Bắt đầu thử nghiệm đầu tiên về thuốc điều trị Ebola ở Tây Phi

14/11/2014 17:30

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) dự định sẽ bắt đầu những thử nghiêm chưa từng có tiền lệ trên bệnh nhân ở Tây Phi để thử thuốc điều trị Ebola. Những thử nghiệm đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 12 và kết quả có thể có vào tháng 2 sang năm.

Mục tiêu bệnh nhân sống được 2 tuần

Ngày hôm qua MSF cho biết sẽ bắt đầu các thử nghiệm về thuốc và sử dụng máu của những người đã khỏi bệnh như một liệu pháp điều trị. Các thử nghiệm ở Guinea nhằm nhanh chóng tìm ra một liệu pháp cấp cứu để chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 5.100 người kể từ hồi tháng 12 năm ngoái.

Viện Nghiên cứu Y tế và Y học Quốc gia Pháp (INSERM) sẽ thử nghiệm thuốc chống vi rút favipiravir ở Gueckedou, miền nam Guinea. Đồng thời, Viện Y học Nhiệt đới (ITM) sẽ chủ trì các thử nghiệm về “liệu pháp máu toàn phần và huyết tương" tại Trung tâm Ebola Donka của MSF ở Conakry, thủ đô Guinea. MSF đang bàn bạc về một thử nghiệm thứ ba cho thuốc brincidofovir, ở thủ đô Monrovia của Liberia, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bật đèn xanh.

'Thần dược'

Nhiều thuốc có tác dụng với các vi rút khác, nhưng không hiệu quả với Ebola. Theo BS Antierens, giám đốc MSF thì "Hoặc là thuốc rất hiệu quả và trở thành thần dược... hoặc là nó không hề tác dụng, và đây là điều rất dễ xảy ra".

Mục tiêu của một thử nghiệm thuốc thành công sẽ là bệnh nhân sống được 2 tuần, và không bệnh nhân nào được thử dùng thuốc nếu không có cam kết đồng ý bằng văn bản.

Theo MSF, quy trình chăm sóc bệnh nhân bình thường chỉ bị phá vỡ chút ít. Bệnh nhân trong thử nghiệm Conakry sẽ được truyền máu hoặc huyết tương chứa kháng thể lấy từ những người đã bị bệnh mà còn sống.

Điều phối viên chính của dự án, Johan van Griensven, kêu gọi những bệnh nhân đã bình phục hiến máu và cho rằng sự giúp đỡ này sẽ làm giảm những kì thị mà họ gặp phải tại nơi sinh sống.

Các thuốc chống vi rút được chọn từ một danh sách ngắn ngủi do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra, sau khi đã xem xét một loạt vấn đề, bao gồm những thử nghiệm trên động vật có vú không phải người, và mức độ sẵn sàng của thuốc.

“Kinh nghiệm mới”

"Việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cho các thuốc đang nghiên cứu trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng nhân đạo như thế này sẽ là một kinh nghiệm mới cho tất cả chúng ta, nhưng bchúng tôi quyết định không làm người dân ở tây Phi thất vọng”,Peter Horby, người dự kiến sẽ chỉ đạo thử nghiệm ở Monrovia sắp diễn ra. Đây sẽ là những thử nghiệm đầu tiên được tiến hành trên bệnh nhân Ebola.

“Mỗi khi có một bệnh nhân tới được ngày thứ 14, chúng tôi sẽ tính lại con số và xem tỷ lệ bệnh nhân sống/tử vong là bao nhiêu... Nếu tỷ lệ tử vong là 50% hoặc tệ hơn, chúng tôi sẽ nói rằng không có bằng chứng cho thấy thuốc có tác dụng và chúng tôi sẽ dừng thử nghiệm”, ông nói. " Nếu tỷ lệ sống là 80% trở lên, chúng tôi sẽ nói rằng có bằng chứng tốt cho thấy thử nghiệm có hiệu quả”.

Mặc dù gần như tất cả số người chết trong vụ dịch này đều là ở Liberia, Sierra Leone và Guinea, nhưng những ổ dịch nhỏ đã xuất hiện ở Nigeria, Senegal, Mỹ và Tây Ban Nha. Mali đang gồng mình để ngăn không cho dịch trở nên nghiêm trọng hơn sau cái chết của một mục sư đạo Hồi vào tháng 10 vừa qua, và mới tuần này một nam y tá điều trị cho bệnh nhân này cũng đã chết do bệnh ở thủ đô Bamako.

Hôm thứ Tư WHO thông báo dịch đã vượt qua thời điêm cam go nhất, với 5.160 người chết trong tổng số khoảng 14.000 người mắc bệnh kể từ đầu vụ dịch đến nay.

Ebola, lây qua dịch cơ thể, gây sốt xuất huyết và tử vong với tỷ lệ tử vong 70% trong vụ dịch này. Hiện chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu và cũn chưa có vắc xin – mặc dù một trong những vắc xin dự tuyển đứng đầu có tên là ChAd3, do hãng GlaxoSmithKline sản xuất đang được thử nghiệm ở Mali và một số nơi khác.

Cơ hội sống tốt nhất của bệnh nhân, nếu bệnh được phát hiện đủ sớm, là uống paracetamol để giảm sốt, bù nước và dinh dưỡng tốt.

Ebola, xuất hiện lần đầu tiên ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 1976, là một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất mà con người từng biết, và các nạn nhân thường chết một vài ngày sau khi biểu hiện triệu chứng.

Theo Dân trí