đồng tiền mình có như bớt tiền ăn quà, tiền mừng tuổi... ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho hay. Năm nay, các cháu trong toàn xã nuôi hơn 1.000 con lợn, với số tiền tiết kiệm trong ngày mổ lợn lên đến gần 100 triệu đồng.
Đi giữa những ngày mùa Thu lịch sử, cảm nhận niềm vui, sự đổi thay từng ngày của mỗi cuộc đời, mỗi số phận, mỗi vùng đất, càng biết ơn những thành quả mà cuộc cách mạng “long trời lở đất” cách đây 69 năm mang lại. Đã 69 năm đi qua, nhưng hào khí, tinh thần cách mạng mùa Thu tháng Tám vẫn là nguồn sức mạnh lớn trên con đường phát triển, hội nhập của quê hương, đất nước.
Thanh Sơn