Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự
(Baonghean.vn) - Chiều 24/9, tại TP Vinh, Đoàn đại biểu QH tỉnh Nghệ An tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đồng chí Phạm Văn Tấn - Tỉnh ủy viên, Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham gia có một số đại biểu QH và đại diện các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Phạm Văn Tấn- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị |
Luật Thi hành án dân sự được ban hành đầu tiên năm 2008. Dù mới thi hành được 5 năm nhưng qua thực tiễn phát sinh vướng mắc, bất cập và các vấn đề, chế định mới liên quan... Sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua thì việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật này là rất cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến. Lần góp ý chỉnh sửa gần đây nhất tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 cũng góp ý với bản dự thảo Luật sửa đổi gồm 12 nhóm vấn đề, trong đó bổ sung 4 điều, sửa đổi 3 điều, bãi bỏ 4 điều...
Đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh phát biểu ý kiến |
Tại buổi làm việc, đại diện Tòa án tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Viện kiểm sát,Công an tỉnh và đại diện Hội Luật gia, Đoàn Luật sư phát biểu đề nghị bổ sung trong quy định về đương sự, quyền, nghĩa vụ liên quan và phải có thêm quyền cho đối tượng này theo hướng tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự; kể cả đến khi thi hành mạnh dạn để cho các đối tượng thỏa thuận, tự giải quyết hoặc lựa chọn, chuyển giao cho Thừa phát lại; dự thảo xem Tòa án quân sự khu vực được coi là cơ quan cùng cấp với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện là chưa đầy đủ; cần bổ sung một số hội đồng như hội đồng cạnh tranh Tòa Thương mại, nên thêm thời thời gian tự nguyện thi hành án…
Đại diện Công an tỉnh tham gia ý kiến phần thời gian chuẩn bị cưỡng chế thi hành án |
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn thi hành các vụ án dân sự trên địa bàn Nghệ An, có ý kiến cho rằng thời gian vừa qua, một số bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án thi hành xong nhưng Tòa cấp trên xử giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy thì sẽ xử lý các tài sản thi hành xong như thế nào, phân công chấp hành viên như thế nào… dự thảo cần quy định rõ hơn, tránh mâu thuẫn với các quy định khác.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu khá chất lượng, bám sát thực tiễn; các ý kiến trên sẽ được Văn phòng đoàn Đại biểu QH tỉnh tiếp thu, tổng hợp và chính sửa để góp ý tại kỳ họp thông qua sắp tới của Quốc hội./.
Tin, ảnh: Phương Hà