Đường Lê Huân - Rộn nhịp sống đô thị

11/10/2014 16:55

(Baonghean) - Nếu xem nhịp sống hối hả của thành phố như bản hòa âm đô thị, thì những con đường ngắn dài với đủ mọi sắc thái cảm xúc chẳng khác gì tiết tấu tạo nên thứ âm nhạc kỳ diệu nhất. Hãy thử bắt đầu ngày mới sớm hơn thường lệ, ghé chân đường Lê Huân - con đường dẫn đến cánh trái chợ Vinh, để cảm nhận tiết tấu nhộn nhịp của bản nhạc cuộc sống đích thực ấy...

Đường Lê Huân.
Đường Lê Huân.

Nếu nghe theo lời khuyên của tôi, giờ này, lúc trời vừa tảng sáng, có thể bạn đã trở thành một người chứng kiến đầy ngỡ ngàng trước dòng người và xe, sự tấp nập của những hoạt động bán - mua đủ mặt hàng. Những chiếc xích lô oằn nặng kiện hàng xếp cao chất ngất; những dáng người chưa hết vẻ ngái ngủ trên khuôn mặt đã tất bật chạy vào, chạy ra lấy thêm cái này, cái nọ; những cụ già tưởng như lạc lõng giữa không khí sôi động sớm mai này, dường như đã quá quen với nhịp sinh hoạt bất thường ấy, cũng lụi cụi giúp con cháu quét tước, dọn dẹp… Hai dãy nhà dọc dài bám mặt tiền đường Lê Huân, tất thảy đều được tận dụng không gian tầng một để kinh doanh, buôn bán. Nếu Hà Nội có 36 phố phường với những Hàng Mã, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Sắt…, mà tên mỗi “hàng” lại đại diện cho một mặt hàng mua bán đặc trưng khác nhau; thì với đường Lê Huân của TP. Vinh, giả như có ai muốn ví von tên đường với “hàng” gì đấy, thì đố ai định danh nổi là “hàng” gì? Bởi ở đường Lê Huân, người ta buôn bán đủ thứ hàng hóa: các cửa hàng bán dụng cụ câu cá nằm lẫn với cửa tiệm thuốc Tây, hàng sắt thép bao bì lại sát cạnh với cửa hàng đồ chơi trẻ em, vài ba tiệm may âu phục lọt thỏm giữa ồn ào bán mua gạo thóc...

Có cảm giác con đường Lê Huân hiện diện với tất thảy những ồn ã phố thị để người ta sống. Hăm hở sống. Vội vã sống. Như thể ngày mai thôi, tất cả mọi thứ sẽ không còn vẹn nguyên thứ nhựa sống tràn trề nữa rồi! Ở con đường này, có nhiều ngôi nhà mà chủ nhân của nó không phải là dân thổ cư. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, tụ về con đường Lê Huân để mưu sinh, lập nghiệp. Thành phố trẻ và con đường sát cạnh ngôi chợ trung tâm này đã cho họ một cơ ngơi, một tổ ấm, một công việc. Họ trở thành phần không thể thiếu trong bản hòa âm đô thị, thành mảnh ghép trong bức tranh cuộc sống hối hả trên con đường buôn bán Lê Huân. Dẫu không phải là nơi chốn quê hương chôn rau cắt rốn, nhưng thành phố này, con đường ấy đã mang lại cho họ cả cuộc đời, và họ, đã đáp đền những hậu đãi của phố bằng thứ khát vọng sống tận hiến.

Những cửa hàng bán dụng cụ đánh bắt cá là dịch vụ đặc trưng trên đường Lê Huân.
Những cửa hàng bán dụng cụ đánh bắt cá là dịch vụ đặc trưng trên đường Lê Huân.

Tôi có một người bạn vong niên, là ông chủ cửa hàng bán dụng cụ câu cá quãng đầu đường Lê Huân, đoạn từ ngả Trần Phú rẽ vào. Ông người gốc Quảng Trị, vợ người Huế, vợ chồng vượt nhiều đoạn trường, số phận đưa đẩy đến Thành Vinh lập nghiệp. Ba đứa con lần lượt ra đời ngay trên chính thành phố này, và giờ đây, cả ba đều nói tiếng Nghệ như người Nghệ An chính cống. Mấy mươi năm nay, cả gia đình vẫn sống chật chội trong căn ốt tạm ngót 50m2, mà diện tích phần lớn phía mặt tiền đã phải ưu tiên dành cho việc buôn bán. Sau bao năm bươn bả, từ thời con đường Lê Huân vẫn còn là “hậu cứ” của các mẹ, các chị chợ Vinh đặt kho hàng, chứ chưa hình thành tuyến phố kinh doanh tấp nập như bây giờ, thì gia đình ông đã tích cóp được cơ ngơi kha khá. Đã có nhà riêng 2 tầng rộng rãi ở Vinh Tân, sắm sửa trang bị đủ đầy rồi. Ấy thế mà ba đứa con vẫn đứa trước, đứa sau xách đồ về ở ốt! Ấy là chúng đã “nhiễm” thứ không khí đặc quánh ồn ào của chốn thị, mà dẫu xa một ngày thôi, thì tưởng như cái cây tự trốc rễ, phải uống thứ nhựa còn sót trong thân để sống. Thế nên, đường Lê Huân, hãy cứ tấp nập và khác thường, hãy cứ là bầu không khí đưa con người ta đến nhịp sống vội vã, để bồi đắp nên thứ tình yêu mãnh liệt nơi chốn phố phường đầy.

Ông bạn già thi thoảng vẫn tự vấn, ông sẽ trở nên như thế nào, nếu từng lựa chọn sống ở thành phố khác, con đường khác? Điều thúc bách ghê gớm nhất cho thị dân đường này là nhu cầu tiêu thụ. Ở đây, bạn có thể chỉ ngồi với tay mà tìm thấy hầu hết những thứ mình cần, miễn rằng, bạn có tiền! Lý do ấy cũng đủ bắt bạn phải luôn vận động, luôn làm việc, luôn suy nghĩ. Như ông bạn già của tôi. Như bao người dân thổ cư và ngụ cư da diết với con đường này. Họ trở thành một phần máu thịt của đường Lê Huân. Họ là những người “tạo ra” dáng vóc hiện đại cho một con đường trong lòng thành phố.

Tôi cũng là một người con của thành phố này. Ấy vậy mà mỗi lần qua đường Lê Huân, lại thấy một lần đổi khác. Hàng quán dày thêm. Dòng người đông đúc thêm. Sự hăm hở trong mỗi hoạt động đời thường khiến cho khách lạ tìm bước đến đây thấy mình có phần lạc lõng. Con đường Lê Huân, với tất thảy những vội vã của nó, vẫn toát lên vẻ đẹp của một đô thị loại 1.

Chí sỹ Lê Huân là nhà yêu nước cận đại, hiệu Lâm Ngu, tên thật là Lê Văn Huân, người làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông mồ côi cha từ lúc 2 tuổi, được mẹ đem về nuôi ở quê ngoại làng Đông Thái, xã Việt Yên (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho học.

Năm 18 tuổi, ông bắt đầu làm quen với các bậc đàn anh như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, tư tưởng yêu nước của hai ông đã ảnh hưởng trực tiếp đến Lê Huân. Năm 1906, ông đậu Giải nguyên trường thi Nghệ An, nên thường gọi là “Giải Huân”. Năm Mậu Thân (1908), ông bị Pháp và triều đình tay sai bắt lưu đày Côn Đảo.

Năm 1917, được trả tự do về sinh sống tại quê nhà, theo dõi tình hình chính trị trong nước rất sát. Năm 1927, ông đắc cử nghị viên Viện dân biểu Trung Kỳ (đơn vị tỉnh Hà Tĩnh) sau 2 năm ở “nghị trường” giả dối đó.

Năm 1928, ông từ chức một lần với Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Văn Khải... Trước đó, ông trực tiếp thành lập chính đảng dân chủ đầu tiên ở Việt Nam lấy tên là Hội Phục Việt, năm 1927, đổi thành Đảng Tân Việt (một trong các đảng tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương) mà ông là đảng trưởng. Năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà lao Vinh (Nghệ An), ông tuyệt thực và tự mổ bụng chết vào năm ấy.

Phương Chi