Bản Na vui nghề thổ cẩm

18/09/2014 16:48

(Baonghean) - Từ bao đời nay, đồng bào người Thái ở bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn ngoài làm nương rẫy, còn có nghề dệt thổ cẩm. Những sản phẩm tạo nên bằng sợi lanh, bông, như áo, váy, khăn piêu, túi… được chị em nơi đây trân trọng, miệt mài, với tâm nguyện giữ lấy nghề...

Chị Lô Thị Mai giới thiệu sản phẩm  thổ cẩm.
Chị Lô Thị Mai giới thiệu sản phẩm thổ cẩm.

Bước vào phòng làm việc ở UBND xã, ông Lô Như Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cấn cá, phân vân mãi với chúng tôi: “Các anh về làng nghề vào thời điểm này, chắc chẳng có ai ở nhà mà gặp gỡ, tìm hiểu thông tin. Bởi thời điểm này, ngô trên nương đã đến kỳ thu hoạch, thời tiết nắng ráo, đồng bào lên nương hết rồi”. Tuy vậy, ông Nam vẫn nhiệt tình dẫn đường đưa chúng tôi về Làng nghề dệt thổ cẩm bản Na. Một không gian khá tĩnh lặng, cho thấy sự phân vân của ông Nam lúc nãy là có cơ sở. Song, chúng tôi may mắn gặp được chị Lô Thị Mai, Tổ trưởng làng nghề. Hôm nay, chị ở nhà trông cháu nội, cho vợ chồng con trai lên nương thu hoạch ngô.

Hỏi về nghề dệt thổ cẩm của bản, chị Mai bộc bạch: Nghề dệt có ở bản Na từ khi nào, không ai biết! Chỉ biết rằng, nghề này đã gắn bó với đồng bào Thái từ nhiều đời nay. Với đồng bào Thái, con gái lên 12 - 13 tuổi đã được mẹ tập cho ngồi dệt vải bên khung cửi, 15 - 16 tuổi đã làm thành thạo. Với chị Mai, khi mới lên 13 tuổi chị đã biết ngồi vào khung cửi, dệt vải. Trước đây, bà con làm ra sản phẩm, trước hết phục vụ cho chính nhu cầu gia đình mình, dư dả thì bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Con gái thạo nghề dệt thổ cẩm, khi lấy chồng sẽ được cha mẹ chồng yêu quý, được xem là người nết na, chăm chỉ, chịu khó. Bởi thế, vào thời điểm hưng thịnh nhất, làng nghề có gần 100% gia đình có khung cửi. Năm 2011, bản được UBND tỉnh công nhận là “Làng nghề dệt thổ cẩm bản Na”. Từ ngày đó, các thành viên tích cực hoạt động, vì thế nghề ngày càng phát triển hơn, sản phẩm làm ra được nhiều nơi biết đến.

Chị Lô Thị Mai mang ra một số sản phẩm, giới thiệu với chúng tôi. Những tấm vải đủ các loại màu, được dệt bằng sợi lanh, bông, với nhiều nét hoa văn rực rỡ. Tiếp đó là váy, áo, khăn piêu, thắt lưng, túi các loại... Mỗi sản phẩm được bố trí hoa văn, đường chỉ khá bắt mắt. Chị Mai, cho biết: Toàn bộ sản phẩm này do chính bàn tay của chị làm ra. Cả làng nghề này có 63 thành viên, trong đó chỉ có 3 - 4 chị biết làm ra sản phẩm hàng hóa, số thành viên còn lại chỉ biết dệt vải. Sản phẩm làm ra đến đâu, đều do bước chân chị rong ruổi đến các thôn bản bán rong. Ở đâu có đồng bào Thái là mình đến, vừa giới thiệu, vừa bán hàng. Có ngày, chị bán được hết hàng, nhưng cũng có ngày không bán được chiếc nào. Tuy thế, lần nào về chị cũng vui vẻ, bởi mình đã có cơ hội để đến với bản người Thái xa xôi hơn, giới thiệu sản phẩm của mình làm ra. Lần đầu chưa bán được, chắc lần sau sẽ có người mua. Cảnh đi bán rong là vậy, chị thấu hiểu rồi. Có vất vả như thế, sản phẩm của mình mới có cơ hội mở rộng địa bàn tiêu thụ. Chị Mai xác định, đây là một phần trách nhiệm của mình, ngoài tăng thu nhập cho bản thân, điều cốt yếu là tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Có như vậy, chị em mới bám lấy nghề, làng nghề càng thêm phát triển.

Chị Kha Thị Thuyên, năm nay 32 tuổi, đã có 20 năm làm nghề dệt thổ cẩm. Chị là một trong những người có tay nghề dệt vải nhanh nhất trong làng. Trao đổi, chị Thuyên bộc bạch: “Dù bận bịu đến mấy, ngày nào tôi cũng tranh thủ ngồi bên khung cửi ít nhất 30 phút để dệt vải. Ví như dịp này, ban ngày vợ chồng lên nương thu hoạch ngô. Tuy vất vả, nhưng tối về, tôi vẫn chong điện ngồi đến 10 giờ mới nghỉ. Mình làm nghề đã đành, còn tạo điều kiện cho các con ngồi học bài. Con cái học hành, tốn kém lắm, nếu nhìn vào mỗi nương ngô thì không đủ trang trải. Sợi mình mua về, tranh thủ thời gian dệt thành tấm vải, bán lấy tiền nuôi con ăn học. Một lạng sợi lanh, sợi bông, mua ở chợ Mường Xén với giá 20 nghìn đồng. Để có 1 m vải khổ rộng 40 cm, dài 1 m, thì phải sử dụng 2 lạng sợi mới đủ. Nếu trời mưa, ngồi được cả ngày mới dệt xong 1 m vải. Bán cho chị tổ trưởng với giá 160 nghìn đồng. Như vậy, nếu chăm chỉ ngày cũng kiếm được trên 100 nghìn đồng tiền lãi. Mong rằng, nghề dệt thổ cẩm của làng ngày càng phát triển để chị em có việc làm, tăng thu nhập. Công việc này, nhẹ nhàng, phù hợp với chị em phụ nữ. Đối với đồng bào vùng cao, thời gian nông nhàn trong năm chiếm nhiều nghề phụ đối với chị em càng cần thiết...”.

Nghề dệt thổ cẩm ở bản Na, thời điểm làm ra sản phẩm nhiều nhất là từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau. Chị Lô Thị Mai giải thích: Đồng bào vùng cao, sản xuất chủ yếu dựa vào nương rẫy, trên 1 diện tích, mỗi năm gieo trồng 1 vụ ngô, hoặc 1 vụ lúa. Gieo từ tháng 5 đến tháng 9 thu hoạch. Thu hoạch xong cây trồng trên nương rẫy, bà con mới có nhiều thời gian miệt mài bên khung cửi dệt vải. Bởi thế, thời gian 6 tháng này sản phẩm của làng nghề dệt thổ cầm bản Na khá nhiều. Bình quân mỗi chị dệt được 50 - 60 mét vải. Toàn bộ vải của các thành viên dệt được bán cho chị Mai để làm ra sản phẩm. Dịp này sản phẩm làm ra của làng nghề khá nhiều, mặc dù không có nơi nhập hàng, song không sợ ế, bởi dịp cuối năm, chị em phụ nữ Thái khắp nơi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm, ai cũng muốn sắm cho mình và con gái, một bộ váy, chiếc khăn, túi… mới, nên hàng rất dễ bán. Chị Mai cho biết: Mỗi ngày chị may được 2 chiếc túi, bán với giá 120 nghìn đồng/chiếc, trừ tiền mua vải 50 nghìn đồng, lấy công làm lãi được 70 nghìn đồng. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi bàn tay khéo léo, sự cần cù, chịu khó, nên đàn ông trong nhà không tham gia làm nghề, nhưng các ông chồng nhận thức được, nghề dệt thổ cẩm mang tiền về cho gia đình, nên nhiệt tình làm việc nhà, chị em mới có thời gian ngồi bên khung cửi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các mặt hàng dệt thổ cẩm của bản Na đến nay vẫn chưa chủ động được đầu ra, hoàn toàn bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các hộ làm nghề không có nhiều vốn, do vậy khi không tiêu thụ được là coi như không có vốn quay vòng, đành phải ngồi không. Trong khi các công đoạn sản xuất sản phẩm, hoàn toàn bằng thủ công, nên năng suất lao động không cao, giá trị ngày công thấp, chính yếu tố này không hấp dẫn đối với lớp trẻ. Chất lượng sản phẩm tuy đã được nâng lên, song chưa đa dạng, sản phẩm vẫn còn đơn điệu... Một số thành viên của làng nghề, gặp hoàn cảnh khó khăn, không có vốn đầu tư, chị Mai sẵn sàng bỏ tiền mua sợi về cho họ làm. Sản phẩm làm ra, chị thu mua hết.

Trước khi chia tay với làng nghề, tôi biết thêm bao nỗi niềm người dân ở đây muốn gửi gắm. Đó là, làng nghề đã có nhà làm nghề tập trung tại trung tâm bản, nhưng phần gỗ bị hư hỏng, mối mọt, không ai dám vào ngồi. Mang tiếng là làng nghề, nhưng từ trước đến nay Nhà nước mới hỗ trợ được 10 khung cửi và tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề, còn máy khâu không có, vốn liếng cũng không, không có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định. Nhiều thành viên có hoàn cảnh khó khăn, muốn đầu tư mua sợi cũng khó. Chị Mai bộc bạch: “Chúng tôi đang cố gắng duy trì sự hoạt động của làng nghề, nhưng để phát triển mạnh trong tương lai, thì cần phải có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành. Mong muốn của làng nghề là được Nhà nước, chính quyền địa phương làm lại căn nhà làm nghề tập trung, tạo điều kiện cho các thành viên có nơi làm nghề, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp; hỗ trợ máy khâu cho chị em làm ra sản phẩm nhanh hơn, đẹp hơn. Giá như có đơn vị nào đó đứng ra cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm thì tin rằng làng nghề dệt thổ cẩm bản Na có cơ hội phát triển tốt hơn...

Sự duy trì và phát triển được làng nghề dệt thổ cẩm cũng là duy trì nét đẹp văn hóa của người Thái. Hy vọng trong tương lai, làng nghề dệt thổ cẩm là điểm đến cho khách du lịch tham quan, khám phá, giao lưu, đây cũng là cơ hội để làng nghề dệt thổ cẩm bản Na nói riêng, các làng nghề thổ cẩm khác nói chung, ở vùng miền núi phát triển mạnh hơn!

Xuân Hoàng