Thêm yêu biển đảo quê hương

01/11/2014 07:54

(Baonghean) - Tuần qua, ghi chép “Một hành trình với biển” của tác giả Thục Anh đăng trên nhật báo ngày 21/10 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao nhất. Bài viết được bạn đọc đánh giá cao bởi lối viết nhẹ nhàng, dẫn dắt người đọc một cách tự nhiên, gây hứng thú, khiến độc giả như bị hút vào chuyến hành trình đó của tác giả… Để rồi từ đó, thấy thêm yêu biển đảo quê hương.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) ra khơi.
Ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) ra khơi.

Bài viết khá hấp dẫn, với ngôn từ phong phú giàu tính biểu cảm, liên kết, các chi tiết đan xen cho chúng ta cảm nhận một bức tranh toàn cảnh về biển. Ngay đầu bài viết tác giả đã dẫn dắt người đọc với lối dẫn tự nhiên, không chỉ tác giả mà người đọc cũng phải tò mò: “Những người đàn bà mang mùi biển cả “dẫn” tôi đi len lỏi qua những xóm, những làng bé xinh. Thôn xóm miền biển bao giờ cũng thế, đường bé quanh co, những mái nhà thân thiết áp sát vào nhau như những chiếc vỏ ốc…” chừng đó thôi cũng đã đủ lột tả hết những đặc trưng cuộc sống lẫn không vào đâu được của người dân miền biển. Để rồi, một cách tự nhiên, độc giả cũng như hòa mình vào biển cả bao la, để thâm nhập cuộc sống của những tay đánh cá cự phách ở Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa.

Cũng là chuyện đi vây, cũng là chuyện “sắm tàu to, máy lớn” vươn khơi làm giàu, nhưng cách viết này “dẫn dụ” người đọc bằng những chi tiết, những câu chuyện rất đời, rất thực, chứ không phải là những con số khô khan, cứng nhắc. Rồi câu chuyện của những con người cưỡi sóng, cưỡi gió mưu sinh cứ trải ra như thế, tâm tình mặn mòi như nước biển, như nước mắt, mồ hôi của biển, của mỗi chuyến ra khơi: “Cũng có những con tàu mà mạn sơn 2 chữ "BT", hỏi ra mới biết đó là tàu cũ mua lại từ ngư dân Bình Thuận. "Một con tàu như thế này chắc là nhiều tiền lắm ạ?", tôi hỏi 1 anh thợ đang mải mê sơn lại vách tàu. "Nhiều! những 3, 4 tỷ đồng cơ mà! Mấy bạn nghề phải chung tiền mới mua được đấy! Nhưng biển cũng đãi người hậu lắm nhé. Thường đi một chuyến biển vụ cá chính về, trừ tiền nhiên liệu, chi phí thực phẩm ra, dân nhà thuyền 10 người chia nhau bình quân phải được khoảng vài chục triệu đồng; còn các bạn ngang (lao động làm công) cũng được cả chục triệu...". Lại hỏi, thế chuyến cá vừa rồi anh được chia bao nhiêu? Anh gãi đầu cười: “Tui chỉ là chân thợ, ăn chay nằm mộng bên bến này, tàu về lại sơn, lại bảo dưỡng”. Hoá ra, từ nghề đi khơi đi lộng miền biển, cũng sinh sôi ra lắm nghề!”…

Là chuyện làm muối vất vả, nhưng lại được miêu tả bởi những lời hát ru về những cánh chim hải âu cần mẫn đi về mỗi ban mai và chiều tà: “Trong lời ru của mẹ, tôi còn nghe có tiếng ai rao “muối ơ” mặn chát lòng giữa trưa hè nắng gắt…”.

Đến với biển, khao khát trải nghiệm, khiến tác giả trăn trở, bởi “quy mô sản xuất vừa manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc quản lý và phát triển bền vững, vừa gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường”, là “khó khăn cho việc tổ chức hợp tác xã nghề, xây dựng thương hiệu, tiêu bao sản phẩm”, là “tiếc nuối chút dư vị của thứ nước mắm rất “thật vị”, đậm đà “kéo” từ bàn tay người dân Diễn Ngọc”.

Là chuyện nuôi ngao giống nổi danh khắp khu vực Bắc miền Trung của ông Thái Bá Khang (Quỳnh Thọ). Để “tần ngần trước những bãi triều ven biển... Những cây cọc, những hàng dây phân lô, phân thửa nuôi ngao khiến tôi liên tưởng đến trò chơi ô ăn quan khổng lồ. Quan ở đây là những chiếc chòi canh được dựng cao chênh vênh giữa điệp trùng sóng nước, còn quân chính là tầng tầng, lớp lớp ngao đang ngụp lặn dưới sóng và cát kia. Từ bao giờ mà chúng ta lại thành kẻ điều hành trò chơi tạo hoá? Đó chính là phép màu đến từ bàn tay lao động của con người”.

Kết thúc bài viết, nhưng tác giả lại hướng cho chúng ta, lôi kéo chúng ta hòa vào một hành trình mới: “Rong ruổi bên biển, hoà vào đời sống sôi động của miền biển, mới thấy khó dứt, khó dừng “sự đi” ấy, khi mà mỗi nơi đến, nơi đi cho ta những cảm xúc tươi mới thú vị… Tôi chạy xe vè vè trên con đường ôm lấy cả một dải bờ biển. Chiều buông xuống hắt ráng đỏ lên mặt nước… Chợt dâng xúc cảm mến yêu trước biển quê hương bao la đã và đang được trí lực con người “khai mở”, phát huy đem lại bao giá trị cuộc sống!”.

Người xây dựng