Những điều mong mỏi...

22/09/2014 07:10

(Baonghean) - Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ 2 đã thành công tốt đẹp. Trong đại hội, nhiều tâm tư, nguyện vọng về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đã được các đại biểu giãi bày. Đặc biệt, những trăn trở về vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của mỗi dân tộc được đề cập đến nhiều nhất. Điều đó thể hiện tính cấp bách của những hành động cụ thể, thiết thực dành cho những di sản văn hóa trước sự biến động của thời gian...

Các đại biểu gặp gỡ nhân ĐH đại biểu các DTTS tỉnh lần 2.
Các đại biểu gặp gỡ nhân ĐH đại biểu các DTTS tỉnh lần 2.

TIN LIÊN QUAN

Ông Lô Trung Tuyến - đại biểu của đồng bào dân tộc Thái, đến từ xã Châu Tiến (Quỳ Châu), hiện đang đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Thường trực xã Châu Tiến - vùng đất nổi tiếng khắp 9 bản, 10 mường bởi nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, nghề dệt ở Châu Tiến đang ngày ngày phải “chống chọi” trước những tác động của đời sống hiện đại, thể hiện rõ nhất là lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với trang phục truyền thống, thờ ơ với nghề dệt bí truyền của cha ông.

“Trước thực trạng đó, Đảng ủy Châu Tiến ra Nghị quyết chuyên đề phát triển ngành Dệt thổ cẩm truyền thống để bà con giữ nghề, phát triển nghề. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ về kinh phí, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của một số đồng bào, nhất là người già am hiểu về nghề dệt thổ cẩm đã tổ chức các lớp học nghề” - Ông Lô Trung Tuyến trầm ngâm chia sẻ. Đến nay, Châu Tiến có 9/9 bản đã mở các lớp tập huấn kỹ năng nhuộm, dệt, thêu... với những mặt hàng đa dạng, phong phú như váy, khăn quàng, khăn trải bàn, túi xách... Trên địa bàn toàn xã, xây dựng được 2 HTX dệt thổ cẩm, thu hút khá đông chị em trong xã làm việc, bình quân thu nhập một tháng trên 1,5 triệu đồng mỗi người. Số tiền ấy là không nhiều, nhưng cái chính là đồng bào phấn khởi khi nghề truyền thống được phát huy, tay nghề của lớp trẻ có điều kiện được rèn dũa. Tuy nhiên, điều chính quyền và nhân dân Châu Tiến trăn trở nhất, đó là kinh phí duy trì và phát triển quy mô của HTX cũng như hướng đầu ra cho sản phẩm. “Hy vọng rằng, tương lai không xa, Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường cho sản phẩm. Khi nào sản phẩm dệt thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao, khi ấy, bà con mới tin tưởng và yên tâm bám trụ với nghề.” - Ông Lô Trung Tuyến mong mỏi.

Cũng là những băn khoăn về bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc, nhưng chị Lô Thị Nguyệt - đại biểu đồng bào dân tộc Khơ Mú (xã Keng Đu, Kỳ Sơn) bộc bạch dưới góc độ rất thực tế: Người Khơ Mú có nhiều lễ hội đặc sắc như, Lễ hội xuống đồng của cả làng, Lễ hội xuống đồng riêng từng hộ gia đình, Lễ hội cầu mưa, Lễ hội ăn cơm lúa mới, Lễ hội rước tinh linh lúa mới lên kho, Lễ hội mừng khung nhà... Làm thế nào để những lễ hội, phong tục văn hóa tốt đẹp ấy vừa được bảo tồn, vừa phù hợp với tinh thần tiết kiệm, văn minh của nếp sống mới là điều nhiều đồng bào trăn trở. Sở dĩ nói vậy, bởi thực tế trên địa bàn đã có không ít trường hợp, các hộ gia đình tổ chức linh đình, vượt quá điều kiện kinh tế, dẫn tới nhiều hậu quả như việc mổ trâu, mổ bò, khui trăm chum rượu… để vui vẻ trong đôi ba ngày, rồi cả gia đình phải lao đao vì nợ nần. Vậy nên, theo chị Lô Thị Nguyệt, đời sống của đồng bào Khơ Mú còn nhiều khó khăn, sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, để bà con duy trì nếp văn hóa truyền thống một cách hài hòa, phù hợp, cần có sự vào cuộc của công tác tuyên truyền cơ sở. Đồng thời, nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền khi xây dựng các mô hình kinh tế, lồng ghép với tuyên truyền nếp sống mới.

Về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh năm nay, có những đại biểu tộc Đan Lai - tộc người “ngủ ngồi” đã đi vào nhiều truyền thuyết. Ông La Quang Vinh (Thạch Sơn, Thạch Ngàn, Con Cuông) chia sẻ: Cuộc sống giờ ổn định hơn nhờ nhiều hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con không sinh kế bằng săn bắt, hái lượm nữa; trẻ em Đan Lai được đi học rồi, nhưng còn nhiều hủ tục như tục thách cưới, hủ tục tảo hôn… nhiều người vẫn bảo thủ, chưa chịu thay đổi. Đồng bào chúng tôi mong muốn, càng ngày càng có nhiều đợt vận động hơn nữa, nhiều hình thức tuyên truyền lồng ghép với hoạt động văn hóa như chiếu phim, biểu diễn văn nghệ … để đồng bào hiểu và làm theo chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.”

Có mặt trong đoàn đại biểu dân tộc Mông huyện Quế Phong, anh Xồng Bá Cha (bản D1, Tri Lễ, Quế Phong) chia sẻ: “Ở bản tôi có 67 hộ, 335 khẩu. Thế nhưng, trong các gia đình bây giờ, mọi người không còn sử dụng tiếng Mông nguyên bản nữa. Khi giao tiếp, phải sử dụng song song, hoặc chèn thêm cả tiếng phổ thông để trình bày cho dễ hiểu. Còn chữ viết, hầu như mọi người viết kém, hoặc không biết. Điều này khiến những người như tôi rất buồn và trăn trở”. Người Mông không nói tiếng Mông, không biết viết tiếng Mông đang là một thực tế. Từ đây, dẫn đến các hệ lụy khác như sự thất truyền các bài hát cổ, các phong tục truyền thống, các kỹ thuật bí truyền về nghề rèn, nghề thêu thùa, cách làm các món ăn dịp lễ, Tết… Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thành lập các lớp chữ viết người Mông dành cho bà con dân bản, cán bộ lực lượng vũ trang. Chữ viết người Mông không hề khó học, nếu học được, có thể sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. “Chúng tôi mong muốn, các lớp học như vậy sẽ được duy trì lâu dài và có các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, để thế hệ trẻ đồng bào dân tộc Mông không quên nguồn cội của mình.” - anh Xồng Bá Cha chia sẻ...

Ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc là để từ đó làm cơ sở hình thành, đánh giá các chính sách về dân tộc, tôn giáo; đồng thời, khẳng định niềm tin yêu của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước!

An Ngọc - Phước Anh