Trở về từ vùng chiến sự Libya
(Baonghean) - Sau hành trình quá cảnh qua nhiều nước, các lao động người Nghệ An đang làm việc tại vùng chiến sự ở Libya đã trở về nhà an toàn. Trước mắt họ là những khó khăn trong cuộc sống và mong muốn tiếp tục xuất khẩu lao động để thoát nghèo.
Anh Trần Văn Hạnh vui mừng trong ngày trở về. |
Từ 2 ngày nay, căn nhà tuềnh toàng ở xóm 8, xã Nghi Diên (Nghi Lộc) của anh Trần Văn Hạnh lúc nào cũng có người vào ra thăm hỏi tình hình sức khỏe, cũng như cảm xúc sau những ngày làm việc ở vùng chiến sự ở Libya. Là trụ cột trong gia đình, ở nhà không có việc làm thêm nên từ lâu nay, anh Hạnh đã tìm cách đi xuất khẩu lao động để đỡ đần vợ con.
Cách đây 3 năm, khi đang làm việc ở Libya với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng thì bất ngờ chiến sự nổ ra, đất nước Libya rơi vào cảnh hỗn loạn. Thời gian đó, Chính phủ Việt Nam và các công ty cung ứng xuất khẩu lao động đã nỗ lực đưa lao động Việt Nam trở về nước. Cũng như nhiều đồng hương Việt Nam khác, anh Hạnh đã phải vật vạ ở các sân bay của Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia. Cuối năm 2011, anh Hạnh trở về nước. Về nhà không có việc làm, thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào việc chạy chợ của vợ nên anh Hạnh tiếp tục nộp đơn xin đi xuất khẩu tại Libya khi tình hình bắt đầu ổn định trở lại.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ có chính sách hỗ trợ đối với các lao động như: cho vay vốn, hỗ trợ việc làm cho người lao động sau khi về nước. Theo Quyết định số 1012/QĐ-LĐTBXH, hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn do tình hình bất ổn tại Libya với 4 mức từ 1 - 5 triệu đồng. Theo đó, đối với trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả, sẽ được hỗ trợ chi phí mua vé máy bay cho người lao động về nước. Đối với người lao động có thời gian làm việc tại Libya tính đến ngày 15/7/2014 được hỗ trợ bằng tiền với 4 mức: 5 triệu đồng/người đối với lao động có thời gian làm việc từ đủ 3 tháng trở xuống; 3 triệu đồng/người đối với lao động có thời gian làm việc từ trên 3 tháng đến đủ 6 tháng; 2 triệu đồng/người đối với lao động có thời gian làm việc từ trên 6 tháng đến đủ 12 tháng; 1 triệu đồng/người đối với lao động có thời gian làm việc từ trên 12 tháng. Người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc tại Libya theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ thêm 50%. Như vậy, mức hỗ trợ cao nhất 1 lao động nhận được là 7,5 triệu đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. |
Tháng 4/2013, sau khi nộp 38,4 triệu đồng qua Công ty Việt Thắng ở Hà Nội, anh Thắng sang Libya, làm việc cho Công ty Enka Technik ở Thành phố Awbari chuyên lắp ráp cốt pha xây dựng. Ông chủ của công ty là người Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty có hàng trăm lao động đến từ các nước như Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và 87 người Việt Nam. Công việc khá đơn giản là đóng cốt pha bằng các tấm gỗ ép để chuẩn bị cho các tốp thợ khác đổ bê tông. Mức lương mà các anh được nhận trung bình từ 11-13 triệu đồng, được gửi thẳng về cho gia đình qua công ty môi giới ở Việt Nam. Các công nhân được ứng số tiền gần 1 triệu đồng để chi tiêu các khoản như điện thoại, ăn uống,… Thành phố Awbari nằm tách biệt, như một ốc đảo giữa sa mạc cát Sahara. Những ngày mới sang, các công nhân người Việt được quản lý cho thoải mái ra ngoài, đi chợ một vài lần thế nhưng sau đó, tình hình có vẻ xấu đi, tình trạng cướp bóc xảy ra thường xuyên nên công nhân không được tự ý ra ngoài. Khi di chuyển công trường hay di chuyển chỗ ở đều được công ty bố trí xe ô tô chở đi. Đang làm việc yên lành thì từ giữa năm 2014, Libya xảy ra chiến sự khi các nhóm vũ trang tranh nhau giành phần kiểm soát Thủ đô Tripoli và thành phố phía Đông Benghazi. Tình hình chiến sự tiếp tục leo thang căng thẳng, nhiều dân thường bị bắn, nạn cướp bóc xảy ra thường xuyên. Những ngày giữa tháng 7, các nước có lao động đã tiến hành sơ tán công dân của mình rời khỏi Libya. Các lao động Việt Nam cũng được làm thủ tục để rời khỏi vùng đất đang xảy ra chiến sự. Sau khi rời khỏi vùng Awbari, lao động người Việt được quá cảnh sang Thổ Nhĩ Kỳ, Cô-oét, Quata trước khi bay về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Từ TP. Hồ Chí Minh, các lao động miền Bắc và miền Trung tiếp tục bay ra Hà Nội. Tại đây, công ty môi giới đưa cho mỗi người 2 triệu đồng tiền hỗ trợ theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH và của công ty, sau đó mọi người được chở ra bến xe để về nhà.
Trở về nhà, anh Hạnh và người thân vô cùng phấn khởi: “Lần này không phải chịu cảnh ăn chực nằm chờ trong sợ hãi như bạo loạn lần trước, công việc đang thuận lợi, công ty không nợ lương nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng vì tình hình chiến sự căng thẳng. Nếu không may đạn lạc thì…”, anh Hạnh tâm sự. Những ngày chờ đợi được đưa về nước, hầu như hôm nào vợ con cũng gọi điện sang giục về. Chị Nguyễn Thị Loan, vợ anh Hạnh cho biết, nhà có 3 người con, chồng là trụ cột trong nhà. Hiện nay, con trai đầu đang đi làm thuê ở Lào, hai đứa sau đều đã nghỉ học và đang phụ giúp mẹ đi chợ. “Nghe tin bên đó có chiến tranh, lòng tui như lửa đốt. Giờ về được là mừng lắm rồi”, chị Loan tâm sự.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong số 1.800 lao động người Việt Nam làm việc ở Libya, có khoảng hơn 300 lao động người Nghệ An. Chính phủ và các công ty môi giới, cung ứng lao đang nỗ lực để đưa hết lao động về nước, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công dân Việt Nam. Hiện nay, mong muốn chung của người lao động là sẽ tiếp tục được đi xuất khẩu lao động ở những nước có sự ổn định về chính trị. Hầu hết trong số họ khi làm thủ tục đi Libya đều phải vay mượn với số tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Nhiều người chưa trả hết nợ ngân hàng và hầu hết đều đang gặp khó khăn vì trong thời gian tới sẽ chưa biết phải làm gì.
Nguyên Khoa