Làng mộc Dinh Chu

06/11/2014 09:43

(Baonghean) - Đã nghe danh làng nghề mộc cổ Dinh Chu từ lâu, mãi bây giờ tôi mới có dịp đến với làng nghề ở xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương. Làng hiện có 50/115 hộ, với gần 80 lao động làm nghề, đã được UBND tỉnh công nhận “Làng nghề mộc Dinh Chu” từ năm 2009. Khác với các làng nghề mộc khác là chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, Làng nghề mộc Dinh Chu còn nhận trọn gói thi công phần mộc nhà, đặc biệt là nhà thờ theo kiến trúc cổ...

TIN LIÊN QUAN

Đường vào làng Dĩnh Chu.
Đường vào làng Dĩnh Chu.

Một ngày nắng đẹp, chúng tôi về làng Dinh Chu. Vừa bước qua cái cổng làng khá đồ sộ, mang vẻ kiến trúc cổ xưa, đã nghe xoèn xoẹt tiếng máy cưa, máy bào, xen lẫn tiếng vồ, tiếng đục, đẽo lách cách. Anh Lê Đình Tiến, cán bộ địa chính xã dẫn tôi đi một vòng quanh làng, giới thiệu những xưởng mộc đang ăn nên làm ra, rồi dừng chân tại xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng. Tìm hiểu về làng Dinh Chu, cả ông Hùng, anh Tiến cho biết, làng này có cách đây khoảng 500 năm, nghề thợ mộc này cũng được du nhập vào làng từ cách đây ngần ấy năm. Điều tự hào là làng mộc bây giờ vẫn lưu giữ được nghề truyền thống của ông cha là làm nhà thờ theo kiến trúc cổ. Nghề mộc giỏi và lâu đời trong làng chủ yếu người họ Nguyễn Quang, Nguyễn Thế, Nguyễn Gia, Lưu. Nói làng cổ, nghề cổ là ý muốn nói những điều đó.

Xưởng mộc của ông Hùng có diện tích khá rộng. Khi bước vào xưởng mộc này là ngổn ngang những thân gỗ xoan, mít... to bằng một người ôm, đã được bật mực, chuẩn bị xẻ làm nhà. Những người thợ lấm lem bụi bặm, đang mải miết với công việc ra gỗ, bào, chạm khắc... Vào đến đây chỉ thấy gỗ và ồn ào tiếng máy cưa, máy đục, máy bào, ai cũng chăm chú vào công việc của mình. Có khách, ông Hùng dừng tay, phủi vội lớp bụi bám dày vào quần áo, tiếp chúng tôi. Ông năm nay đã 60 tuổi, nhưng nom ông vẫn còn nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh. Trò chuyện, ông Hùng tự hào: Thợ mộc là nghề gia truyền của làng, đặc biệt là nghề làm nhà thờ kiến trúc cổ này. Cũng có lúc làng nghề thăng trầm, nhưng cha truyền con nối, các thế hệ người dân nơi đây không ngừng nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của làng, để rồi lại có sự khởi sắc như hôm nay. Ông Hùng là đời thứ 4 “bám” nghề thợ mộc. Đã 45 năm trong nghề, ông thấu hiểu rất nhiều về cái nghề nặng nhọc và linh thiêng này. Linh thiêng bởi, từ bao đời nay gia đình ông chuyên làm nhà thờ theo kiến trúc cổ cho khách hàng gần, xa. Khách hàng từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, thậm chí có người từ Vũng Tàu, Phú Thọ... cũng về đặt hàng. Người ta thường đặt cả nếp nhà thờ từ 2 đến 3 gian, còn loại gỗ gì thì tùy khách. Ở đây ông thường làm nhà bằng 4 thứ gỗ: xoan, mít, dổi và lim. Trong đó, nhà làm bằng gỗ lim là đắt tiền nhất, rẻ nhất là gỗ xoan. Thời điểm này, một căn nhà 3 gian bằng gỗ lim có giá 600 triệu đồng, nhưng nếu làm bằng gỗ xoan chỉ 120 triệu đồng. Hiện tại, có một gia đình ở huyện Anh Sơn đặt một nếp nhà thờ bằng gỗ mít, trị giá 500 triệu đồng, đến cuối năm này phải hoàn thành. Vì sao ông chọn 4 loại gỗ này để làm nhà thờ? Ông Hùng giải thích: Gỗ lim, dổi rất tốt, không nói làm gì, còn gỗ xoan mềm nhưng dai, nhẹ, rất ít bị mối mọt; gỗ mít vừa đẹp, vừa không nứt nẻ, dễ làm, sử dụng được lâu bền. Những loại gỗ này sử dụng làm nhà thờ rất phù hợp, nếu mái nhà không bị dột nước, có thể sử dụng hàng trăm năm.

Thợ chạm khắc tại xưởng mộc của ông Nguyễn Văn Hùng.
Thợ chạm khắc tại xưởng mộc của ông Nguyễn Văn Hùng.

Nghề thợ mộc, nếu làm nhà ở bình thường chỉ cần lấy mực cho chuẩn là được, nhưng với nghề làm nhà thờ, cần phải cầu kỳ, tốn nhiều công sức. Vì ngoài sàm tốt, còn phải hoa văn sắc nét, chạm khắc tinh xảo, theo yêu cầu của khách. Khó nhất là khâu chạm khắc, nếp nhà đẹp hay không phụ thuộc rất lớn đến hoa văn chạm khắc, do vậy cần phải có tay thợ giỏi. Không những đẹp về hình thức mà luôn thực hiện đúng thời gian đặt hàng của khách. Bởi thế, xưởng mộc của ông Hùng nói riêng, làng nghề nói chung bận rộn quanh năm không hết việc, nhiều lao động có tay nghề cao ở Hà Nam vào đây làm công. Hiện tại, ông Hùng sử dụng 5 lao động có tay nghề vững, trong đó 1 thợ chuyên chạm khắc là người trong làng. Lương tháng ông Hùng trả theo tay nghề, với thợ ra gỗ, ông trả 4,5 triệu đồng/tháng, thợ chạm khắc giỏi, ông trả tới 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong làng nghề hiện nay số thợ biết chạm khắc chỉ có 3, 4 người, do vậy, các xưởng mộc phải thuê thợ từ Hà Nam về làm. Dụng cụ làm nghề chủ yếu sử dụng máy móc, nên tiến độ thi công làm một nếp nhà rút ngắn rất nhiều so với làm thủ công trước đây. Một căn nhà 3 gian, 4 vì gỗ, tổ thợ của ông Hùng làm từ 45 - 60 ngày là hoàn chỉnh, kể cả khâu phun sơn, dựng nhà cho khách. Mỗi năm xưởng gỗ nhận 4 - 5 căn nhà thờ, sử dụng khoảng 80m3 gỗ các loại. Nếu có khách, mỗi năm ông Hùng có thể nhận 20 nếp nhà, bởi trong làng còn có nhiều xưởng mộc chuyên làm nhà thờ như ông, mình nhận của khách, kết hợp với các xưởng mộc cùng làm. Đặc thù của làm nhà thờ là đồ to, sử dụng những thân cây gỗ to mới dội và dễ chọn, dễ làm. Người làm thợ cũng phải có sức khỏe mới khênh, vần dễ dàng những khúc gỗ to. Trước đây, các loại gỗ này thường đặt mua trong tỉnh, nhưng mấy năm nay phần lớn gỗ xoan, mít phải vào Gia Lai, Đắk Lắk mới có thân gỗ to, còn gỗ dổi, lim ngày càng hiếm, phải đặt hàng khắp nơi mới có. Gỗ mua về, dựa vào kích thước nếp nhà của khách đặt hàng, người thợ cả phải lựa chọn kỹ càng, tìm được lòng gỗ cho phù hợp, nếu không sẽ bị lãng phí. Cây nào làm cột, cây nào nên xẻ làm xà, văng, hoành... đều được tính toán kỹ lưỡng.

Một thợ chạm khắc tại xưởng mộc ông Hùng, là thanh niên tuổi gần 30, cho biết: “Hơn 10 năm làm nghề đục đẽo, chạm khắc này, kinh nghiệm rút ra là mình phải tuân thủ đúng thiết kế. Người thợ cần có hoa tay, kết hợp với tính chịu khó, cẩn thận. Muốn sản phẩm được đẹp, sắc nét, rất cần tâm hồn và sự tài hoa của người thợ. Ở đây làm quanh năm cũng không hết việc, lương được trả theo tháng. Với trách nhiệm của người thợ, đặc biệt là làm nhà thờ, thợ luôn làm việc bằng cái tâm.

Ông Nguyễn Văn Hùng hoàn thiện nếp nhà thờ theo kiến trúc cổ.
Ông Nguyễn Văn Hùng hoàn thiện nếp nhà thờ theo kiến trúc cổ.

Là xưởng mộc lớn trong làng, có việc làm quanh năm, nhiều thanh niên trong làng theo ông Hùng học nghề. Cả 5 người con ông đã tốt nghiệp đại học, có việc làm. Khi có người trong làng đến học nghề, ông không hề giấu nghề, bởi ông nghĩ nếu mình không truyền nghề, đến một lúc nào đó, làng nghề sẽ mai một, hoặc mất uy tín. Do vậy, những người đến học nghề đều được ông đào tạo chu đáo. Sau khi vững tay nghề, có thể ở lại làm cho ông, hoặc mở xưởng riêng. Đếm đầu ngón tay, đến nay ông đã đào tạo được 6 người làng thành nghề, trong đó 3 thợ ở lại làm cho ông, còn 3 người về mở xưởng riêng ngay tại làng. Với người thợ lâu năm như ông Hùng, niềm vui sau những ngôi nhà mới đã đành, còn có niềm vui riêng nữa là mình có công xây dựng cho làng nghề ngày thêm phát triển.

Nổi tiếng với nghề làm nhà thờ theo kiến trúc cổ, Làng nghề mộc Dinh Chu còn có đội ngũ tay thợ chuyên sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng khá phong phú. Men theo những con đường bê tông bám sâu trong làng, chúng tôi chạm ngay con đê sông Lam, án ngữ phía Nam của làng Dinh Chu. Ở đó có xưởng mộc của anh Lê Văn Thiện, khá nổi tiếng về sản phẩm mộc gia dụng cao cấp. Lúc này, xưởng mộc của anh Thiện có 2 lao động, ai cũng lấm tấm mồ hôi, rơi từng giọt trên khuôn mặt, nhưng vẫn tươi cười, trên đôi bàn tay thoăn thoắt theo nhịp máy cưa, máy bào. Anh Thiện mời chúng tôi vào nhà, nhìn bộ bàn ghế mới toanh, còn mùi nước sơn, anh khoe, mới rồi vừa hoàn thành bộ bàn ghế này, đóng theo kiểu mới, rặt gỗ đinh hương, có giá 50 triệu đồng, đã có nhiều khách hàng đến ngỏ ý mua, nhưng chưa cần bán, cốt là để giới thiệu sản phẩm mới. Hiện anh đang đóng một bộ giống như vậy, nhưng bằng gỗ dổi, giá thành sẽ thấp hơn. Theo nghề thợ mộc từ lúc 13 tuổi, lớn lên anh ra Hà Nội làm thuê cho một xưởng mộc, vừa nâng cao tay nghề, vừa tích góp đồng vốn. Năm 1996, anh về quê làm ăn bằng tay nghề của mình. Thời điểm đó, anh chủ yếu nhận các công trình trong và ngoài huyện, chuyên làm cửa, cầu thang, tủ bếp. Khi có đồng vốn khá hơn, anh về mở xưởng mộc tại nhà. Sản phẩm chủ yếu là hàng gia dụng nội thất cao cấp như tủ, giường, bàn ghế... Khác với thợ làm nhà, với thợ đóng hàng mộc gia dụng, nếu mua được gỗ tận dụng thì mới có lãi.

Trước khi rời Làng nghề mộc Dinh Chu, ông chủ xưởng mộc Nguyễn Văn Hùng không khỏi có chút băn khoăn, trăn trở: Điều cần thiết của làng nghề là hàng năm được quảng bá sản phẩm, nhưng ở đây không thể được. Nguyên nhân, cho đến bây giờ làng nghề vẫn chưa có tổ chức nào quản lý, chủ yếu là tự phát, các hộ tự tìm kiếm thị trường. Lẽ ra, làng nghề phải thành lập được tổ nghề, có người phụ trách, có thế cái nghề mộc cổ này mới phát triển bền vững. Do vậy, lớp trẻ trong làng bây giờ không mấy mặn mà với nghề này nữa, số lượng thanh niên học nghề ngày càng ít dần, nguy cơ làng nghề có thể bị mai một là điều dễ hiểu. Mong các cấp, các ngành cần sớm thành lập một tổ chức quản lý làng nghề để sản phẩm của Làng nghề mộc Dinh Chu được lưu truyền đến nhiều thế hệ mai sau! Những điều ông Hùng nói, cũng chính là điều trăn trở chung của người làng!

Xuân Hoàng