Giảm nghèo - còn nhiều thách thức

08/07/2014 18:54

(Baonghean) - Xóa đói giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả bước đầu, giúp người dân cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để nâng cao tính bền vững của việc giảm nghèo cần tháo gỡ những tồn tại, khó khăn...

Những mô hình thiết thực

Ngày 26/9/2011, UBND tỉnh có quyết định về việc ban hành Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 22,89% đầu năm 2011 xuống còn 10% cuối năm 2015, giảm tương đương 88.800 hộ nghèo, bình quân hàng năm 17.800 hộ; tạo việc làm ổn định và đa dạng các hoạt động mang lại thu nhập cho người nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo lên 3 lần so với năm 2010. Các giải pháp thực hiện là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, trong đó xác định rõ bản thân người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo là chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng; phát triển kinh tế - xã hội, gắn giải quyết việc làm với giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và 42 xã nghèo theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2010 của UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh với Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo các cấp tập trung chỉ đạo giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo, hộ nghèo…

Mô hình trồng rau an toàn ở Thạch Giám (Tương Dương).
Mô hình trồng rau an toàn ở Thạch Giám (Tương Dương).

Triển khai chủ trương trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ các hộ nghèo như ưu tiên cho vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phát triển, nhân rộng các mô hình xóa đói giảm nghèo. Ví như xã Ngọc Sơn - một trong những xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giao thông và thủy lợi. Đại đa số nhân dân trong xã sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 trên 10%. Ông Nguyễn Hữu Bộ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm qua, để giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường khảo sát, nắm bắt nhu cầu của các hộ nghèo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,2% năm 2013.

Điển hình là trường hợp gia đình anh Hồ Minh Đăng, một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xóm 4B xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu). Năm 2011, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, gia đình anh đã được vay 20 triệu đồng để phát triển nuôi bò sinh sản. Tận dụng nguồn thức ăn từ rau xanh sẵn có cùng với sự hướng dẫn về KHKT, cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh của cán bộ thú y xã, qua 2 năm, vật nuôi của gia đình anh đã sinh trưởng tốt và sinh sản hai lứa với số lượng 3 con. Hiện tại gia đình anh đã bán 2 con bò sinh sản để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, còn lại 3 con bê gia đình anh tiếp tục đầu tư chăm sóc để phát triển chăn nuôi, gia đình đã thoát nghèo. Được biết, những năm qua, huyện Quỳnh Lưu đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách giảm nghèo như vận động quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ xuất khẩu lao động, xây dựng ngân hàng bò giống giúp hội viên nông dân nghèo… Nhờ đó, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn huyện là 9,2%, giảm 5,78% so với năm 2010.

Ngược lên miền Tây, là địa bàn thuộc huyện nghèo 30a, các nguồn lực còn hạn chế, xã Thạch Giám (Tương Dương) đã lựa chọn triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với đặc thù của địa phương để nhân rộng, cải thiện thu nhập cho nhân dân. Từ năm 2011, xã đã triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo như mô hình chăn nuôi lợn đen ở bản Phòng, bản Mác, bản Lau, bản Chắn; phát triển nuôi trâu, bò ở bản Khe Chi, bản Thạch Dương, bản Lau… Một trong những trường hợp thoát nghèo nhờ tham gia mô hình là gia đình ông Vi Đức Tuấn ở bản Mon. Từ năm 2011, gia đình đã tham gia chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng và đến nay, gia đình ông có khoảng 50 con lợn; ngoài ra còn có cả dê, bồ câu, gà… mỗi năm cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi, xã còn phát triển mô hình trồng rau an toàn để nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Chị Lương Thị Hiên – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết: “Để xây dựng thành công mô hình này, huyện chỉ đạo các ngành vận động, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, cung cấp giống cho nhân dân gieo trồng các loại bắp cải, đậu, cà chua… Diện tích cho các mô hình này tuy nhỏ nhưng mang lại thu nhập khá, có hộ thu nhập 7 - 10 triệu đồng một vụ rau. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm từ gần 30% năm 2010 xuống còn 15,7% năm 2013”.

Từ năm 2011 đến nay, thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh và cùng với việc xã hội hóa huy động các nguồn lực, Nghệ An đã đầu tư trên 6.978 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương thì UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách của địa phương như Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 12/8/2010 về hỗ trợ giảm nghèo đối với 42 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài các huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a; Quyết định 1310/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 về phân công 86 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 88 xã nghèo miền Tây... Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, các ban, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, huy động nội lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp… Với sự vào cuộc tích cực cấp ủy, chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của tỉnh giảm 3,16% (từ 22,89% năm 2010 xuống 13,4% năm 2013). Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong được đầu tư trên 353 tỷ đồng để đầu tư 75 công trình hạ tầng cơ sở (41 công trình được đưa vào sử dụng); được bố trí gần 120 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển nông lâm nghiệp và giao đất, trồng rừng, thu hút trí thức trẻ. Tỷ lệ hộ nghèo của 3 huyện này giảm bình quân 6 – 7%/năm.

Còn nhiều thách thức

Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh ta tuy đã đạt được nhiều kết quả, song hiện vẫn còn không ít khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân cả nước (9,6%); tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, trên 14% (tương đương 109.342 hộ). Nguyên nhân là do Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, khí hậu khắc nghiệt; đại bộ phận hộ nghèo của tỉnh có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, không ổn định; vẫn còn một bộ phận hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số địa phương chưa triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác giảm nghèo; năng lực quản lý, điều hành thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cán bộ còn hạn chế, nhất là cấp xã. Đơn cử như ở huyện Tương Dương, trong số hơn 290 mô hình giảm nghèo được triển khai từ năm 2010 đến nay, có đến 125 mô hình phải xóa bỏ do không có hiệu quả. Và trong số gần 170 mô hình còn lại, một số mô hình cũng đang rất bấp bênh như mô hình trồng cây keo lai ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Lưu Kiền...; mô hình trồng chuối tiêu hồng ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Lưu Kiền, Xá Lượng, Nga My, Xiêng My; mô hình nuôi nhím, nuôi gà thả vườn, gà Lượng Phương, gà đen, mô hình lò ấp trứng, mô hình nuôi ong, mô hình hầm biogas... Nguyên nhân chính là do năng lực và tinh thần trách nhiệm hạn chế của cán bộ khuyến nông, không đánh giá đúng điều kiện áp dụng thực tiễn như khí hậu, đất đai, trình độ của người dân, không tính toán được đầu ra cho sản phẩm hoặc thiếu hướng dẫn, giám sát nên không ít mô hình triển khai thiếu hiệu quả. Do đó, bà con lại quay về với phương thức sản xuất truyền thống là trồng lúa, ngô, việc thoát nghèo gặp bế tắc. Không chỉ Tương Dương mà các huyện miền núi khác có tỷ lệ hộ nghèo cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu… cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Hơn nữa, có thể thấy, các chính sách giảm nghèo hiện vẫn còn một số bất cập. Các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước tuy lớn nhưng dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Chính sách giảm nghèo còn triển khai theo kiểu cào bằng, mà chưa có sự phân loại hộ nghèo vì nguyên nhân gì (thất nghiệp, lười lao động, mới tách hộ, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu nhân lực)... để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Để nâng hiệu quả của chương trình giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, các giải pháp được tỉnh triển khai thực hiện là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, gắn giải quyết việc làm với giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo và cán bộ chủ chốt ở các xã nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ trợ các huyện, xã nghèo… Đặc biệt, để cụ thể hóa hơn nữa các chính sách giảm nghèo, hiện nay UBND tỉnh đang hoàn thiện Đề án “Giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân vùng miền Tây và ven biển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” với các giải pháp cụ thể: từng bước thu hút các cơ sở, các nhà máy chế biến lên các địa phương miền Tây để sử dụng và tiêu thụ nguồn nguyên liệu cũng như nhân công lao động tại chỗ; đảm bảo các chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số và ngư dân để yên tâm lao động, sản xuất; ưu tiên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, dạy nghề, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống của người dân ở vùng biển và vùng miền Tây...

Minh Quân