Kỳ vọng dự án cống ngăn mặn sông Hoàng Mai
(Baonghean) - Hiện nay, người dân một số vùng của Thị xã Hoàng Mai đang phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng do nguồn nước sông Hoàng Mai đang bị nhiễm mặn không thể sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Không những thế, việc chủ động tưới tiêu cho diện tích trồng lúa và màu trên địa bàn cũng đang gặp khó khăn vì nguồn nước lấy từ kênh dẫn qua hồ Vực Mấu không đủ. Vì vậy, “Dự án cống ngăn mặn và cải tạo môi trường trên sông Hoàng Mai” ra đời có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho người dân.
Đoàn của Bộ NN&PTNT và nhà cung cấp tín dụng Hàn Quốc thực địa tại vùng dự án. |
Hộ anh Trần Văn Tuất, khối Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dị có 2 ha đất ruộng hai lúa, thế nhưng mấy năm nay đành bỏ hoang vì nguồn nước tưới từ sông Hoàng Mai đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Mỗi khi lấy nước để tưới, thì toàn bộ diện tích mạ mới cấy bị chết héo. Vì thế, hơn 80% người dân phường Quỳnh Dị đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa sang ương, nuôi thủy, hải sản. Tuy nhiên, việc chủ động nguồn nước để ương, nuôi thủy, hải sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì hầu hết nguồn nước đều phải lấy từ hồ Vực Mấu, chi phí cho việc vận chuyển rất lớn.
Hiện nay, Thị xã Hoàng Mai có 35.574 hộ dân với 167.165 người thuộc vùng dự án (phường Mai Hùng và Quỳnh Dị), trong đó, 3.675 hộ (17.620 người) được sử dụng nước từ các nhà máy nước tập trung, phần còn lại chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, các nguồn nước này lại bị xâm mặn, theo Sở NN & PTNT có những vị trí khoan trắc sâu từ 100m – 120m vẫn là nước phèn và độ mặn cao. Nhiều năm qua, người dân trong vùng đã phải mua nước ngọt từ các nơi khác, hàng ngày, có hàng chục chuyến xe chở nước ngọt vào xóm bán cho người dân với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/m3. Nhu cầu dùng nước phục vụ sinh hoạt cho người dân đến năm 2020 trong vùng dự án là 12,4 triệu m3/năm. Theo tính toán thì đến năm 2020, không chỉ có Quỳnh Dị và Mai Hùng mà người dân tại các phường Quỳnh Thiện, Đại Vinh đều phải chịu cảnh thiếu nước.
Bên cạnh đó, với việc xây dựng các khu công nghiệp lớn như: Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Đông Hồi… nhu cầu dùng nước cho sản xuất cũng đòi hỏi rất lớn. Theo tính toán trong quy hoạch, nhu cầu nước dùng cho công nghiệp đến năm 2020 trong vùng dự án là 99,69 triệu m3/năm, mà nguồn nước từ hồ Vực Mấu không thể cung cấp đủ. Vì thực tế, hiện nay hạ lưu hồ Vực Mấu có diện tích 155km2 thì 36km2 đã được khai thác để phục vụ sản xuất bằng việc xây dựng 11 hồ chứa nhỏ, phần diện tích còn lại không xây dựng hồ chứa để điều tiết nước, do vậy, chỉ có thể khai thác lưu lượng cơ bản. Nhưng sông Hoàng Mai có độ dốc nhỏ nên bị mặn xâm nhập sâu (tận chân hồ Vực Mấu) nên để khai thác được lưu lượng cơ bản, không có cách nào khác ngoài việc xây dựng cống ngăn mặn ở cửa sông để bổ sung cấp nước thêm tối đa 9,5 triệu m3, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân thuộc vùng dự án.
Với tính cấp thiết đó, ngày 29/8/2012, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 2065/QĐ BNN – KH cho phép lập dự án đầu tư và giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Sở NN&PTNT Nghệ An. Trong buổi làm việc với nhà đầu tư thuộc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Mục tiêu của dự án ngoài việc nhằm chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc xây dựng cống ngăn mặn còn góp phần cải thiện cảnh quan, cải tạo môi trường tự nhiên trong vùng dự án, kết hợp cải thiện giao thông đường bộ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương cho nhân dân phường Mai Hùng, xã Quỳnh Dị và các khu vực lân cận”.
Dự án cống ngăn mặn và cải tạo môi trường trên sông Hoàng Mai đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho phép lập dự án đầu tư và vận động nguồn vốn từ Chính phủ Hàn Quốc (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư của dự án là 681.233.000.000 đồng. Thực hiện nội dung Công văn số 755/BNN – HTQT ngày 5/3/2014 của Bộ NN&PTNT về việc cam kết bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương, UBND tỉnh cam kết sẽ bố trí đủ nguồn vốn đối ứng của địa phương theo văn kiện của dự án được phê duyệt cho các hạng mục: đền bù giải phóng mặt bằng, nạo vét, tư vấn và quản lý dự án, kinh phí dự phòng và kinh phí dự án trong giai đoạn 2014 - 2020. Giai đoạn lập dự án và thiết kế 3 năm (từ 2012 - 2014). Giai đoạn thi công xây dựng công trình 3 năm (2015 - 2017). |
Thanh Nga