Vi phạm sử dụng điện ở Thanh Chương: Khó trong quản lý và xử lý!
(Baonghean) - Tình trạng “câu” trộm điện trên địa bàn Thanh Chương đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý, nhưng quan điểm giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn "vênh" nhau nên chưa có tác dụng răn đe và hiệu quả chưa cao...
Công nhân chi nhánh Điện lực Thanh Chương sửa chữa đường điện. |
Ngày 5/8/2014, Chi nhánh Điện lực huyện Thanh Chương phối hợp với Công an huyện và chính quyền xã Thanh Đồng kiểm tra đột xuất việc sử dụng điện của hộ ông Trần Tử Hà, xóm 8, xã Thanh Đồng. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện chủ gia đình là ông Trần Tử Hà đã có hành vi điều khiển công tơ đo điện theo ý mình. Xác định ông Hà đã vi phạm hợp đồng mua bán điện, Chi nhánh Điện lực Thanh Chương đã lập biên bản và tạm ngừng cấp điện. Sau khi tính toán sản lượng điện trên những thiết bị của gia đình, Chi nhánh Điện lực Thanh Chương kết luận, gia đình ông Trần Tử Hà đã có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Lượng điện năng mà ông Hà phải bồi thường cho bên bán điện là 19.016kWh, tương đương hơn 50 triệu đồng. Cùng với đó, Chi nhánh Điện lực Thanh Chương đã gửi hồ sơ về cho xã Thanh Đồng đề nghị xã xử phạt gia đình ông Trần Tử Hà theo quy định và thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã về hành vi vi phạm của gia đình ông Hà.
Trường hợp của ông Hà chỉ là một trong hàng chục vụ vi phạm mà Chi nhánh Điện lực Thanh Chương phát hiện được từ đầu năm đến nay. Ở xã Thanh Đồng, ngoài gia đình ông Hà thì trên địa bàn xã còn có gia đình ông Trần Võ Trường, Trần Võ An, Lê Đình Vui, Nguyễn Cao Mai, Nguyễn Đình Danh... có hành vi “câu” điện. Ông Nguyễn Doãn Thao, Chủ tịch UBND xã Thanh Đồng cho biết: Ngay sau khi Chi nhánh Điện lực Thanh Chương gửi hồ sơ về, chính quyền xã đã xử phạt các hộ có hành vi “câu” điện, mỗi hộ 2 triệu đồng. Đồng thời, xã đã thông báo trên loa truyền thanh của địa phương để nhắc nhở những gia đình này và truyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân toàn xã. Quan điểm của xã là không dung túng, xử lý nghiêm minh để răn đe.
Có thể nói, tình trạng “câu” trộm điện trên địa bàn huyện Thanh Chương đang “nóng” lên qua số vụ vi phạm và sản lượng điện thất thoát. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2014, Chi nhánh Điện lực Thanh Chương đã phát hiện 59 vụ vi phạm sử dụng điện với sản lượng lên tới hơn 149.000kWh, tương đương gần 400 triệu đồng. Trong đó, rất nhiều vụ vi phạm diễn ra trong thời gian dài, sản lượng điện thất thoát rất lớn gây tổn thất cho ngành Điện lực. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực Thanh Chương cho biết: Tình trạng vi phạm sử dụng điện ngày càng tăng về số vụ và sản lượng. Có nhiều trường hợp gia đình ăn cắp điện trong một thời gian dài nhưng chỉ đến khi người dân nghi ngờ, thông báo và ngành Điện kiểm tra thì mới phát hiện được. Theo quy định, ngành Điện sẽ thống kê thiệt hại dựa trên những thiết bị của gia đình đang có và tính ra trong 12 tháng, trừ đi số tiền mà gia đình đã trả để truy thu sản lượng điện thất thoát. Chỉ khi nào phía gia đình nộp đủ tiền bồi thường và chấp hành quyết định xử phạt hành chính của địa phương và cam kết không tái phạm thì chúng tôi mới đóng điện trở lại.
Cũng theo ông Khánh, thủ đoạn “câu” trộm điện càng ngày càng tinh vi, phức tạp và rất khó để phát hiện. Trong đó phổ biến nhất là những hành vi như: câu móc trực tiếp trước đồng hồ đo điện; can thiệp vào hệ thống mạch đo làm sai lệch sơ đồ nguyên lý hoạt động đồng hồ. Phương thức, thủ đoạn trộm cắp ngày càng tinh vi, khó phát hiện như: dùng kìm nhỏ phá niêm phong chì, từ đó can thiệp đồng hồ (như thay bánh răng, thay điện trở...), sau đó làm giả niêm phong chì; đảo sơ đồ của mạch đo, đảo trung tính trên lưới, lấy nguội ngoài; sử dụng nam châm vĩnh cửu cực mạnh đặt trên điện kế làm cho đồng hồ không chính xác, sử dụng máy tạo dòng... Địa bàn rộng lớn với 40 xã, thị trấn và nhiều cơ quan, đơn vị nên ngành Điện chưa thể quản lý hết được. Cùng với đó là lực lượng lao động mỏng, phải hợp đồng với người dân ở các xã nhưng những người này trình độ năng lực hạn chế, công việc chủ yếu là đọc công tơ, thu tiền điện, tham gia khắc phục khi có sự cố mà chưa bảo vệ, quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện của từng hộ gia đình. Chỉ khi thấy có dấu hiệu bất thường hoặc được người dân thông báo thì chi nhánh mới đi kiểm tra. Vì thế tình trạng trộm cắp điện đang diễn ra phức tạp”, ông Khánh cho biết thêm.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc phát hiện mà ngay trong khâu xử lý vi phạm cũng còn nhiều vướng mắc. Khi phát hiện hành vi vi phạm sử dụng điện, Điện lực yêu cầu gia đình phải bồi thường sản lượng điện đã ăn cắp. Cùng với đó, chính quyền địa phương phải tiến hành xử phạt hành chính và thông báo trên loa phát thanh. Tuy nhiên, một số địa phương thường áp dụng mức xử phạt thấp, không thông báo trên loa phát thanh nên hiệu quả không cao, không tạo được tính răn đe. Có trường hợp như gia đình ông Phạm Đức Nhâm, xóm 13, xã Thanh Hà có hành vi “câu” trộm điện với sản lượng 2.718kWh, tương đương hơn 7 triệu đồng nhưng chính quyền xã chỉ xử phạt 200 ngàn đồng.
Hay trường hợp của ông Lê Hữu Trì, xóm Ngọc Thượng, xã Thanh Ngọc có hành vi “câu điện” làm thất thoát 1.087kWh, tương đương hơn 2,8 triệu đồng nhưng xã chỉ phạt hành chính 500 ngàn đồng, chỉ nhắc nhở mà không thông báo trên loa phát thanh. Có những trường hợp, nghi ngờ gia đình vi phạm trong thời gian dài, nhưng do không xác định được cụ thể thời điểm vi phạm, dựa theo Thông tư 27 của Bộ Công Thương thì khoảng thời gian vi phạm được xác định không quá 12 tháng. “Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng trộm cắp điện gia tăng là do chính quyền các địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định của Nhà nước về sử dụng điện, khi có vi phạm thì xử phạt nhẹ, không có tính răn đe nên chưa nâng cao được ý thức cho người dân. Ngành Điện lực đã nhiều lần có ý kiến nhưng xem ra chưa có chuyển biến đáng kể”, ông Khánh cho biết thêm.
Để ngăn chặn hành vi “câu” trộm điện, trong thời gian tới, Chi nhánh Điện lực huyện Thanh Chương cần nâng cao nghiệp vụ và trách nhiệm cho tất cả cán bộ, công nhân viên làm công tác kiểm tra điện; mua sắm và cải tiến các thiết bị đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác kiểm tra điện; chủ động phối hợp chính quyền, công an địa phương trong việc ngăn ngừa, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng điện. Tích cực vận động người dân tham gia phong trào phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm. Ðồng thời tăng cường sự phối hợp với các cấp chính quyền, công an địa phương để bảo vệ lưới điện; tuyên truyền cho người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm sử dụng điện.
Nguyên Hưng