Về ngôi Trường THCS mang tên Bạch Ngọc

21/08/2014 17:55

(Baonghean) - Đô Lương từ xưa đến nay vốn là vùng đất văn hoá, nổi tiếng hiếu học: "Đô Lương dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa ba đời". Trong dòng chảy đó, đất Bạch Ngọc cũng là một miền hiếu học có tiếng. Kể từ xa xưa cho tới bây giờ, và mai sau, ở miền quê ơn nghĩa Bạch Ngọc - Đô Lương "cơ hồ mỗi làng đều nhìn thấy trong mắt mình một cái bảng, một quản bút, một án thư" (Đặng Thai Mai).

Tìm hiểu lịch sử xã Lam Sơn và nhà trường tại phòng truyền thống

Thầy Cao Tiến Hảo - Hiệu trưởng trường THCS Bạch Ngọc "khoe": Ngày 7/7 vừa qua, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 3104 của UBND tỉnh. Chia sẻ niềm vui đó, chúng tôi cùng thầy trở lại với những năm tháng chưa xa của thầy trò, biết bao vất vả lo toan để có cơ ngơi và ngày mới bây giờ… Tháng 8/2008, khi đó UBND huyện đã có Quyết định số 1002 để sáp nhập 3 trường của 3 xã về điểm chính tại Lam Sơn với tên mới là Trường THCS Bạch Ngọc. Lúc đầu, người dân vẫn chưa đồng ý chuyển con em mình về trường mới bởi nỗi đường sá xa xôi, lại đã quen chốn học cũ. Cho mãi đến năm 2011, mái trường Bạch Ngọc mới thực sự là nơi tụ hội của học trò cả 3 xã. Bắt đầu từ đó là những ngày đầy vất vả để thầy trò chung tay vừa dạy, học vừa như con kiến tha mồi để đắp xây cơ đồ.

Thầy Cao Tiến Hảo dẫn chúng tôi ra phía trước trường, khoát tay một vòng về phía một cánh đồng nằm sâu dưới mặt đường Lam Giang chừng 3 mét "Đó là ruộng Con Đình, trước trường tôi cũng nằm sâu ngang mặt ruộng". Rồi thầy lại chỉ về ngọn đồi sau trường "Còn trường được như hôm nay là nhờ... đất đá từ đồi Cầu Trăn kia". Đồi Cầu Trăn thuộc xóm 8 (Lam Sơn), chỉ toàn loại đất đỏ trộn đá lổn nhổn. Trước đây mới 3 năm, cứ vào mùa mưa lụt là học trò cơ bản phải nghỉ học, năm nào cũng vậy. Rồi đến khi có con đường Giang Sơn Tây thi công, huyện đã hỗ trợ nhà trường lấy đất từ đồi Cầu Trăn, thêm công sức của thầy, cô, phụ huynh để tôn cao dần nền trường rộng trên 12.000 m2. Từ chỗ ngang bằng với mặt ruộng Con Đình, nay mặt nền trường đã được tôn cao lên đến 3 mét. Có nghĩa là nơi những thảm hoa mười giờ, hoa cúc đang tỏa sắc bên khu nhà hiệu vụ hôm nay chúng tôi đứng, đang ở trên chiều cao tương đương của một căn nhà. Mới 3 năm, thời gian chưa dài, nhưng để làm được chừng đấy, có lẽ chỉ có lòng yêu sự học đến thiết tha mới có thể làm được.

Vốn dĩ, kinh tế vùng này cũng nhìn vào cây lúa là chính, nhưng cũng chỉ trồng được vụ hè thu nên được coi như là vùng sâu, vùng xa của huyện. Thế nên, đặt công tác xã hội hóa giáo dục lên hàng đầu là một chuyện, có hay không lại là việc khác. May rằng, người tổng Bạch Ngọc xưa và dân 3 xã Ngọc - Lam - Bồi nay lại có tiếng hiếu học. Ngoài ngân sách huyện ngành Giáo dục vận động từng xã, xóm, từng người dân đóng góp để "Vì tương lai con em chúng ta". Nói như thầy Hảo thì "cứ phải chắt lót, góp nhóp mãi mới có được chừng này". Bây giờ, trên diện tích 12.631m2 đã có 1.732m2 khối công trình, 4.000m2 sân chơi bãi tập (bình quân 20m2/học sinh). Mỗi ca học có 19 phòng/19 lớp, diện tích 54m2/phòng, có phòng y tế, 2 phòng thí nghiệm, nhà truyền thống, kho thiết bị, nhà hiệu vụ, phòng học tin học, âm nhạc... Tất cả đã nên dáng vẻ một ngôi trường khang trang đúng nghĩa, cao ráo và rộn rã sắc mới trên đất Lam Sơn.

Thầy Nguyễn Xuân Thanh - Phó phòng GD - ĐT huyện Đô Lương cho biết: Trường THCS Bạch Ngọc là 1 trong 8 trường được sát nhập của huyện, nhưng là trường đầu tiên đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Năm học 2013 - 2014, trường được đánh giá thuộc tốp đầu toàn huyện. Giáo viên vững về chuyên môn với 37/45 người đạt danh hiệu dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên (trong đó có 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh). Năm học vừa qua, Trường có 4 học sinh đạt HSG tỉnh giải Nhất môn Lịch sử, giải Nhì môn Sinh học, tiếng Anh qua mạng, Giáo dục công dân. Đó chính là những quả ngọt đầu mùa của trường THCS Bạch Ngọc, nơi ươm mầm của ước mơ.

Bài, ảnh: Trần Hải