Phòng, chống dịch bệnh - Bài học từ Piêng Coọc

21/10/2014 08:38

(Baonghean) - Đến thời điểm này, dịch sởi tại bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đã tạm lắng, không xuất hiện bệnh nhân mới, các cháu mắc sốt phát ban dạng sởi đã trở về nhà và sinh hoạt, đi học lại bình thường… Vấn đề là ngành Y tế Nghệ An và các địa phương cần kịp thời đánh giá công tác dập dịch tại điểm “nóng” Piêng Coọc để rút ra bài học thiết thực…

Các y, bác sỹ khám, điều trị bệnh cho các cháu ở Piêng Coọc.  Ảnh:  Nhật Lân
Các y, bác sỹ khám, điều trị bệnh cho các cháu ở Piêng Coọc. Ảnh: Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Như đã biết, dịch sởi diễn ra tại bản Piêng Coọc, một bản người Mông của xã Mai Sơn - xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tương Dương. Đời sống của đồng bào Mông ở đây đang rất khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, đường từ bản đến trung tâm xã xa, cách trở, điều kiện tiếp xúc các kiến thức y học thông thường không nhiều, việc chăm lo chế độ dinh dưỡng cho trẻ và vệ sinh môi trường chưa được quan tâm… Dịch sởi bắt đầu xuất hiện từ ngày 20/9, nhưng thông tin đến với các cơ quan y tế là khá muộn và chỉ đến thời điểm sau khi tiêm vắc-xin sởi - rubella vài ngày xuất hiện trẻ tử vong, có tới 48 trẻ mắc thì việc đối phó dịch mới được đặc biệt chú trọng.

Điều đó xuất phát từ tập quán sinh hoạt, ý thức phòng bệnh của bà con ở đây “chỉ khi trẻ bệnh nặng, bệnh dài ngày mới đưa lên trạm y tế”. Mặt khác, việc phổ biến kiến thức về dịch bệnh ở các vùng biên giới còn hạn chế, nhiều cán bộ y tế chỉ biết tiếng dân tộc mình mà không biết tiếng dân tộc khác, trong khi địa bàn công tác có đồng bào nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, trình độ của đội ngũ y tế ở các xã miền núi còn bất cập (xã Mai Sơn không có bác sỹ, 2 trẻ mắc bệnh từ bản Phá Đánh, Póm Bái ở Lào được đưa qua Mai Sơn đến Trạm Y tế xã Nhôn Mai nơi có bác sỹ người Mông Và Bá Tủa công tác); ý thức phòng, chống dịch bệnh chưa cao, khi xuất hiện trẻ nghi vấn không thực hiện giám sát, báo cáo kịp thời cho các cơ quan y tế cấp huyện, cấp tỉnh.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương trong việc điều trị, dập dịch thì nhờ các yếu tố thuận lợi khác thì dịch mới được ngăn chặn, không bùng phát rộng. Thứ nhất, 95% số trẻ từ 1-14 ở tuổi Piêng Coọc đã được tiêm vắc - xin phòng chống sởi – rubella vào ngày 1/10, nên 2 tuần sau khi tiêm cơ thể trẻ đã sinh kháng thể chống sởi, nhờ đó bệnh thuyên giảm, sức khỏe phục hồi nhanh. Thứ hai, Piêng Cọc là bản nhỏ, nằm tách biệt, sự giao lưu đi lại giữa các vùng của người dân hạn chế nên công tác bao vây, dập dịch được triển khai tương đối thuận lợi. Yếu tố may mắn cuối cùng đó là trẻ ở các xã cận kề như Nhôn Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông đều được tiêm vắc-xin cùng đợt với trẻ ở xã Mai Sơn.

Trong đợt chống dịch ở Piêng Coọc vừa qua, chính quyền và ngành Y tế huyện Tương Dương đã phản ứng nhanh trong bao vây dập dịch, điều trị bệnh cho trẻ, cũng như kịp thời thực hiện các chế độ hỗ trợ, giúp đỡ trẻ. Theo đánh giá của bác sỹ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An – Trưởng kíp bác sỹ được Sở Y tế cử vào Piêng Coọc hỗ trợ thì: “Công tác phòng, chống dịch được các cấp chính quyền, ngành Y tế huyện thực hiện bài bản, chu đáo. Công tác điều trị tuân thủ đúng theo phác đồ của Bộ Y tế”… Dịch sởi xảy ra tại Piêng Coọc cũng đã giúp huyện Tương Dương nói riêng và các huyện miền núi, biên giới nhiều kinh nghiệm quý về phòng, chống dịch bệnh.

Ông Vi Tân Hợi – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Huyện có thêm kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh nảy sinh. Đó là công tác tuyên truyền về dịch bệnh phải được đặc biệt chú trọng, quan tâm để mọi người dân đều đưa trẻ đi tiêm phòng, khi xuất hiện bệnh phải đưa trẻ đến ngay cơ quan y tế gần nhất, phải có hình thức tuyên truyền phù hợp, bởi ở miền núi vào mùa nương rẫy rất nhiều người đưa con cháu vào rừng cả tháng trời. Khi xảy ra các biểu hiện của dịch, cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc kịp thời, tích cực hỗ trợ cho ngành Y tế trong việc thành lập bệnh viện dã chiến, vệ sinh môi trường, bao vây dịch, ngăn chặn người dân đi vào, ra vùng dịch. Đối phó dịch, ngành Y tế cần chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ số thuốc, tăng cường công tác theo dõi, giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh; ngành Giáo dục chủ động nắm tình hình để cho các cháu nghỉ học tránh trường hợp lây chéo... Sau dịch, huyện Tương Dương đã khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tích cực và phê bình kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có biểu hiện trì trệ trong dập dịch”.

Còn theo bác sỹ Phạm Đình Du - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì, đến thời điểm này ổ dịch ở Piêng Coọc đã được khống chế, tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng dịch xuất hiện trở lại …Thành công của đợt dập dịch ở Piêng Coọc là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương; sự phản ứng nhanh nhạy, xử lý kịp thời của nhiều đơn vị trong ngành Y tế khi điều động nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế từ các bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ cho khu điều trị dã chiến tại vùng dịch, đảm bảo thu dung và điều trị bệnh nhân hiệu quả, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng và tử vong. Nhưng cũng thấy rõ những vấn đề cần cải thiện, đó là cần quan tâm hơn về mặt dinh dưỡng cho trẻ vùng sâu, vùng xa (sức đề kháng yếu); việc phát hiện thông tin, xử lý dịch ở miền núi còn chậm; cần quan tâm hơn vai trò của đội ngũ y tế học đường.

Sau đợt dịch sốt phát ban dạng sởi ở Piêng Coọc, dư luận nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo, công tác dập dịch của UBND tỉnh Nghệ An, ngành Y tế Nghệ An, huyện Tương Dương, song cũng bày tỏ sự băn khoăn lo ngại với giả thiết dịch sởi xảy ra tại đồng bằng, vùng ven biển, thành thị - nơi có sự giao lưu lớn, khó cách lý. Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ Phạm Đình Du cho rằng: “Nguy cơ bùng phát dịch sởi từ nay đến cuối năm ở đồng bằng, thành thị là có nhưng là rất thấp, bởi thời gian vừa qua, hầu hết các trẻ trong độ tuổi ở những khu vực này đã tham gia nhiều chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, cơ thể trẻ đều đã có kháng thể đối với bệnh; nếu có dịch thì chắc chắn quy mô sẽ không lớn. Hiện nay, ngành Y tế cũng đã có kịch bản để ứng phó kịp thời”.

Liên quan đến việc phòng, chống dịch sốt phát ban dạng sởi, ngày 16/10 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có công văn yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Tương Dương và các đơn vị liên quan khác tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt phát ban dạng sởi, ngăn chặn dịch bùng phát trở lại tại bản Piêng Coọc và vùng lân cận… Trên tinh thần công văn này và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh, ngành Y tế Nghệ An đang tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ trước khi dịch xảy ra; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về dịch bệnh cho người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa; chủ động giám sát, phát hiện bao vây ổ dịch; đồng thời lên kế hoạch, chuẩn bị các loại thuốc men, trang thiết bị, sẵn sàng thành lập các khu điều trị tập trung với sự hỗ trợ của y tế tuyến trên…

Sự chuẩn bị tích cực của các cấp, ngành, các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn, khống chế thành công dịch sởi ở Piêng Coọc. Tuy nhiên, qua đó cũng có thể rút ra kết luận: Yếu tố tiên quyết để phòng, chống dịch bệnh là nhận thức, kiến thức về dịch bệnh, ý thức chủ động phòng, chống của người dân.

Thanh Sơn