Chủ động quản lý an toàn hồ đập
(Baonghean) - Toàn tỉnh có trên 600 hồ đập lớn nhỏ, trong đó phần lớn đã có thời gian sử dụng trên 30, 40 năm, một số hồ đập đã bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Vì vậy, công tác kiểm tra, sửa chữa cũng như phân cấp quản lý các hồ đập luôn đặt ra bức thiết.
Cán bộ Sở NN&PTNT kiểm tra hồ Ruộng Xối ở xã Đức Sơn (Anh Sơn) trước mùa mưa lũ. Ảnh: p.v |
Để đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ, đối với các công trình đang được thi công, nâng cấp, tu sửa, các đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hạng mục công trình phòng, chống bão lụt, vượt lũ. Hồ chứa nước Thạch Tiền nằm trên địa bàn xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) có dung tích 3 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 200 ha lúa, đảm bảo nguồn nước cho nhân dân 2 xã Hưng Yên Bắc và Hưng Yên Nam. Gần 40 năm khai thác sử dụng, cùng với tác động của thiên tai diễn ra liên miên đã làm cho hồ chứa xuống cấp, phần thân đập bị sạt lở nhiều, ảnh hưởng tới việc dự trữ nước cũng như an toàn tính mạng cho nhân dân sống ở phía dưới thân đập trong mùa mưa lũ. Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cụm công trình hồ chứa Thạch Tiền, với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH thương mại Phú Quý đảm nhận thi công gồm các hạng mục như: Tràn xả lũ cao trình 18,7m; Thân đập phía trước được mở rộng thêm 3m, cao trình thân đập được nâng thêm 60 cm so với thân đập cũ. Phần chân móng được đào sâu xuống 7m, được xử lý chống thấm. “Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng chúng tôi đã dồn hết nguồn lực về phương tiện, máy móc thi công con đập để vượt lũ năm 2014. Đến nay, công trình cũng đã hoàn thành”, ông Nguyễn Văn Quảng - Giám đốc công ty TNHH Thương mại Phú Quý cho biết. Tuy nhiên, không phải công trình hồ, đập nào cũng đủ vốn đầu tư, việc thiếu kinh phí để nâng cấp, tu sửa các công trình vẫn luôn là bài toán khó cho các nhà quản lý, các cấp, các ngành. Đập Trọt Lũy ở xã Hiến Sơn (Đô Lương) có dung tích chứa 1 triệu m3, phục vụ tưới cho 120 ha đất sản xuất nông nghiệp. Dự án nâng cấp đã được phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 9,7 tỷ đồng, nhưng vẫn đang trong giai đoạn thi công và dự kiến đến cuối năm 2014 mới hoàn thành. Vì vậy, để kịp thời chống lũ, hiện nay đơn vị thi công đã tập trung thực hiện xong phần thân cống lấy nước. Hiện các hạng mục còn lại tiếp tục được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác phân cấp quản lý các hồ đập cũng đang đặt ra nhiêu vấn đề cần xem xét. Hồ Ba Cơi ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn có dung tích gần 3 triệu m3 , phục vụ tưới cho trên 200 ha cây trồng. Do nằm ở vùng địa hình miền núi nên hồ này được xây dựng trên cao. Đối với những người làm công tác chuyên môn, những hồ như thế này giống như những túi nước khổng lồ treo trên cao. Đây là mối hiểm họa đối với an toàn hồ đập mỗi khi mùa mưa bão về. Hiện nay, hồ Ba Cơi đang được giao cho xã Long Sơn quản lý. Với hồ có dung tích lớn như thế này, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quản lý vận hành và đảm bảo an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đến. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Phía dưới khu vực hồ vẫn có dân cư ở nên không thể chủ quan được, địa phương đã xây dựng những phương án ứng cứu khi cần thiết”.
Không riêng gì hồ Ba Cơi, mà hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều hồ, đập có dung tích trên 1 triệu m3 đang giao cho chính quyền địa phương quản lý, trong đó hầu hết đều do cấp xã quản lý. Từ thực tiễn cho thấy, khi các hồ có dung tích lớn do các địa phương quản lý, trong quá trình vận hành chống hạn hay phòng chống lụt bão đều thiếu khoa học, vì những người vận hành hồ chứa thường chỉ mới trải qua những lớp tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu về ngành Thủy lợi. Trong khi đó, hồ, đập luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa bên trong như: các ổ mối, rò rỉ… nếu không có chuyên môn sẽ không xử lý tốt. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết hồ đập trên địa bàn Nghệ An đều được đưa vào sử dụng lâu năm nên đã xuống cấp, cần được tu sửa. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết: “Trước tình hình trong mùa bão lụt đang đến gần, huyện Anh Sơn đã tiến hành chỉ đạo các xã căn cứ vào các phương án phòng, chống bão lụt để đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống bão lũ ở các hồ chứa. Làm sao để xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Các hồ đập trên địa bàn huyện đều đã được xây dựng từ những năm 90, quá trình vận hành diễn ra bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu tốt hơn, đưa vận hành đúng quy chuẩn Nhà nước, cần từng bước tăng cường đội ngũ quản lý hồ, đập có chất lượng cao hơn”.
Chính vì vậy, việc phân cấp quản lý các hồ có dung tích trên 1 triệu m3 cần được tính toán lại nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Các hồ đập do các địa phương quản lý, có ưu điểm là nằm trên địa bàn, tuy nhiên, nhược điểm là cán bộ quản lý hồ trình độ còn yếu, chưa đáp ứng được các tiến bộ kỹ thuật. Cho nên, tỉnh đã quyết định sắp tới các công trình hồ có dung tích trên 1 triệu m3, đập có chiều cao trên 15m sẽ giao cho các đơn vị chuyên ngành Thủy lợi quản lý. Điều nay sẽ tốt hơn cho công tác đảm bảo an toàn hồ, đập, bởi các công ty có đội ngũ quản lý chuyên môn tốt hơn”.
Vinh Thảo (Đài tỉnh)