Triều Tiên: Điểm đến của "dòng chảy phương Nam"?

06/12/2014 07:00

(Baonghean) - Trong bối cảnh mối quan hệ giữa các ông lớn của thế giới: Nga, Mỹ, EU và Trung Quốc liên tục diễn biến phức tạp, việc Nga xúc tiến quan hệ với Triều Tiên - dù không quá vồn vã - là một động thái rất đáng chú ý. Có phải Nga đã chọn được điểm đến cho "dòng chảy phương Nam"?

Trong một thời gian dài, Trung Quốc từng là đồng minh duy nhất của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khó mà khẳng định điều này. Trong vòng 1 năm trở lại đây, Mátxcơva và Pyongyang đã có những bước tiến đáng kể về phía nhau. Sự quay trở lại công khai của Nga tại Bắc Triều Tiên - bàn cờ mà Nga vốn đóng vai trò không mấy ồn ào - đã thu hút sự quan tâm của các thế lực toàn cầu. Trên thực tế, vấn đề Triều Tiên là một trong số những chủ đề hiếm hoi mà Mỹ và các quốc gia đồng minh có cùng quan điểm với điện Kremlin. Theo phân tích đăng tải trên trang Web 38 North của chuyên gia Georgy Toloraya tại phân viện kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, rất có thể Nga sẽ thay đổi vị trí đối đầu với tham vọng hạt nhân của quốc gia châu Á này. Thay vào đó, trong tương lai, Nga sẽ bất hợp tác hơn với chính sách cô lập Triều Tiên của Mỹ.

TIN LIÊN QUAN

Tổng thống Vladimir Putin tiếp Choe Ryong-hae - thân tín của Chủ tịch Kim Jong-un, ngày 18/11/2014 tại Mátxcơva.
Tổng thống Vladimir Putin tiếp Choe Ryong-hae - thân tín của Chủ tịch Kim Jong-un, ngày 18/11/2014 tại Mátxcơva.

Ngày 18/11 vừa qua, Ủy ban Đại hội đồng Liên Hợp quốc chịu trách nhiệm về vấn đề nhân quyền đã thông qua giải pháp đệ trình bởi Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Theo đó, Triều Tiên sẽ bị triệu tập ra toà án quốc tế. Cùng lúc đó, Choe Ryong-hae - Thư ký Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên có chuyến thăm Mátxcơva và được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón. Qua kênh phỏng vấn truyền thông, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không đánh giá cao quyết định nói trên của Liên Hợp quốc và nhận định rằng các cơ quan của Liên Hợp quốc không nên tự biến mình thành những "công cụ pháp lý".

Nói về tầm quan trọng của Choe Ryong-hae, đây là nhân vật được Chủ tịch Kim Jong-un hết sức tín nhiệm. Mùa hè năm 2013, Choe Ryong-hae từng là đại diện của ông để làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ông cũng là thành phần cấp cao của đoàn đại biểu Triều Tiên đến Seoul dự Lễ bế mạc Thế vận hội hồi tháng 10 vừa qua. Quay trở lại về sự kiện Choe Ryong-hae đến Mátxcơva, đây là lần thứ 3 một quan chức cấp cao của Triều Tiên đến thăm và làm việc tại Nga trong vòng 1 năm trở lại đây. Ông Cheong Seong-chang - chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul dự đoán "Rất có thể Pyongyang đang nhắm đến một cuộc gặp ở cấp cao hơn".

Hiện 80% các trao đổi với bên ngoài của Triều Tiên vẫn đang phụ thuộc vào Trung Quốc, do chính sách cô lập mà Mỹ khởi xướng. Bất chấp những tuyên bố về tình hữu nghị không thể bị phá vỡ, trên thực tế Trung Quốc không lấy gì làm bằng lòng với những tham vọng của Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân và thử nghiệm tên lửa. Đổi lại, Triều Tiên cũng không hoàn toàn tin tưởng vào người láng giềng này. Mối nghi ngờ của Pyongyang không phải là không có căn cứ: Tập Cận Bình chưa từng đích thân đến Pyongyang nhưng lại đến Seoul hồi tháng 7 vừa qua. Nếu như trong quá khứ, Triều Tiên được nhận sự đỡ đầu của hai ông lớn là Trung Quốc và Liên bang Xô Viết bằng cách chơi trò chơi đối trọng một cách khéo léo thì tình thế nay đã khác. Và có vẻ như Triều Tiên đã tìm thấy triển vọng đầy hứa hẹn ở những đối tác Nga.

Ông Park Byung-in của Đại học Kyung-nam, Seoul khẳng định, Nga đang đánh giá lại "tầm quan trọng chiến lược của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên" trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ và liên minh châu Âu đang ngày càng xấu đi do khủng hoảng Ukraina. Bị "khoá tay" ở phương Tây, có vẻ như Nga đang muốn chuyển hướng sang phía Đông và tính toán đến việc sử dụng con bài Triều Tiên để "dằn mặt" Mỹ. Trong những tháng vừa qua, trong khi Mỹ và liên minh châu Âu không ngừng đưa ra những cấm vận với Nga thì Kremlin nhanh chóng ký kết với Pyongyang nhiều thoả thuận.

Thực ra quan hệ giữa Nga và Triều Tiên không đơn giản như vậy. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Nga đã "quay lưng" lại với Triều Tiên và chỉ nối lại quan hệ hai nước kể từ tháng 2 năm 2000 bằng một hiệp ước hữu nghị, láng giềng và hợp tác. Ngay sau đó, Tổng thống Putin đã đến thăm Pyongyang và sau đó 1 năm là chuyến thăm Mátxcơva của Chủ tịch đương thời Kim Jong-il. Tháng 8 năm 2011, tại Ulan-Ude (Nga), Chủ tịch Kim Jong-il đã cùng Tổng thống Dmitri Medvedev thông qua 2 dự án lớn: Lắp đặt một đường ống dẫn nhiên liệu đến Hàn Quốc chạy qua Triều Tiên và việc phục hồi lại tuyến đường ray ở giữa biên giới Nga và khu vực kinh tế đặc biệt Rason (Triều Tiên) hướng tới viễn cảnh kết nối mạng lưới đường sắt Bắc và Nam Triều Tiên đến Transsiberian. Nếu dự án thứ 2 này thành công, sẽ giảm được một nửa quãng đường lưu thông hàng hoá từ châu Âu thông qua kênh đào Suez.

Nếu như dự án đầu tiên không thành vì thái độ miễn cưỡng của Seoul thì dự án thứ 2 - trái lại - đã hoàn thành vào tháng 9 năm 2013. 54 km đường sắt được thông tuyến, cho phép Nga sử dụng Rason - một bến cảng không bị đóng băng vào mùa Đông - để giảm tải cho Vladivostock. Gần đây nhất, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước tiến thêm một bước mới khi Nga quyết định xoá 90% khoản nợ mà Triều Tiên vay từ thời Liên bang Xô Viết (10,9 tỷ đô la). Ngoài ra, hai bên cũng quyết định dùng đồng rúp Nga trong quan hệ giao dịch song phương nhằm giảm sự lệ thuộc của Triều Tiên vào đồng đô la Mỹ. Mặc dù hiện tại hoạt động giao dịch giữa hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn (100 triệu đô la vào năm 2013) nhưng con số này hoàn toàn có thể đạt đến 1 tỷ đô la vào năm 2020 dựa trên tốc độ tăng trưởng những năm gần đây.

Riêng năm 2013, xuất khẩu dầu sang Triều Tiên tăng 58,5% so với năm 2012. Mátxcơva cũng có dự định làm mới một nửa hệ thống đường sắt Triều Tiên để đổi lấy đặc quyền được khai thác một số nguồn khoáng sản ở đây. Một nước cờ khôn ngoan nhằm "về đích" trước khi bất cứ đối thủ nào có cơ hội nhập cuộc. Andrei Lankov của Đại học Kookmin, Seoul cho rằng Nga sẽ không thay thế hoàn toàn vai trò đỡ đầu của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Đến một chừng mực nào đó, điện Kremlin ắt sẽ có điểm dừng của mình trước khi bước qua phía bên kia một ranh giới phân ly hoàn toàn với nửa còn lại của thế giới do Mỹ và liên minh châu Âu đứng đầu. Nhưng ranh giới đó nằm ở đâu, khi mà tình hình Ukraina vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo theo căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Nga - phương Tây. Cửa ngõ phía Tây đã khép kín chưa hay "dòng chảy phương Nam" chỉ là một sự "rò rỉ" nhất thời?

Thục Anh (Theo Le monde)