Chuyện các CĐV Việt Nam: "Phiêu" như Lá Đỏ, "điên" như Nguyễn Ân

30/11/2014 14:54

Họ tự nhận mình là những CĐV Việt Nam “không bình thường” bởi ở đâu có bóng đá thì ở đó họ sẽ xuất hiện, bất chấp trời mưa, trời nắng, thậm chí đôi khi họ bỏ lại cả một gia đình phía sau để thể hiện tình yêu chân chính với trái bóng tròn. Họ là Đỗ Hoàng Yến Phúc, người có biệt danh Lá Đỏ, là Nguyễn Ân và Minh Nguyệt…

TIN LIÊN QUAN

Thủ lĩnh dàn nhạc “pháo tay” của các CĐV Việt Nam, Đỗ Hoàng Yến Phúc tức Lá Đỏ

Thủ lĩnh dàn nhạc “pháo tay” của các CĐV Việt Nam, Đỗ Hoàng Yến Phúc tức Lá Đỏ

LÁ ĐỎ MUỐN “NHUỘM ĐỎ” CẢ SÂN

Hẳn các CĐV ngồi trên SVĐ QG Mỹ Đình (Hà Nội) và các khán giả truyền hình đã bắt gặp một CĐV mặc áo đỏ sao vàng xắn tay, vẽ mặt cầm trống đánh liên hồi, hoặc cầm chiếc loa tay bắt nhịp cổ vũ cho những người khác. Người mà chúng tôi đang nhắc đến chính là Đỗ Hoàng Yến Phúc (CĐV có nickname là Lá Đỏ).

Hỏi chuyện Lá đỏ, Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam (VFS) – ông Trần Hữu Nghĩa dường như không ngớt lời ca ngợi đầu lĩnh của VFS. “Tôi đi vác tù và hàng tổng đã hơn 20 năm nay rồi, nhưng nói thật chưa bao giờ “đụng” cô nào dữ dằn và “nhiệt” như Lá Đỏ.

Tôi có rất nhiều câu chuyện muốn nói về Lá Đỏ, nhưng có lẽ bạn sẽ tốn quá nhiều giấy mực nên tôi sẽ gói gọn lại thế này: Lá Đỏ là thực sự là một “đầu tàu” tuyệt vời của Hội, nơi đâu có cô ấy, nơi đó như được truyền sự máu lửa. Và tôi vẫn hay nói vui, đôi khi cầu thủ thấy Lá Đỏ đánh trống thôi cũng thấy rạo rực rồi…”. Ông Nghĩa dí dỏm nói về Đỗ Hoàng Yến Phúc.

Cũng nói thêm về Lá Đỏ, kể từ ngày thành lập Hội CĐV Việt Nam cho đến bây giờ, bất kỳ các giải đấu lớn nào của các ĐTQG, cô đều có mặt để chỉ huy dàn nhạc “pháo tay” của VFS.

Điều đặc biệt, bà mẹ 2 con này rất chịu chơi và chịu chi, bằng chứng là từ các giải đấu ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, cô luôn tự móc tiền túi của mình ra để thỏa mãn sự đam mê của mình. Có lẽ vì thế có lần chúng tôi hỏi: “Đi như vậy không sợ chồn chân mỏi gối à?”. CĐV đặc biệt này chỉ nhoẻn miệng cười: “Còn đi được là còn phiêu, thỏa mãn tình yêu của mình, đến từng nào không thể hò hét nữa rồi hãy tính”.

Cũng ít ai biết rằng, Yến Phúc đang làm công việc quản lý của hệ thống cà phê Passio ở TP.HCM, đồng thời là người phụ trách hậu cần kiêm thủ quỹ của VFS, càng bất ngờ hơn khi cô từng là một kiến trúc sư. Với đặc thù công việc như thế, người ta mới thấy, thủ lĩnh của các CĐV là người mê bóng đá đến cỡ nào.

ĐỘI TUYỂN Ở ĐÂU, NGUYỄN ÂN Ở ĐÓ

Năm 2013, lần đầu U19 Việt Nam tham dự giải U19 Đông Nam Á tại Indonesia không thu hút sự chú ý của giới truyền thông, đặc biệt là các trận đấu của thầy trò HLV Guillaume Graechen không được truyền hình trực tiếp. Nhưng “cơn đói” hình ảnh ấy đã ít nhiều được giải tỏa khi có một CĐV đã sáng tạo ra cách truyền hình trực tiếp qua… facebook.

Ở thời điểm ấy, hình ảnh đường truyền qua facebook cứ “cà giật”, thậm chí bị đứt quãng, nhưng mỗi trận đấu có sự góp mặt của U19 Việt Nam luôn thu hút nửa triệu lượt người truy cập. Đạo diễn, quay phim kiêm “bình loạn” viên của chương trình nói trên là Nguyễn Ân, một kỹ sư tin học đang sinh sống tại TP.HCM.

Nhắc đến Ân, chúng tôi cũng rất ấn tượng với cái sự “điên” đến dễ thương của anh. Đó là tại giải U22 Đông Nam Á 2014, anh chàng này tự bỏ tiền túi mua vé máy bay, trang bị đồ nghề sang Brunei để tác nghiệp.

Chuyên gia truyền hình trực tiếp qua facebook Nguyễn Ân

Thực tế, với cái máy quay cầm tay và do sóng wifi “yếu xìu”, Nguyễn Ân không thể gửi đường truyền tốt nhất về Việt Nam. Vì vậy, anh chàng này mới nghĩ ra một kế rất cao đó là “mượn đỡ” cái ti vi tại khách sạn để khuôn ra sân nhằm lấy hình ảnh trực tiếp cho đỡ nhòe.

Phi vụ ấy bất thành khi các nhân viên phát hiện ra khi chiếc ti vi quá to. Cũng khá hài hước, ông chủ khách sạn không những không quát nạt mà còn khen anh chàng này đầy tính “sáng tạo” và có giúp đỡ nhằm cải thiện… công trình.

Đấy là những mẩu chuyện để biết thêm về Nguyễn Ân. Còn bây giờ, nếu bạn ra sân Mỹ Đình thì dễ dàng bắt gặp, một người thường kè kè đứng kế bên Lá Đỏ, anh ta thường vẽ đỏ cả mặt, cầm loa nói liên hồi, người đó chính là anh chàng kỹ sư mà chúng tôi đã nói ở trên.

Hôm rồi, nhân dịp Ân ra Hà Nội cổ vũ cho ĐT Việt Nam, chúng tôi hỏi vui: “Đi loanh quanh như thế khộng sợ cạn vốn hả kỹ sư?”. Anh chàng này cười lớn, rồi trả lời: “Chưa bao giờ nghĩ mình có vốn cả, vì lần nào cũng như lần nào lĩnh lương xong lại có sự kiện bóng đá. Ngứa nghề, thế là người và tiền cùng ra đi”.

VỚI MINH NGUYỆT, XEM BÓNG ĐÁ THẬT TUYỆT!

Trong chuyến đi Hà Nội để cổ vũ cho ĐT Việt Nam thi đấu tại AFF Suzuki Cup 2014, từ miền Nam ngoài Yến Phúc, Nguyễn Ân, hội VFS còn có một “gà chiến” khác đó là Hoàng Minh Nguyệt, một CĐV đến từ Khánh Hòa…

Với các cầu thủ bóng đá, Hoàng Minh Nguyệt là cái tên không còn xa lạ, bởi cô có rất nhiều bạn bè trong giới quần đùi áo số. Dù không có “năng khiếu” chỉ huy như Lá Đỏ, nhưng về độ “nhiệt” thì cô gái đến từ phố Biển này chẳng thua kém bất kỳ CĐV nào.

Hoàng Minh Nguyệt (đeo kính) - CĐV nhiệt thành từ Khánh Hòa

Cũng như những CĐV khác, chuyến đi lần này, Minh Nguyệt tự móc hầu bao để đài thọ cho chính bản thân chuyến đi Hà Nội. Ngoài tiền bạc, cô còn phải gác lại công việc ở Khánh Hòa để hòa chung vào nhịp đập trên sân Mỹ Đình.

“2 năm mới có một lần, nên cũng cố gắng sắp xếp ‘’đu đeo” các anh chị ra Hà Nội cổ vũ cho đội tuyển. Nói gì thì nói, được có mặt ở đây là niềm vinh dự của cá nhân tôi. Cũng hi vọng rằng, ĐT Việt Nam sẽ gặp hái được thành công tại AFF Suzuki Cup lần này”. Hoàng Minh Nguyệt khép lại câu chuyện.

Vâng, đã có rất nhiều tranh cãi, những ý kiến xung quanh câu chuyện văn hóa cổ vũ cho ĐT Việt Nam. Trong số này, rất nhiều người vẫn có cái nhìn bi quan nhưng với sự xuất hiện những CĐV như: Yến Phúc, Nguyễn Ân, Minh Nguyệt…. cũng như rất nhiều CĐV sẵn sàng cháy hết mình vì BĐVN rõ ràng, chúng ta phải suy nghĩ về mọi thứ, chẳng hạn như, nên chăng đến sân cổ vũ cho đội tuyển, nên chăng xắn tay vào gây dựng phong trào, thay vì ngồi ngoài bình loạn, chém gió… những điều dễ xa nhau.

THÔNG TIN

Sóng sau nối sóng trước

Nhắc đến các CĐV bóng đá Việt Nam, người ta thường nói đến Sáng “Củ Chi”, thầy giáo Nguyễn Mạnh Hiền, Quê “râu”, Tuấn “trâu vàng”… Đây là những CĐV trên cả tuyệt vời của BĐVN trong những năm qua. Chắc chắn, thế hệ tiền bối này sẽ rất tự hào vì đã tìm thấy thế hệ kế cận, dù không “bạo chi”, cũng không có điều kiện kinh tế… Nhưng đổi lại, họ lại rất nhiệt, sẵn sàng làm tất cả để kéo các CĐV khác đến sân.

Theo Bongda+