Khi văn học vượt khỏi đất liền

10/08/2014 10:33

“Những tiểu thuyết lịch sử hay nhất của Việt Nam vẫn dừng lại ở đất liền. Tôi muốn vươn ra biển. Một cuộc tình trên đảo cũng sống động hơn trên đất liền” – nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói về bộ tiểu thuyết Lời thề dự kiến 10 tập.

Lời thề là tên chung của bộ sách, cuốn đầu tiên ra mắt chiều 9/8 tại Hà Nội. Nhà văn dự định viết 10 tập sách về chủ đề này, đến nay ông đã hoàn thành 4 tập. Các cuốn sách khác dự tính in làm 2 đợt trong 2 năm tới.

Lời thề lấy bối cảnh thời Lý cách đây 1.000 năm, quần đảo Hoảng Sa được gọi với tên cổ là quần đảo Cát Vàng. Tiểu thuyết kể về những người đàn ông và phụ nữ Việt từ đất liền ra đảo để tạo lập sự sống ở miền đất xa xôi của dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong buổi ra mắt tiểu thuyết Lời thề.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong buổi ra mắt tiểu thuyết Lời thề.

Viết như trò chuyện với người đã khuất

Lời thề được xem là bộ sách lớn trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Quang Vinh. Tư tưởng chung của Lời thề được phát biểu thông qua tư tưởng của vị đô tướng Lý Nhất: phải lập nên những ngôi làng, tạo ra sự sống của người Việt thì mới giữ được biển đảo chứ không chỉ cắm cờ xác định chủ quyền.

Khởi thảo viết cuốn sách, nhà văn chuẩn bị trong 3 năm. Ông mua đến 20 triệu tiền sách từ sách sử, tiểu thuyết lịch sử trong và ngoài nước. Trong số tài liệu tham khảo đó, có rất nhiều sách sử xuất bản ở Việt Nam, các tiểu thuyết lịch sử của 2 nhà văn lão làng Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải.

“Tôi không phải là người giỏi sử” – Nguyễn Quang Vinh tự nhận – “Tôi chảy theo dòng chảy của lịch sử nhưng không muốn lặp lại những gì các nhà văn khác đã viết”. Theo ông, có khoảng 400 nhân vật trong lịch sử Việt Nam mà nhà văn bắt buộc phải nhớ và sắp xếp họ theo một dòng chảy.

Sách gây chú ý ngay từ những trang đầu, khi trải qua hành trình hiểm nguy ra đảo, 200 người đàn ông chỉ còn lại 2, trong 5 người phụ nữ chỉ còn lại một mình nàng Lý Thắm. Tướng Lý Nhất đã quyết định là Lý Thắm trong đêm đầu tiên phải ngủ với cả 3 người đàn ông trên đảo để sinh con sớm nhất có thể.

Nhà văn khẳng định, bộ sách dựa vào chính sử, nhưng khi viết ông thoải mái hư cấu, bởi ông có cảm giác những sinh linh nước Việt từ hàng trăm năm trước sống động quanh mình. “Hơn 2.000 trang sách với tôi không phải là điều khó khăn lắm, dù vẫn rất mệt mỏi. Tôi viết như trò chuyện với người đã khuất”.

“Từng có 5 năm làm lính hải quân đánh bộ, tôi hiểu được thế nào là biển cả, tiếp cận hàng trăm ngư dân từng ra biển. Có những người từng đưa cát ở Hoàng Sa về cho tôi. Có những ngư dân từng bị cướp, đánh đập trên biển, có những người từng phản kháng lại…

Bìa cuốn sách Lời thề
Bìa cuốn sách Lời thề

Yêu để giữ nước, đẻ để giữ nước

“Văn học lịch sử nước mình có Hoàng Quốc Hải và Nguyễn Xuân Khánh là quá may mắn. Nếu không có họ thì Việt Nam không thể có những tiểu thuyết đàng hoàng, dày dặn về lịch sử và vốn sống như vậy” – theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh. “Còn tôi, tôi thích về biển đảo vì đó là mảng đề tài mới mẻ, ít có tác phẩm khai phá. Tôi thỏa sức để sáng tạo trên một vùng đất quá mới, đó cũng là một lợi thế”.

Lời thề đặc biệt ở chỗ nói về lòng yêu nước và chủ quyền biển đảo nhưng qua thân phận con người. Tác giả nói: “Đề tài của văn chương nghệ thuật là thân phận con người. Tôi rất thích miêu tả các cuộc tình giữa nàng Lý Thắm và đô tướng Lý Nhất. Họ yêu để giữ nước, đẻ con để giữ nước, một cuộc tình kỳ lạ. Họ khao khát một đứa con không phải để hái quả cho tình yêu, mà tiếng trẻ con khóc trong hoàn cảnh này còn thiêng liêng hơn nhiều so với tình yêu thông thường”.

Trong sách có một cuộc tuyển chọn nữ nhi từ đất liền ra đảo đầy cảm động. Nhà vua nhận ra những cô gái được tuyển còn đẹp hơn cả cung nữ của mình, bởi các bậc cha mẹ đều tự nguyện hiến dâng những đứa con gái đẹp nhất của mình cho nhiệm vụ quốc gia. Không ai có thể ngăn họ vì đó là lựa chọn của lòng yêu nước.

Đó là cuộc tuyển chọn hư cấu của nhà văn. “Quyền lực của nhà văn nằm duy nhất ở chữ nghĩa mà thôi” – Nguyễn Quang Vinh nói. “Trong vòng 5 năm tới, tôi quyết tâm hoàn thành những tác phẩm tâm đắc nhất sự nghiệp của mình”.

Theo TT&VH