Khuyết niềm yêu thương

05/09/2014 15:23

(Baonghean) - Những ngày đầu tháng 9, hầu hết học sinh khắp mọi miền đất nước nô nức, phấn khởi được bố mẹ mua sắm sách vở, áo quần để bước vào năm học mới... Trong khi đó, ở huyện miền núi Anh Sơn, có 2 trẻ thơ gia đình không trọn vẹn, phải cam chịu bao thiệt thòi và gánh nặng lo âu trên đường đời...

Cháu Lô Thị Mỹ Hạnh thay mẹ chăm em.
Cháu Lô Thị Mỹ Hạnh thay mẹ chăm em.

VẮNG BÓNG MẸ

Những cơn mưa triền miên tưởng chừng như không bao giờ dứt, dãy Pù Qụa phía trước bị phủ kín bởi làn mưa. Cô bé Lô Thị Mỹ Hạnh (sinh 2005) ở bản Già Hóp (xã Tường Sơn) hết đi ra lại đi vào như mong chờ một điều gì sắp đến. Ngôi nhà nhỏ không vật gì có giá trị, ngoài chiếc sập gỗ. Đến cái giường để nằm cũng không có, bàn ghế cũng vậy. Việc ngủ, ăn uống của 3 bố con đều diễn ra giữa nền nhà. Buông ánh mắt xa xăm, rồi tiếng thở dài não nuột, anh Lô Văn Hợi (sinh 1971), bố của Hạnh chia sẻ: “Mẹ nó vừa mất sau dịp Tết Nguyên đán năm nay, bỏ lại cho tôi 2 đứa con thơ dại. Tôi thì chịu khổ quen rồi, chỉ thương 2 đứa còn quá nhỏ đã phải gánh chịu thiệt thòi...”.

Năm 2003, anh Hợi kết hôn với chị Ngân Thị Diện (sinh 1984), hai năm sau mới sinh con gái đầu là Lô Thị Mỹ Hạnh. Và phải tới 7 năm sau (2012) mới sinh bé gái thứ 2 là Lô Thị Huyền Trang. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, chắt chiu dành dụm và vay mượn thêm mới làm được căn nhà nhỏ lợp ngói, tường xây, lát gạch hoa. Cuộc sống gia đình nghèo khó, vất vả mà hạnh phúc. Ngôi nhà nhỏ luôn ăn ắp tiếng cười trẻ thơ. Cứ ngỡ, cảnh sống ấy sẽ được lâu bền, nào ngờ đầu năm nay chị Diện đột ngột ra đi. “Đêm đó, vợ tôi vẫn ăn uống bình thường, rồi đi ngủ. Đến khoảng 3 giờ sáng thì lên cơn co giật. Chỉ dăm bảy phút sau là tắt thở, không kịp cấp cứu. Người ta nói vợ tôi mất vì tai biến mạch máu não...”- anh Hợi bùi ngùi kể lại. Từ đó, gánh nặng gia đình trút hết lên vai người chồng. Nhà chỉ có khoảng 1 sào ruộng nước, làm mùa được mùa mất. Để nuôi các con, anh Hợi phải đi làm thuê kiếm tiền. Hễ ai thuê bất cứ việc gì, từ phát rẫy, trồng rừng đến chặt cây, đào giếng anh đều nhận tất. Nhưng cả tuần nay trời mưa liên tục, không ai thuê làm việc gì, anh đành ra suối kiếm con cua, con cá để cải thiện bữa ăn cho các con.

Mất mẹ khi mới hơn 8 tuổi, em gái chưa kịp lên 2, bố lại thường xuyên đi làm để kiếm sống, Hạnh sớm phải thay mẹ, thay bố chăm em. Khi mẹ mất, Hạnh trở nên đăm chiêu, ít nói cười. Nỗi đau quá lớn và quá bất ngờ đã cướp đi những ngày tháng ngắn ngủi của tuổi thơ hồn nhiên, thay vào đó là nỗi thiệt thòi và sự chịu đựng. Hàng ngày, ngoài giờ đến lớp, Hạnh phải thay bố chăm em và lo việc cơm nước cho cả nhà. Em Trang còn quá nhỏ, chưa ý thức được nỗi đau mất mẹ, khi khát sữa thường hay quấy khóc. Có hôm, Hạnh phải bế em đi khắp bản để xin sữa, khi được bú no em mới thôi khóc. Mấy tháng nay, em Trang không đòi bú sữa nữa, Hạnh chủ yếu lo việc cơm cháo cho em. Đêm đêm, Hạnh cất tiếng ru để đưa em vào giấc ngủ. Có những đêm, em thức giấc nửa chừng, chợt khóc thét, Hạnh vỗ về, cất tiếng ru em. Tiếng ru hòa cùng tiếng nấc nghẹn ngào... Vất vả nhất là những khi trái gió trở trời, em Trang đau ốm cứ quấy khóc cả ngày, đêm cũng không chịu ngủ. Phải dỗ em uống thuốc, dỗ em ăn một ít cháo để lấy sức, rồi ngồi cạnh để cưng nựng em. Có những đêm, Hạnh gần như thức trắng cùng bố chăm em.

Sớm phải đảm đương vai trò thay mẹ chăm em, một công việc không hề nhẹ nhàng đối với một cô bé lên 9, nhưng Lô Thị Mỹ Hạnh không sao nhãng việc học. Em vẫn chăm ngoan và đến lớp đều đặn, được các thầy cô giáo yêu mến và nhiệt tình giúp đỡ. Thầy Hà Văn Tâm, người phụ trách điểm trường Già Hóp, cho biết: “Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của em Hạnh, nhà trường đã miễn giảm cho em tất cả các khoản đóng góp, thường xuyên động viên em vượt qua khó khăn. Ở lớp, em Hạnh rất ngoan và chăm chỉ”. Năm học mới này, Hạnh lên lớp 4. Mở cặp sách của em, chúng tôi thấy sách vở đã khá đầy đủ, được bọc và dán nhãn cẩn thận. “Sách giáo khoa em xin lại các chị lớp trước. Vở viết bà nội mua cho. Giờ em chỉ thiếu cái bút tô màu thôi”- Hạnh chia sẻ. Nhìn quanh nhà, chúng tôi không hề thấy chiếc bàn, chiếc ghế nào để em có thể ngồi học. Giải đáp thắc mắc này, Hạnh bộc bạch: “Không có bàn để ngồi học, em trải chiếu giữa nhà để ngồi. Khi mỏi cổ quá, em lại nằm sấp xuống để viết”. Thầy giáo Hà Văn Tâm tỏ ra ái ngại: “Bây giờ đang bậc tiểu học, có điểm trường tại bản có thể theo được. Lên THCS, phải vượt quãng đường hơn 10km ra trung tâm xã, không biết em Hạnh có theo nổi không?”.

Cháu Nguyễn Thị Thảo sắp xếp góc học tập.
Cháu Nguyễn Thị Thảo sắp xếp góc học tập.

THIẾU TÌNH CHA

Rời bản Già Hóp, chúng tôi men theo tuyến đường tả ngạn sông Lam, tìm đến xóm 14, xã Đức Sơn trong cơn mưa xối xả. Cô giáo Nguyễn Thị Huế (Trường THCS Đức Sơn) đưa chúng tôi đến một ngôi nhà bên sườn đồi và cho biết: “Đây là nhà em Nguyễn Thị Thảo. Gia cảnh của em cũng rất đáng thương...”. Căn nhà cũ, thuộc những năm 80 của thế kỷ trước, được dùng để thờ phụng tổ tiên. Các thành viên gia đình sinh hoạt trong ngôi nhà “Mái ấm tình thương” do Hội LHPN huyện tặng cách đây 2 năm.

Gia đình Thảo hiện có 3 thành viên thuộc 3 thế hệ. Cả 3 đều là phụ nữ. Tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Thị Phú (sinh 1980), từ khi sinh ra, chân và tay chị đều bị teo cơ, rất khó khăn trong việc cử động, tay trái bị cụt từ khuỷu, vận động đi lại chủ yếu nhờ 2 đầu gối. Chị gần như không làm nổi việc gì để giúp bố mẹ. Bố chị đã qua đời, mẹ chị năm nay đã 72 tuổi, từng bị tai biến mạch máu não. Lúc chúng tôi đến nhà, bà Lê Thị Thành (mẹ chị Phú) đang nằm điều trị tại bệnh viện huyện. Cách đây hơn 12 năm, chị Phú có tình ý với một người đàn ông. Khi biết chị mang thai, người đàn ông ấy đã trốn đi không trở lại. Thân tật nguyền, biết việc sinh nở sẽ nguy hiểm, chị Phú vẫn quyết giữ cái thai. Con gái chị chào đời vào một ngày trong năm 2002, đặt tên là Nguyễn Thị Thảo. Ai cũng mừng cho chị, bởi niềm mong mỏi được làm mẹ đã thành hiện thực, và có người để cậy nhờ khi xế bóng.

Cô bé Nguyễn Thị Thảo lớn lên trong nỗi khó khăn, vất vả đủ đường. Bà ngoại đã già yếu, mắt mờ, lại thường xuyên đau ốm; mẹ lại tật nguyền, không làm được việc gì để mưu sinh. Mọi chi tiêu hàng ngày của cả nhà đều trông chờ vào khoản tiền hương khói của ông ngoại. Cuộc sống gia đình luôn ở trong tình trạng thiếu thốn, gần như không khi nào bớt được nỗi lo toan về cái ăn, cái mặc và bao khoản phụ phí khác. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, Thảo luôn quyết tâm vươn lên trong học tập. Bạn bè cùng trang lứa đến trường bằng xe đạp, Thảo đi bộ một mình, có lúc không tránh khỏi nỗi buồn tủi. Cho đến năm 2013, em được Ngân hàng Ngoại thương trao tặng chiếc xe đạp. Ngoài giờ học, Thảo dành thời gian để đỡ đần công việc cho bà và mẹ. Em có thể nấu cơm, giúp bà việc giặt giũ, giọn dẹp nhà cửa, chăn đàn gà, đàn vịt và chăm sóc vườn rau. Những ngày bà hoặc mẹ đau yếu, một mình Thảo lo việc thuốc thang, mời y bác sỹ đến điều trị, rồi lo cơm nước, vệ sinh. Người mẹ tật nguyền của Thảo chia sẻ: “Nó sớm phải làm những công việc ấy kể ra cũng tội. Nhưng nhà quá neo người, biết làm thế nào khác được?”.

Trong hoàn cảnh ấy, cô bé Thảo vẫn vươn lên trong học tập, năm học nào cũng được công nhận là học sinh khá hoặc giỏi. Góc học tập của em treo đầy giấy khen, các giấy chứng nhận. Năm học vừa qua, em được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn trao phần thưởng và Giấy chứng nhận “Thiếu nhi Nghệ An vượt khó, học giỏi”. Cô giáo Nguyễn Thị Huế (chủ nhiệm lớp Thảo) cho biết: “Em Thảo rất có ý thức học tập, chăm chỉ học và xây dựng bài. Nhà trường đã miễn giảm các khoản đóng góp và ưu tiên cho em mỗi khi có các suất học bổng hay khoản hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân”. Năm học này lên lớp 7, hành trang cho năm học mới đã được chuẩn bị xong. Nhờ số tiền thưởng và học bổng được trao, em đã sắm đủ sách vở, bút mực và những đồ dùng cần thiết. Niềm vui trước thềm năm học mới hiện hữu trong ánh mắt, nụ cười của Thảo. Trước lúc chia tay, chị Nguyễn Thị Phú bộc bạch: “Mong con gái có cơ hội được học lên cao, sau này có nghề nghiệp ổn định để bớt đi những gánh nặng lo toan...”.

Ngành Giáo dục và Ủy ban MTTQ huyện Anh Sơn đang phối hợp phát động chương trình “Tiếp sức đến trường” nhằm mục đích kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng, rồi đây những học sinh nghèo và thiếu vắng tình thương như Lô Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Thảo sẽ được đón nhận tấm lòng nhân ái từ khắp mọi nơi, được “tiếp sức” trên hành trình đến với tri thức, chinh phục ước mơ!

Bài, ảnh: Công Kiên