Chỉ còn quá khứ

07/08/2014 18:42

(Baonghean) - Trưa Nam Lộc. Những cơn mưa bất chợt ào xuống giữa trời gắt nắng. Ông Nguyễn Văn Minh thở dài: “Thời tiết kiểu ni, chị ấy lại thấy bức bối đây”. Nói rồi, ông chậm rãi lấy chìa khóa mở căn phòng bên chái nhà, nơi có tiếng người đang hô dõng dạc: “Anh em chuẩn bị sẵn sàng!”. Ánh sáng vừa lọt vào căn phòng ẩm tối, chúng tôi kịp thấy một người phụ nữ thu mình trong góc khuất, đôi mắt mở to nhìn ra cửa. “Thôi, đồng chí đã xong nhiệm vụ”, ông Minh nói với một ánh cười buồn, rồi dẫn người phụ nữ ra sân, ngồi xuống nơi bậc thềm: “Đây, chị Liên của tui đây!”...

Chị em bà Nguyễn Thị Liên.
Chị em bà Nguyễn Thị Liên.

Người phụ nữ tuổi đã 61 có mái tóc dày xù lên, gương mặt cương nghị, ánh nhìn quả quyết - người đã khiến chúng tôi không khỏi tò mò mỗi lần đi qua những ngả đường của Nam Lộc, Nam Đàn này nhiều năm về trước, bây giờ đang ngồi yên lặng nơi bậc thềm nhà. Bà ngồi lặng yên như thế, nhưng quá khứ chưa phút nào yên ngủ trong lòng bà 40 năm qua. Chúng tôi hỏi: “Hôm nay, bà có phải đi làm nhiệm vụ không?”. Bà trả lời: “Có chứ, ở trong kia (ý nói trong rừng, núi) đông lắm, có nhiều bộ đội đang hành quân, bom đạn nổ cả ngày” - “Thế bà không sợ sao?” - “Không, sợ gì. Phải làm cho tròn nhiệm vụ!”.

Người dân Nam Lộc không ai không biết tới bà Nguyễn Thị Liên. Người ta luôn gặp bà đứng nghiêm trang ở các ngã ba, ngã tư đường với một cành lá trên tay, phất lên, phất xuống để “điều khiển” xe qua. Bà chẳng điều khiển được ai cả, nhưng điều đó cũng không khiến bà bận tâm, bởi vì hình như có một thế giới khác, một trật tự khác đang diễn ra trước mắt bà, không phải là cái hiện thực mà mọi người bình thường vẫn thấy. Vậy là, bà cứ phất cành cây, xe cứ đi qua, đi lại, ai tò mò thì chỉ trỏ: “Ồ, bà điên”, người biết rồi thì buông lời thương cảm: “Bà Liên lại ra làm nhiệm vụ rồi đây!”. Còn trong tâm trí bà, hẳn rằng, lúc đó là rầm rập những đoàn quân, những chuyến xe đang trên đường ra tiền tuyến.

Hẳn rằng, trước mắt bà là đèo dốc, là những cánh rừng đầy đạn bom? Hẳn rằng, trên cao kia máy bay đang gầm rú và những người lính lái xe đang căng mắt chờ lá cờ lệnh của bà phất lên trong bóng đêm để vượt ngầm. Bà làm không ngừng nghỉ, không biết nắng, mưa. Có ai đó gọi: “Bà Liên ơi, về ăn cơm” là bà dõng dạc trả lời: “Nhiệm vụ chưa xong, chưa ăn được”. Thế là có hôm, người nhà, hay người dân quanh đó phải đưa cơm, đưa nước ra tận nơi bà “đang làm nhiệm vụ” để dụ bà nghỉ tay ăn uống. Đôi lúc, người ta lại thấy bà ôm trên tay một bó hoa dại và cười. Bà ngồi nghiêng, đổ suối tóc dài của mình (mà thực chất nó đã bù xù, rối bết), chải trước ngọn gió và cất tiếng hát. Những bài ca cách mạng, những bài ca ngợi niềm tin chiến thắng vang lên, với tất cả hứng khởi và hạnh phúc ngập tràn. Với bà, lúc này là khi chiến trường vừa im tiếng súng...

Hiện tại, đối với bà Liên, là điều không thể hiểu nổi, có thể chất chứa đầy rẫy những hiểm nguy. Chẳng thế mà cách đây mấy năm, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình dựng cho bà căn nhà mới, cạnh căn nhà cũ xập xệ mà cha mẹ để lại cho bà. Nhưng bà chỉ ở đó đúng một ngày. Bà nói: “Ở đó nguy hiểm lắm, thấy cái lán này cứ chênh vênh”, để rồi lại tìm về mái lều cũ. Căn nhà nhỏ quét vôi xanh, nằm im lìm dưới chân dãy Thiên Nhẫn bây giờ luôn đóng cửa, khóa đã hoen rỉ, hiên nhà thành nơi chất củi của ai đó. Còn căn nhà cũ, ông Nguyễn Văn Minh (em trai bà) đành phải đập bỏ, vì lâu nay, ông cương quyết không để chị sống đơn độc mà đưa về nhà mình chăm sóc, dù bà Liên phản đối, và cũng chẳng biết em mình là ai!

Ngôi nhà của bà Liên được hỗ trợ giờ bỏ hoang.
Ngôi nhà của bà Liên được hỗ trợ giờ bỏ hoang.

Ông Minh, cựu chiến binh, người đảng viên - Bí thư Chi bộ xóm 10, Nam Lộc ấy tâm sự đầy ngậm ngùi: “Đã 40 năm, từ ngày tui chứng kiến chị mình trở về và sống cuộc sống riêng... Anh chị em, tiếng là có 7 người, nhưng cũng toàn người ở xa, chỉ còn tui với chị ấy. Từ khi cha mẹ mất đi, chị ấy sống một mình trong căn nhà cũ, thì tui lại càng cầm lòng chẳng đặng. Vì cứ lúi húi một mình, nhiều bận, chị tui bỏ đi, mãi mới tìm thấy. Gặp nhau, tui ôm chị mà khóc... Chẳng bao giờ tui biết khóc mô, nhưng đúng là với chị ấy, tui đã rơi nước mắt...”.

Tính đến hôm nay, không dưới 3 lần, bà Liên đã tự mình làm một cuộc “hành quân”. Lương thực tiếp tế ông Minh đưa đến, được bà gói ghém cẩn thận, cùng quần áo, xoong nồi... được bà mang trên lưng để đi làm nhiệm vụ. Bà men theo đường rừng, đường núi mà đi. Ông Minh vào thăm, tá hỏa khi không thấy chị, huy động, nhờ cậy cả bà con trong xóm, các đoàn thể, hội CCB đi tìm. Một lần, tìm được bà tận Thanh Lâm (Thanh Chương), lần khác thấy bà ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Còn lần gần đây nhất, ông Minh đã ngỡ rằng mình sẽ chẳng bao giờ được thấy chị nữa khi hàng trăm người đã được huy động tìm ròng rã 13 ngày mà vẫn không thấy. Ông Minh tự tay đi phô tô mấy trăm bức ảnh chị mình, nhờ Đài Truyền hình thông báo, để rồi mỗi lần nghe ai báo nhìn thấy một phụ nữ lang thang nào đó, ông lại tất tả lao đến. Ngần ấy ngày chị bỏ đi, là ngần ấy ngày người em trai lặn lội khắp núi, tìm từng bụi cây, quên cả ăn. Chỉ khi đêm khuya về, ông Minh mới chịu xuống núi với tâm trạng thẫn thờ.

Cho đến ngày thứ 14, mọi hy vọng đã dần cạn thì tình cờ có tin báo về một người đi củi đã gặp một phụ nữ cầm ca nước lết xuống từ một hốc sâu trên núi để đi tìm nước. Ông Minh vội theo chỉ dẫn lên tìm gặp chị mình đang lả đi bên miệng hố. Nước mắt người em trai tuôn trào trong giây phút ôm trên tay mình thân hình kiệt quệ của chị: “Chị ơi, sao lại bỏ nhà mà đi?”. Người chị thì thào: “Tui phải đi làm nhiệm vụ. Trên đã giao đi 15 ngày, bây giờ mới được có 13 ngày, còn 2 ngày nữa mới xong...”. Cũng như các lần khác, bà nhất quyết không chịu về với lý do bộ đội đang hết gạo, họ đang đói nên bà phải gánh vào tiếp tế, để “bộ đội đủ sức mà đánh giặc”.

Đã từng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng cái giây phút ông cúi xuống bên chị mình ngày hôm ấy đã khiến cho ông thấm thía nỗi bất hạnh của chị. Ông nhìn sâu vào gương mặt chị, gương mặt đã lâu rồi không có thực tại, gương mặt chỉ sáng lên ánh nhìn quá khứ. Ừ, năm đầu 1970, khi ấy chị quãng chừng 17, 18 tuổi, đang ở thời thanh xuân phơi phới. Đã có nhiều người trai ngấp nghé, cũng đã định lấy chồng rồi. Người ta đã có ý làm đám hỏi... Thế rồi, cũng như bao nhiêu thanh niên ngày ấy, không thể đứng ngoài cuộc chiến giành độc lập, thống nhất của dân tộc mình, chị nghĩ rằng, cuộc sống đẹp đẽ nhất của người thanh niên khi Tổ quốc lâm nguy là ở chiến trường. Thế là khi Mỹ ném bom ồ ạt bến đò Vạn Rú - Rú Trét (Khánh Sơn - Nam Đàn), chặn đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam, chị xung phong vào trung đội dân quân có nhiệm vụ chèo thuyền đưa bộ đội qua sông. Trung đội ấy được mệnh danh là “Trung đội Thép”, với tinh thần sẵn sàng cảm tử.

Chị cùng đồng đội còn làm nhiệm vụ rà, phá bom nổ chậm nữa... Rồi sau đó, chị lại tình nguyện đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Trung Lào, Thượng Lào... Chị có mặt trên những cung đường ác liệt, tiếp viện cho bộ đội, dẫn đường, san đường cho xe qua. Chị đã ở 3 tháng, trong những cánh rừng trụi lá do Mỹ thả chất độc hóa học, chịu sức ép của bom, để rồi khi trở về, chị mãi mãi ở lại với tuổi 18 của mình trong tâm trí. Bố mẹ, đã bán hết những gì có thể chạy chữa cho chị. Dù cố mấy, cũng không thể kéo được chị trở về thực tại. Em có thể đọc được nỗi đau của cha, của mẹ trong bao đêm dài như vậy. Chúng em cũng lần lượt vào bộ đội, đi TNXP... Khi em trở về, vẫn thấy chị ở lại mái nhà của cha mẹ với ký ức chiến trường không thể nguôi quên. Chị không có mái ấm riêng, dù bạn bè chị đã đề huề con cháu...

Kể từ lần đưa chị về hôm đó, ông Minh phá đi căn nhà, mà đúng hơn là căn lều cũ nát, gia sản cha mẹ để lại cho cô con gái thiệt thòi, mà lòng không khỏi xót xa. Ông phá đi, để mong bà Liên hết tìm được chốn ở riêng mà chịu khó về ở với vợ chồng ông. Ông sợ lắm cái cảnh mất chị...

Bên thềm nhà, bà Liên lại khe khẽ cất tiếng hát. Bài hát về những chuyến xe lên đường ra mặt trận. Những chuyến xe đã đi theo bóng cờ lệnh, bóng áo của bà trong những đêm mưa bom. Bài hát, có những cánh rừng, nơi ấy, bà đã ở trong những ngày rừng cây rụng lá, đã nhìn thấy những đám mây sương mù trắng đục, đã vục mặt xuống dòng suối đầy mùi hắc ám... Cái chất độc ấy đã ngấm vào cơ thể người con gái thanh xuân, để rồi cùng với đạn bom của cuộc chiến, nó đã khiến bà mãi mãi mất đi một phần của trí nhớ. Ở lại với bà, vẻn vẹn chỉ còn quá khứ, quá khứ 2 năm chiến trường.

Và cái nguyện ước của người em trai bà Liên: “Mong sao, chị tui được sống một ngày của độc lập, của hòa bình”, cứ ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về!

Thùy Vinh - Công Kiên