Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014
(Baonghean.vn) - Ngày 22/8, tại Thị xã Cửa Lò, diễn ra Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014 được phối hợp tổ chức bởi Bộ Thông tin -Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, Hoàng Hữu Lượng- Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TTTT. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chào mừng Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị nêu: Báo chí văn nghệ là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng. Cả nước hiện có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành. Tại 63 tỉnh thành trên cả nước, ngoài các ấn phẩm báo chí văn nghệ của hội VHNT địa phương, thì các ấn phẩm báo Đảng, chương trình Đài phát PTTH cũng đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề VHNT với thời lượng đáng kể.
Các đồng chí chủ trì hội nghị |
Báo chí đang tác động vào mọi mặt của đời sống, trong đó người dân đang tiếp nhận VHNT chủ yếu qua báo chí. Báo chí văn nghệ nói riêng với việc luôn bám định hướng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đã góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng việc giới thiệu các tác phẩm mới đến công chúng, báo chí văn nghệ đang góp phần bồi dưỡng, đào tạo tài năng văn nghệ, nhất là văn nghệ sỹ trẻ; góp phần giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam; các chương trình giao lưu, tọa đàm về văn hóa, văn nghệ của các báo, đài đã cập nhật, phản ánh thực trạng, biểu dương điển hình và đưa ra bài học kinh nghiệm về xây dựng nội dung văn hóa mới ở cơ sở...một cách kịp thời, sinh động.
Báo cáo cũng nêu những khó khăn, bất cập của hoạt động báo chí văn nghệ hiện nay đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành địa phương chưa bắt kịp xu thế, chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc, một số ít tờ báo sa đà vào thông tin tiêu cực xã hội, thông tin thiếu sự kiểm chứng, tùy tiện... tạo các hiệu ứng xã hội không tốt. Về nội dung chưa được quan tâm đồng đều cả về sáng tác và lý luận phê bình. Kinh phí hoạt động hạn chế, lượng phát hành thấp. Đội ngũ nhân lực của báo chí văn nghệ còn thiếu và tay nghề chưa cao.
Nhiều cơ quan báo chí văn nghệ, các trang báo văn nghệ của báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, của các bộ ngành chưa có sự đầu tư đúng mức để tạo ra bản sắc riêng cho ấn phẩm, trang báo của mình. Các chương trình văn hóa, văn nghệ được các đài phát thanh, truyền hình phát sóng vẫn có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ thuật và truyền thống văn hóa của dân tộc. Chuyên mục văn hóa - văn nghệ của nhiều báo điện tử còn thiếu định hướng để xảy ra thực trạng chủ yếu đi sâu khai thác đời tư các diễn viên, ca sỹ, người nổi tiếng...
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu chào mừng hội nghị |
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Hội nghị cũng đã đưa ra các giải pháp và định hướng hoạt động sắp tới của báo chí văn nghệ trong bối cảnh bùng nổ thông tin và những tương tác xã hội phức tạp hiện nay; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thông tin đúng định hướng, lành mạnh, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam thống khuyến khích; phản ánh chân thật, sinh động đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; khuyến khích đội ngũ hoạt động văn hóa, văn học, văn nghệ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật...
Phần thảo luận, đại diện các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã tập trung đưa ra những vấn đề cụ thể trong hoạt động thông tin về văn hóa - văn nghệ của mình ở từng chuyên trang, chuyên mục, chương trình... Đi sâu nêu những khó khăn cũng như thảo luận về yêu cầu nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả trong xây dựng nội dung và và tổ chức thông tin văn học nghệ thuật báo chí văn nghệ đến với công chúng nhằm tạo hiệu ứng tích cực cao nhất có thể; kinh nghiệm về bồi dưỡng nâng cao năng lực, tay nghề đội ngũ hoạt động báo chí văn nghệ; đề cập đến mối quan hệ của báo chí văn nghệ đối với đội ngũ sáng tác, văn nghệ sỹ nói chung; chú trọng mảng lý luận phê bình... Hội nghị cũng thống nhất cao, báo chí văn nghệ trong mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới nhằm đáp ứng thông tin thẩm mỹ một cách nhanh nhất, kịp thời nhất cho công chúng, cần bám sát định hướng từ quán triệt Nghị quyết T.Ư 9 Khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Video clip Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014 :
.
Đình Sâm - Trần Hải