Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học: Tăng trách nhiệm giáo viên

23/09/2014 09:34

(Baonghean) - Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa (tức đến 15/10) tất cả các trường tiểu học phải thực hiện việc đánh giá học sinh theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Theo đó, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ ghi nhận xét, đánh giá về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiểu học. Cách làm mới này đang thu hút sự quan tâm của các giáo viên, phụ huynh...

TIN LIÊN QUAN

Giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai).
Giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai).

Những băn khoăn

Đó là thú nhận của nhiều giáo viên chủ nhiệm các lớp cấp tiểu học trong kỳ họp phụ huynh đầu năm học mới. Bởi năm học 2014-2015 diễn ra được gần 1 tháng nhưng các cô chưa được hướng dẫn, tập huấn cách đánh giá học sinh theo quy định mới của Bộ GD - ĐT. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới vào ngày 21/9 mới đây, cô Đinh Thị Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2G, Trường Tiểu học Bến Thủy - TP Vinh thú thật: “Sắp tới, giáo viên không chấm điểm cho học sinh nữa mà thay bằng cách nhận xét là đạt hay không đạt. Nhưng chúng tôi chưa được tập huấn cụ thể nên chưa thống nhất cách thức ghi nhận xét. Với cách đánh giá mới này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải theo sát lớp hơn nữa và rất cần sự phối hợp của phụ huynh. Có như thế mới tăng cường giáo dục con em, đảm bảo chất lượng dạy học...”. Sự lo lắng của cô Thủy bắt nguồn từ thực tế là nên nhận xét như thế nào cho phù hợp khi không chấm điểm(?). Trên cơ sở đó, các lời nhận xét đang được cô dự tính là: “Cần phải cố gắng nhiều” để chỉ học sinh yếu; “Cần cố gắng hơn” để chỉ học sinh trung bình; “Cần phát huy” để chỉ những học sinh khá và “Phát huy hơn nữa” để chỉ những em học sinh giỏi... Những “quy ước” như vậy được cô thông tin đến các bậc phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục học sinh, nhưng cái lo nhất là các em chưa nhận biết hết những gửi gắm như vậy để nỗ lực vươn lên trong học tập.

Những lo lắng trên của cô Thủy cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, khi chuyển sang phương thức đánh giá học sinh theo thông tư mới, các cô sẽ vất vả hơn. Nếu như trước đây, việc đánh giá, nhiều khi chỉ thông qua 1 ký tự, tức là bằng điểm số, thì nay, các cô phải dành nhiều thời gian chấm bài và nhận xét bằng chữ viết. Như vậy, quá trình nhận xét với mỗi học sinh sẽ phải lựa chọn ngôn ngữ, ít nhất phải một hai dòng để làm sao phản ánh đúng chất lượng, năng lực của các em. Theo cô Trần Thị Tuyết- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thái, huyện Tương Dương: “Với cách làm mới này đòi hỏi các giáo viên phải tư duy nhiều hơn, nâng cao tính khách quan và cần có phân nhóm học sinh để có nhận xét sát thực. Tuy nhiên cho đến nay, đã gần 1 tháng vào học chính thức nhưng ngành chưa tổ chức tập huấn, ban hành được mẫu “Sổ theo dõi chất lượng”, cho nên nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn...”.

Theo hướng dẫn thực hiện, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện từ giáo viên từng môn học đến giáo viên chủ nhiệm, kết hợp với học sinh tự đánh giá. Quá trình đó, có sự phối hợp của các bậc phụ huynh. Điều này đòi hỏi sự cung cấp thông tin kịp thời của giáo viên bộ môn, học sinh đánh giá như thế nào để đảm bảo khách quan, tránh chê bai nhau và đảm bảo theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục... Cô Ngô Thị Nguyệt - Phó trưởng phòng Giáo dục TP. Vinh, cho biết: “Chúng tôi tăng cường chỉ đạo các trường triển khai theo chủ trương mới của Bộ. Đồng thời tổng hợp những thắc mắc của giáo viên, nhà trường để trao đổi với Sở GD - ĐT trong hội nghị sắp tới nhằm có những giải đáp, cũng như hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt hơn”.

Cần có lộ trình

Khi đề cập đến những băn khoăn của giáo viên cấp tiểu học, thầy Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD - ĐT khẳng định: “Rõ ràng cách đánh giá học sinh tiểu học không chấm điểm theo Thông tư 30 của Bộ là điều mới lạ của ngành Giáo dục từ trước tới nay. Bởi vậy, những băn khoăn từ cơ sở là tất yếu, thậm chí để vận hành tốt cơ chế mới cần phải có quá trình. Việc đánh giá như thế nào để đảm bảo nguyên tắc không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh là yêu cầu hàng đầu. Trong khi đó, các giáo viên phải đưa ra nhận xét dựa trên tổng hợp về khả năng tự phục vụ, tự quản; giao tiếp và hợp tác; tính chăm chỉ, tự tin, tự chịu trách nhiệm... Chúng tôi đang tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Bộ GD - ĐT để triển khai sâu rộng đến tất cả các trường tiểu học...”.

Tuy nhiên, đến nay (23/9), Bộ vẫn chưa tổ chức tập huấn cho các sở, chính vì vậy, các phòng GD-ĐT và trường tiểu học cũng đang chờ một quy trình chuẩn đánh giá học sinh từ trên xuống. Trong khi đó, năm học mới đã bắt đầu gần 1 tháng, một số giáo viên tiểu học (từ lớp 2 đến lớp 5) vẫn đang thực hiện kiểu cũ, chấm điểm cho bài thực hành của học sinh. Còn “Sổ theo dõi chất lượng” theo quy định đánh giá mới thì đang chờ có mẫu thống nhất của Bộ. Sổ này được lập theo lớp, năm học. Ngoài ra, giáo viên dạy các môn học còn có “Sổ nhật ký” theo dõi ghi lại những nội dung cần lưu ý ở mỗi học sinh trong quá trình giảng dạy nhưng cũng chưa có mẫu nhất quán. Cho nên, “cần có lộ trình cho đổi mới”.

Phương thức đánh giá học sinh tiểu học mới là cách tích hợp các kênh thông tin để đảm bảo tính khách quan. Theo đó, định kỳ hàng tháng, học kỳ và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm liên hệ với cha mẹ học sinh (qua sổ liên lạc hoặc các kênh thông tin khác như email, điện thoại hoặc gặp trực tiếp) để cung cấp cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá của nhà trường và tham khảo ý kiến của phụ huynh để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, hiệu quả đối với từng học sinh. Để theo dõi sát tình hình học tập của con em mình, nhất thiết phụ huynh phải xem vở hoặc sổ liên lạc, xem cô “phê” như thế nào, từ đó có phương cách phối hợp cùng thầy cô giáo, nhà trường để giúp các em nâng cao chất lượng học tập.

Dẫu còn có những lo lắng, băn khoăn bước đầu khi tiếp nhận cách thức mới nhưng với mục tiêu tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, ngành Giáo dục đang hướng tới khẳng định chất lượng giáo dục. Đó là một trong những bước đi nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học.

Nguyên Nguyên