Thế giới đối phó đại dịch Ebola đang có nguy cơ mất kiểm soát

18/09/2014 14:57

Trong bối cảnh số người tử vong do virus Ebola đã lên đến mức cao nhất từ trước đến nay với 2.461 người thiệt mạng trong tổng số 4.985 trường hợp nhiễm bệnh, cộng đồng quốc tế đang gấp rút tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh chết người này tiếp tục lây lan.

Xác định đại dịch Ebola đang trở thành một nguy cơ đe dọa toàn cầu, Liên Hợp Quốc hôm qua (16/9) kêu gọi huy động thêm nguồn tài chính để đối phó với dịch Ebola.

Mỹ cũng cam kết tăng cường các nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này.

Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm qua (16/9) tuyên bố nâng số tiền cần huy động để đối phó với dịch bệnh Ebola lên gần 1 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với mức dự tính đưa ra cách đây chưa đầy một tháng, trong đó, riêng Liberia - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - sẽ cần khoảng một nửa. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng kêu gọi viện trợ ngay 200 triệu USD để ứng phó với dịch bệnh Ebola.

Theo UNICEF, khoảng 8,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi hiện đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu tại Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, dịch Ebola lan tràn tại khu vực Tây Phi trong những tháng qua không chỉ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ mà còn là một nguy cơ đe dọa mang tính toàn cầu.

Ông cảnh báo nếu đại dịch Ebola không được cộng đồng quốc tế cùng nhau ngăn chặn ngay lúc này thì hàng trăm nghìn người có thể bị lây nhiễm, gây ra những tác động to lớn về cả kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc gia của tất cả các nước. Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết Mỹ sẽ nỗ lực hết mình nhằm hỗ trợ cho các chính phủ và các hệ thống chăm sóc y tế của các nước Tây Phi, nhất là các nước bị tác động mạnh bởi dịch bệnh chết người này như Liberia, Sierra Leone và Guinea. Hai lĩnh vực chính mà Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ các quốc gia Tây Phi là giúp huấn luyện hàng nghìn nhân viên y tế và xây dựng các trung tâm chữa trị.

Tổng thống Obama nói: “Đây là một sự thật khó khăn. Tại Tây Phi, dịch Ebola đang trở thành một đại dịch mà chúng ta chưa từng phải chứng kiến trước đây. Nó đang vượt ngoài tầm kiểm soát, ngày càng nghiêm trọng, lây lan nhanh hơn theo cấp số nhân. Do đó, hôm nay tôi sẽ công bố những biện pháp mạnh mẽ hơn của Mỹ nhằm ứng phó với dịch bệnh này. Theo yêu cầu của chính phủ Liberia, chúng tôi sẽ thiết lập một trung tâm chỉ huy quân sự ở Liberia để hỗ trợ các nỗ lực dân sự trong khu vực. Chúng tôi sẽ thiết lập một cầu hàng không để các nhân viên y tế và vật tư y tế được đưa vào Tây Phi nhanh chóng hơn.”

Để thực thi cam kết này, trước đó Nhà Trắng ra thông báo cho biết Tổng thống Obama sẽ điều động 3.000 nhân viên quân sự sang giúp các quốc gia Tây Phi ngăn chặn và đối phó với dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 2.460 người trong tổng số gần 5.000 người bị nhiễm bệnh. Với quyết định này, quân đội Mỹ sẽ đứng đầu chiến dịch mang tên “Hỗ trợ thống nhất” (United Asssistance) kéo dài trong 6 tháng hỗ trợ thuốc men, hậu cần, huấn luyện về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh tại những quốc gia đã và đang bị dịch Ebola hoành hành.

Ngoài sự hỗ trợ của Mỹ, Trung Quốc hôm qua cũng tuyên bố sẽ gửi thêm nhân viên y tế đến Sierra Leone, nâng tổng số chuyên gia y tế tại đây lên 174 người để giúp đỡ quốc gia Tây Phi này đối phó với dịch bệnh. Hoạt động hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với các quốc gia đang chịu sự hoành hành của đại dịch Ebola đã nhận được sự hoan nghênh của người dân các quốc gia này trong bối cảnh chính phủ các nước Tây Phi bị cho là không có đủ khả năng và nguồn lực để đẩy lùi sự lây lan của loại virut chết người.

Một người dân Liberia cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh chính phủ Mỹ với quyết định hỗ trợ này. Tỉ lệ tử vong do virus Ebola ở Liberia rất cao do chính phủ không có đủ trang thiết bị để chiến đấu với dịch bệnh này. Nếu Mỹ đưa 3.000 binh sĩ tới hỗ trợ Liberia thì tôi cho rằng Mỹ đang thúc đẩy một chương trình toàn diện hơn trong việc ngăn chặn dịch Ebola lây lan ở Liberia.”

Liên Hợp Quốc ước tính từ nay đến cuối năm có thể sẽ có khoảng 20.000 người bị nhiễm bệnh, phần lớn ở 3 quốc gia "ổ dịch" là Guinea (chiếm 16%), Sierra Leone (34%) và Liberia (40%). Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế và các nước bị ảnh hưởng ứng phó nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả với dịch bệnh này thì có thể sẽ đẩy lùi tốc độ lây nhiễm vào cuối năm và chấm dứt dịch bệnh vào giữa năm sau./.

Theo VOV.VN