Tú Viên - Giữ một nếp làng...
(Baonghean) - Xưa nghèo đất cằn đá cuội, nhưng làng từng rạng danh trong sử sách quê hương xứ Nghệ là đất học, giàu truyền thống yêu nước. Sau bao đổi thay và xây dựng NTM hôm nay, làng càng chắt chiu gìn giữ những giá trị văn hóa làng xã để không ngừng nuôi dưỡng những truyền thống tốt đẹp ấy...
Một nét đổi mới ở làng Tú Viên. |
Tôi ở xã khác, lần này về làng Tú Viên của xã Thanh Lương (Thanh Chương), không hiểu sao lại mang tâm thế của người con đi xa trở về. Có thể, bởi những ấn tượng về làng Tú Viên của tôi suốt mấy năm học cấp 3 đi qua làng từ ngót 30 năm trước. Ấy là con đường làng trơ đá cuội, cuối mỗi vuông sân nhỏ nhô lên cái giếng nước xây bằng đá cuội và cả những bức vách nhà lè tè cũng xây bằng đá cuội. Bạn một lứa với tôi mấy đứa ở làng ấy, mỗi sáng đợi sánh bước đến trường, chiếc bánh rán hôi hổi, nắm ngô rang chia nhau ấm tình cảm học trò nghèo.
Làng nghèo ấy, lại vang danh cách mạng và hiếu học mọi thời. Ngay từ hồi học cấp 2, tôi đã được tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn do thầy giáo Kế dạy trong nhà thờ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách ở làng Tú Viên (đồng chí Nguyễn Sỹ Sách là cách mạng tiền bối, nguyên Ủy viên BCH Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, hy sinh anh dũng ở nhà ngục Lao Bảo - Quảng Trị, tháng 12/1929, khi mới 21 tuổi; ngôi nhà thờ đồng chí, nay là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia). Ngày ấy, cứ mỗi khi được nghỉ giải lao, chúng tôi lại chạy ra đền Cả, cạnh đó có cây sui già buông rễ lòa xòa để chơi, được các cụ già giảng giải, đền có tên chữ là Vân Hồ, thờ các vị thần có công hộ quốc, yên dân, nên còn gọi là “Vân Hồ đô thiên”. Tháng 7/1929, ở hạ đường đền này là nơi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng làng Tú Viên được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách. Đền chính là nơi đầu tiên của tổng Xuân Lâm gióng trống phát lệnh tập hợp nông dân biểu tình trong cao trào Xô Viết 1930 - 1931, cũng là nơi biểu thị khí thế giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 của làng Tú Viên. Nay cây sui già không còn, đền Cả được nhân dân tôn tạo, hương khói linh thiêng và vẫn được nhắc đến với niềm tự hào là địa chỉ đỏ cách mạng.
Làng Tú Viên bây giờ chia ra 4 xóm. Bí thư chi bộ xóm 3, anh Nguyễn Sỹ Hải cũng là “cố nhân”, anh hồ hởi: “Nghe nói có phóng viên về, tưởng ai, hóa ra chú mày, người nhà cả. Làng ối chuyện để chú viết đấy!”. Anh Hải hơn tôi mấy tuổi, thời trẻ rong ruổi làm ăn, lại có chút tiếng là “tay chơi”, thế mà bây giờ đã là bí thư chi bộ “cứng”. Anh dẫn tôi vào nhà cụ giáo Nguyễn Sỹ Ba, hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Thanh Lương. Cụ giáo đã vào tuổi 78, còn mẫn tiệp lắm, cẩn thận mở sổ ghi rõ họ tên phóng viên, rồi mới “vào việc”. Cụ bảo, thế làng Tú Viên nhà cửa dân cư chen chúc từ lâu đời, ấy là ở cái nếp quê nghèo ôm ấp tình nghĩa gắn bó với nhau. Làng nổi tiếng hiếu học, truyền thống đỗ đạt khoa bảng không kể hết. Đến giờ, có nhà cả con, cháu, những 14 người học cao đẳng, đại học. Làng có cụ cử Nguyễn Sỹ Lạng, vốn là thầy học của nhà chí sỹ Phan Bội Châu và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - phụ thân Bác Hồ. Anh ruột cụ Lạng là cụ Nguyễn Sỹ Ấn, đỗ Phó bảng khoa Giáp Thìn (1844), được vời vào Kinh đô Huế làm Hàn lâm viện thị giảng, từng hết lòng giúp đỡ cụ Nguyễn Sinh Sắc học hành và thi đậu Phó bảng khoa Tân Sửu (1901)... Cụ giáo Ba trưng mấy tấm ảnh đợt cụ đi dự lễ biểu dương điển hình các dòng họ khuyến học cả nước năm 2013 ở Hà Nội, rồi nói: “Xóm 3, Tú Viên này thành lập chi hội khuyến học cứ gọi là đầu tiên của huyện Thanh Chương, ấy là tiếp cái truyền thống từ năm 1926, làng đã có hội khuyến học do cụ Hàn Ấn chủ trì thành lập. Chi hội bây giờ có quỹ 50 triệu đồng, năm 2 lần tổ chức biểu dương thành tích học tập từ cấp mầm non trở lên. Làng cũng giàu truyền thống cách mạng lắm!”... Hồi ức cụ giáo Ba trở về ngày làng nổi lên giành chính quyền trong mùa Thu Cách mạng 1945. Hương lý, ông đồ, trung nông, dân cày, đàn bà, trẻ nhỏ... làng Tú Viên đều náo nức khi cách mạng về. Cậu bé Nguyễn Sỹ Ba, lúc đó mới lên 9 tuổi, tham gia sinh hoạt đội thiếu niên, được cụ lang Phợm dạy hát chào cờ (khi đó chưa có bài “Quốc ca” của nhạc sỹ Văn Cao): “Giăng tay tung hô bóng cờ...”. Đêm đêm, cậu bé Ba lại say sưa đi xem các anh, chị thanh niên luyện tập võ ở sân đền Cả.
Nghề đan lát truyền thống ở làng Tú Viên. |
Tôi nói với anh Hải, có thể tìm lại một nét ngõ nâu đá cuội của xưa cũ chăng? Anh lắc đầu: “Dân mở ra đa nghề. Đời sống lên. Nhà cửa, đường làng xây cất khang trang cả rồi”. Trong làng đã có nhiều nhà cao tầng, kiến trúc mới. Có nhà còn mở cả phòng bán vé máy bay, chế tác bạc trang sức... cùng nhiều dịch vụ khác, làm nên cái sôi động mới mẻ. Tôi sải chân trên con đường nhựa xuyên qua làng, qua cái giếng cổ nay đã được tôn tạo, để lên thăm di tích quán Tú Viên. Quán được coi như đình làng, thờ Thành hoàng và là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Hội quán Tú Viên cho ra đời trường sơ học giúp các nhà nho tổ chức dạy chữ, dạy đạo đức làm người và cũng chính đây là nơi truyền bá các bài thơ, văn yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Ngôi quán mấy trăm năm tuổi đang còn giữ lại được hai cây cột nanh tam quan và khung nhà gỗ lim của rừng lim trước làng xưa. Trước Cách mạng, quán từng bị Pháp đặt đồn binh để đàn áp phong trào yêu nước, sau này là nơi đóng quân của bộ đội ta, có khi lại là kho quân nhu, lương thực và cơ sở xưởng ép dầu lạc của ngành thương nghiệp sơ tán về đây. Do điều kiện, quán tôn tạo còn sơ sài, nhưng dần lấy lại được vị thế linh hồn của làng xưa nhờ được chăm chút hương khói trong ban thờ Thành hoàng.
Cứ thế, mỗi vuông nhỏ đất làng Tú Viên lại có một di tích lịch sử - văn hóa, nói lên nếp văn hóa cộng đồng dày dặn. Giữa làng, có ngôi nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Sỹ, thờ một trong những vị tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Sỹ Xung - võ tướng 2 triều đại, nay còn giữ lại 4 trong số 7 đạo sắc phong của triều vua Lê Cảnh Hưng (Lê sơ) và cả vua Quang Trung sau này. Ông trưởng tộc Nguyễn Sỹ Hội - người gánh nhiệm vụ trông nom nhà thờ, mở cho tôi xem bảo vật là chiếc mũ phẩm phục võ tướng bằng gỗ, mà theo ông là do chính vua Quang Trung ban cho cụ Nguyễn Sỹ Xung, vị “Trung tướng phó chiến” của Ngài đã lập công lớn trong trận đại phá quân Mãn Thanh ở gò Đống Đa - Thăng Long, năm Kỷ Dậu (1789) - Đạo sắc của vua Quang Trung năm Tân Hợi (1792) ghi: “Sắc thưởng cho Nguyễn Sỹ Xung... đã theo vua nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề: Tập trung huy động quân lính luyện tập giỏi, tài năng tổ chức hành quân, có uy tín trong quân, là vị tướng trung khiết, dũng cảm” (Dịch nghĩa). Nhà thờ đại tôn dòng họ Nguyễn Sỹ ở Tú Viên này, nơi chi bộ Thanh Lương đầu tiên thường xuyên hội họp, truyền bá chữ quốc ngữ, cũng được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998!
Bên phía xóm 1, cạnh Quốc lộ 46, nơi cồn Túi Mắt từng là cồn thiêng thâm u bí hiểm, sau Cách mạng, nhiều hộ dân trong làng di dời ra đây sinh sống, làm tươi tắn lên sắc diện đời sống mới. Giữa xóm, có đền Thái phó uy nghiêm thờ một vị công thần triều Lê Sơ, cùng đền Cả, quán Thánh làm nên một quần thể di tích độc đáo cho không gian làng Tú Viên. Làng có học nhưng nghèo, nên người dân vẫn giữ nếp cần cù chịu khó. Xóm 1, Tú Viên được công nhận làng có nghề (đan lát) từ năm 2013, phấn đấu công nhận làng nghề vào cuối năm 2014 này. Xóm trưởng Nguyễn Trọng Nam cho hay, xóm có 98 hộ thì 35 hộ làm nghề, đan các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vào dịp mùa vụ, sản phẩm làm ra không kịp cho thương lái về mua, không khí đan lát rậm rịch, không kém thời chiến tranh khi cả làng đan cho dân công hàng huyện về đây làm thủy lợi... Cũng theo xóm trưởng, nghề có từ lâu đời, nay đến đứa trẻ lên chín, lên mười cũng biết đan. Làm đều tay, mỗi tháng hộ làm nhiều cũng có thêm mấy triệu bạc.
Bí thư chi bộ xóm 3 Nguyễn Sỹ Hải cứ lấy làm tiếc, là làng đã thất truyền nghề kéo sợi bông dệt vải. Ngày trước, thôn nữ Tú Viên nổi tiếng đảm đang chạy chợ, dệt bông, đêm trăng lách cách kéo xa dệt vải. Nhà làm nghề có con gái chưa chồng, thường được trai mấy làng tìm đến, ngồi kín góc sân tổ chức hát đối. Do làng lắm người có học, đàn bà con gái nghe lỏm kinh sử, nên đối đáp cũng lanh lẹ lắm... Bây giờ, ở Tú Viên nếu như xóm 1 có nghề đan, thì xóm 4 có nghề chổi đót, thu nhập không kém. Hôm nay, vãn việc đồng áng, Bí thư chi bộ xóm 4 - ông Nguyễn Văn Kiên tranh thủ hoàn thành nốt “lô” hàng chổi đót cho thương lái về mua. Vừa thoăn thoát chuốt mây, ông vừa hào hứng nói: “Cái nghề nghe đơn giản nhưng cho thu nhập đều. Như nhà tôi túc tắc ngày làm dăm cái chổi, cũng lãi trăm nghìn đồng. Mà này, anh viết về làng Tú Viên là phải kể đến nghề làm bún bánh truyền thống nữa đấy. Xóm có mấy hộ làm nghề này, hai buổi chạy chợ bán, cũng khấm khá!...”. Đầu làng Tú Viên có hẳn ngôi chợ đón, lao xao nếp chợ quê với đủ loại rau cỏ, cá mú. Nhưng thú vị là dừng chân bên hàng bánh dày, bánh rán, bánh mướt, bánh đúc, kẹo lạc... Gạo đồng làng, nước giếng làng, bàn tay khéo léo và cái đảm đang của các bà, các chị người làng Tú viên đã cho ra sản phẩm bún bánh ở đây thêm nhiều hương vị riêng trong ẩm thực của các quán ăn, chợ quê trong vùng.
Trước khi tôi vào Tú Viên, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương - ông Nguyễn Trọng Toàn đã gói: “Tú Viên là làng học, làng cách mạng!”. Nhưng, có lẽ bên cạnh niềm tự hào ở những truyền thống ấy, Tú Viên trở nên thân thương hơn với người quê ở đây, còn là bởi đức tính cần cù, chịu khó lao động, luôn không quên tình nghĩa quê nghèo, quần cư đùm bọc, ôm ấp nhau... Mà cứ chẳng người làng, ngày trở lại với Tú Viên, tôi cũng có một niềm thân thương như vậy!
Đình Sâm